Thưc hiện kế hoạch và chương trình hoạt động năm 2023, Chi bộ Giàn nén khí mỏ Rồng, thuộc Đảng bộ Xí nghiệp Khai thác các công trình khí (XN Khí) đã kết hợp với Công đoàn bộ phận Giàn nén khí mỏ Rồng (GNR) đã tổ chức chương trình về nguồn, kết hợp thăm quan di tích lịch sử với chủ đề “Hành trình về nguồn – Côn đảo bản hùng ca bất diệt” từ ngày 14-15/03/2022 tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Côn Đảo là một quần đảo gồm 16 hòn đảo với tổng diện tích 76 km² nằm ngoài khơi thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách Vũng Tàu 97 hải lý. Trước năm 1975, Côn Đảo được biết đến là một địa ngục trần gian, nơi ghi dấu ấn lịch sử của một thời kỳ đấu tranh vừa hào hùng vừa bi thương của dân tộc Việt Nam.
Trong hành trình về nguồn, Đoàn đã đến thăm Nghĩa trang Hàng Dương1 – nơi yên nghỉ của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, chí sỹ yêu nước Nguyễn An Ninh, nữ anh hùng Võ Thị Sáu… Tại Đài tưởng niệm, Đoàn đã tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm hàng vạn chiến sỹ cách mạng và những người dân Việt Nam yêu nước đã chiến đấu anh dũng và hy sinh trên mảnh đất Côn Đảo.
Đoàn lễ dâng hương tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh tại Nghĩa trang Hàng Dương
Địa điểm tiếp theo trong hành trình về nguồn là Bảo tàng Côn Đảo cùng hệ thống di tích Nhà tù Côn Đảo. Tại đây đoàn đã được nghe thuyết minh tổng quan về giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của Nhà tù Côn Đảo, Di tích quốc gia đặc biệt (được công nhận ngày 10/5/2012), nơi giam cầm các chiến sỹ cách mạng, nghe kể về những thủ đoạn tra tấn tù nhân dã man như rắc vôi bột rồi dội nước để thân thể bỏng rát, phơi nắng trong nhiều giờ, dùng gậy chọc xuống từ nóc “chuồng cọp”… Đứng trong dãy phòng giam ngột ngạt, ai nấy trong đoàn đều bồi hồi xúc động khi nghe kể về những đớn đau của cha ông khi xưa đã trải qua để gìn giữ nền độc lập tư do của dân tộc.
Đoàn chụp hình lưu niệm trước Bảo tàng Côn Đảo
Đoàn thăm di tích chuồng cọp nơi giam giữ và tra tấn nhũng chiến sĩ yêu nước bị tù đày
Khép lại hành trình Côn Đảo là những cảm xúc khó quên và những bài học về niềm tin, cống hiến của các thế hệ cha ông đi trước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chương trình về nguồn đã mang lại ý nghĩa thiết thực, giúp mỗi Đảng viên và Công đoàn viên GNR thêm thấu hiểu sâu sắc về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, qua đó giúp cảm nhận rõ hơn vai trò trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với đất nước, góp phần xây dựng quê hương thêm văn minh, giàu đẹp mà Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ đã chọn.
(1) Nghĩa trang Hàng Dương là nghĩa trang lớn nhất tại Côn Đảo. Đây là nơi chôn cất hàng vạn chiến sĩ cách mạng và người yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị tù đày, kéo dài từ năm 1862 đến năm 1975, trong nhà tù Côn Đảo của chính quyền thuộc địa Pháp, và sau này là chính quyền Việt Nam Cộng hòa. – Nguồn Wikipeida.
Trong 103 năm (1862-1975), có khoảng 20 nghìn tù nhân là những chiến sĩ cộng sản đã hy sinh tại Côn Đảo. Sau gần 20 năm xây dựng, Nghĩa trang Hàng Dương mới có 1.918 ngôi mộ, trong đó chỉ 713 ngôi mộ có tên, nghĩa là thân xác của gần 2 vạn người tù khác hiện vẫn bị vùi lấp đâu đó dưới cỏ cây, đất đá Côn Đảo. Họ đã trở thành “hồn thiêng sông núi” trường tồn cùng lịch sử bi hùng của dân tộc.
Một số hình ảnh của chuyến đi:
Đoàn thăm Nghĩa trang Hàng Dương
Đoàn thắp hương tại nơi an nghỉ của Đồng chí Lê Hồng Phong – Tổng bí thư ĐCS Việt Nam
Đoàn thăm khu trưng bày tại Bảo tàng Côn Đảo
Đoàn thăm quan cụm di tích nhà tù và chuồng cọp
Hình ảnh và bài viết: Chi bộ Giàn nén khí mỏ Rồng