tin tức - sự kiện

Giới thiệu sách “Thép đã tôi thế đấy”

10/17/2017 5:38:53 PM

​Tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của tác giả Nhi-ca-lai A-xtơ-rốp- xki là một khúc ca tươi đẹp của đời sống. Mỗi trang sách như tiếp thêm máu chảy trong người đọc, nâng cao thêm nhiệt tình cách mạng, thúc giục chiến đấu, thúc giục công tác.


   tdttd.jpg

   "Cái quý nhất của con người là đời sống. Ðời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để đến khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người. Và ta phải sống gấp lên mới được vì tật bệnh vô lý hay một sự tình cờ bi đát nào đó có thể bỗng nhiên cắt đứt cuộc đời".

   Ðó là đoạn văn trong “Thép đã tôi thế đấy” miêu tả tâm trạng của Pa-ven trong nghĩa địa quê hương, nơi những bạn bè bị quân thù treo cổ, khi anh vừa thoát khỏi cái chết do bệnh thương hàn ở công trường Bayarka. Ðoạn văn tiêu biểu cho nhân sinh quan cộng sản ấy đã được nhiều bạn trẻ trên khắp thế giới thuộc lòng và lấy làm châm ngôn sống.

   “Thép đã tôi thế đấy” không phải là một tác phẩm văn học chỉ nhìn đời mà viết. Tác giả sống nó rồi mới viết nó. Nhân vật trung tâm Pa-ven chính là tác giả: Nhi-ca-lai A-xtơ-rốp- xki. Là một chiến sĩ cách mạng tháng Mười, ông đã sống một cách nồng cháy nhất, như nhân vật Pa-ven của ông. Cũng không phải một cuốn tiểu thuyết tự thuật thường vì hứng thú hay lợi ích cá nhân mà viết. A-xtơ-rốp-xki viết “Thép đã tôi thế đấy” trên giường bệnh, trong khi bại liệt và mù, bệnh tật tàn phá chín phần mười cơ thể. Chưa bao giờ có một nhà văn sáng tác trong những điều kiện gian khổ như vậy. Trong lòng người viết phải có một nhiệt độ cảm hứng nồng nàn không biết bao nhiêu mà kể. Nguồn cảm hứng ấy là sức mạnh tinh thần của người chiến sĩ cách mạng bị tàn phế, đau đớn đến cùng cực, không chịu nằm đợi chết, không thể chịu được xa rời chiến đấu, do đó phấn đấu trở thành một nhà văn và viết nên cuốn sách này. Càng yêu cuốn sách, càng kính trọng nhà văn, càng tôn quí phẩm chất của con người cách mạng.

   “Thép đã tôi thế đấy” có một địa vị đặc biệt trong lịch sử văn học Liên Xô và nền văn học tiên tiến thế giới. Cách mạng tháng Mười thắng lợi, cuộc chiến đấu vĩ đại chưa từng có bao giờ của nhân dân lao động trên một dải đất Liên bang Xô Viết rộng lớn hàng ngày đề ra và đòi hỏi không biết bao nhiêu là anh hùng. Nhân dân Liên Xô, nhân loại tiến bộ chờ đợi văn học phản ánh và đào sâu cho mình hình ảnh con người anh hùng mới ấy. Lần đầu tiên trong văn học, N. A- xtơ-rốp-xki thu gọn được hình ảnh con người mới trong nhân vật Pa-ven Ca-rơ-sa-ghin. Pa-ven không những khác hẳn với những anh hùng của các thời đại trước. Khác hẳn với những tác phẩm văn nghệ của những năm đầu cách mạng, thường ca ngợi lòng dũng cảm vô tổ chức, tả sức mạnh tràn trề, lớn khỏe của quần chúng như một sức mạnh bộc phát, tự nhiên. “Thép đã tôi thế đấy” cho ta thấy từng con người trong một quần chúng rộng lớn nẩy nở như thế nào, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. Thép đã tôi thế đấy ghi lại cả một quá trình tôi thép, bước đường gian khổ trưởng thành của thế hệ thanh niên Xô Viết đầu tiên.

   “Thép” ở đây là Pa-ven, là Xê-ri-ô-gia, là Va-li-a, là Giác ky, cả một lớp thanh niên lao động, vừa lớn lên thì gặp ngay cách mạng, ý thức giai cấp và tuổi trẻ bừng lên trong bão táp của phong trào. Lò ngàn độ nóng tôi rèn họ là cuộc đấu tranh trường kỳ gian khổ, là tự lực cánh sinh của cách mạng tháng Mười. Người thợ vĩ đại tôi rèn thép ấy là Đảng cộng sản, ngọn cờ và bộ tham mưu của cách mạng. Đảng lần lượt lãnh đạo chiến tranh, đảm bảo cung cấp, tổ chức vận tải, xây dựng đường sắt, trấn áp tàn dư phản cách mạng, tổ chức lực lượng nhân dân rộng lớn và thiết lập chính quyền cách mạng vững mạnh, lãnh đạo phục hồi sản xuất và kiến thiết, dắt dẫn nhân dân đi vào một xã hội mới - xã hội chủ nghĩa - chưa từng có bao giờ. Trong đấu tranh vũ trang cũng như công tác xây dựng, Đảng tập dần thói quen cho Pa-ven chiến thắng. Pa-ven từng bước một trưởng thành, trở nên một chiến sĩ cách mạng già dặn. Bệnh tật mười chết một sống là trận thử thách cuối cùng. Pa-ven là “thép đã tôi” rồi nên đã thắng, toàn thắng.

   Đọc “Thép đã tôi thế đấy” trước hết truyền cho chúng ta lòng ham sống và ham chiến đấu. Đấy là bản chất giai cấp của Pa-ven. Đấy là bản chất thanh niên của Pa-ven. Đấy là phẩm chất cách mạng mà Đảng và đấu tranh thực tế đã xây dựng cho anh. Không phải ngọn lửa rơm sốc nổi hay cái ngang tàng rởm của chủ nghĩa anh hùng cá nhân. Một tinh thần ham sống và ham chiến đấu có nghĩa lý nhất, có cơ sở nhất. Không gì mạnh bằng lòng tin tưởng của Pa-ven ở những mục đích chiến đấu của mình. Pa-ven say mê đem toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, hy sinh cá nhân của mình một cách nồng nhiệt lãng mạn, không bao giờ do dự, không hề tính toán, tất cả vì sự nghiệp giai cấp, vì hạnh phúc nhân loại. Không hiểu mục đích đấu tranh của Pa-ven, đảng tính đấu tranh của Pa-ven thì chỉ cảm thấy đời Pa-ven đau khổ. Không, Pa-ven không cảm thấy đau khổ, Pa-ven chỉ nghĩ đến khắc phục thống khổ. Pa-ven luôn luôn vui sướng vì anh luôn luôn đấu tranh và luôn luôn thắng lợi. Đó là chủ nghĩa lạc quan của Pa-ven. Đó là sức mạnh, đó là hạnh phúc của Pa-ven.

   “Thép đã tôi thế đấy” là một khúc ca tươi đẹp của đời sống. Mỗi trang sách như tiếp thêm máu chảy trong người đọc, nâng cao thêm nhiệt tình cách mạng, thúc giục chiến đấu, thúc giục công tác.

   “Thép đã tôi thế đấy” giải quyết cho chúng ta nhiều vấn đề nhân sinh quan mới, dạy chúng ta biết yêu biết ghét một cách chính xác và sâu mạnh, khơi lên ở chúng ta những tình cảm lớn, xây dựng cho chúng ta một quan niệm về tình yêu trong sáng. “Thép đã tôi thế đấy” còn là một kho báu kinh nghiệm công tác cách mạng rất thực tế để nhìn cho sáng hơn nhiều vấn đề mới mà cuộc sống đề ra cho mỗi tập thể và mỗi con người, để thực hiện "nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".

Oanh Vũ sưu tầm và tổng hợp​

Tin nổi bật




















Tin nội bộ
  • HỘI THAO XÍ NGHIỆP KHÍ NĂM 2024
  • 8/6/2024 3:00:01 AM