tin tức - sự kiện

Xí Nghiệp Khai Thác Các Công Trình Khí Lược Sử Hình Thành Và Phát Triển-P1

8/2/2021 5:05:14 AM

​(Bài viết chào mừng sự kiện 26 năm hình thành và phát triển của XN Khai thác các công trình khí 15/08/1995-15/08/2021) - Phần I​


​I. Những tiền đề cho sự ra đời của Xí nghiệp Khai thác các Công trình Khí:

   XNLD “Vietsovpetro” bắt dầu khai thác mỏ dầu Bạch Hổ từ ngày 26/6/1986. Song song với quá trình khai thác dầu này là toàn bộ khí đồng hành được tách ra (với hệ số khí/dầu bình quân là 150 m3/tấn) tại các giàn khoan. Tại đây lượng khí đồng hành  hoàn toàn bị đốt bỏ vì tại thời điểm này Vietsopetro chưa có điều kiện thu gom và vận chuyển vào bờ sử dụng. Đến ngày 23/4/1995, XNLD “Vietsovpetro”  khai thác chạm mốc 30 triệu tấn dầu từ mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng. Một phép tính đơn giản (30.000.000 x 150) sẽ cho chúng ta  thấy rằng chúng ta đã lãng phí khi phải đốt bỏ một lượng khí thiên nhiên khổng lồ ngoài khơi, khoảng 4,5 tỷ m3! Thêm vào đó, tại khu vực bể Cửu Long đã phát hiện nhiều cấu tạo có triển vọng chứa dầu khí lớn (ngoài mỏ Bạch Hổ và Rồng), vì vậy nếu không có biện pháp sớm thu gom và sử dụng khí đồng hành, thì chính sự gia tăng khai thác dầu này sẽ dẫn đến lượng khí đồng hành phải đốt bỏ  ngày càng lớn, gây lãng phí rất lớn tài nguyên quốc gia và làm ô nhiễm môi trường. 

   Ngày 07/7/1988 Bộ Chính trị TW Đảng Cộng Sản Việt Nam đã có Nghị quyết số 15-NQ/TW, trong đó nhấn mạnh: Nhanh chóng lập phương án trước năm 1995 sử dụng khí đồng hành mỏ Bạch Hổ và các mỏ khác để sản xuất phân đạm, phát điện và phục vụ đời sống nhân dân.

   Cũng tại kỳ họp XI Hội đồng XNLD “Vietsovpetro” ngày 21/10/1989, Phía Việt Nam chính thức đề nghị được sử dụng khí đồng hành từ các mỏ của XNLD “Vietsovpetro” khai thác mà không phải trả tiền.  Đến ngày 12/12/1990, sau một thời gian dài đàm phán, hai Phía Việt Nam và Liên Xô đã ký Nghị định thư liên Chính phủ Việt-Xô, quy định: “từ ngày 01/01/1991, khí đồng hành lấy lên trong quá trình khai thác dầu ngoài việc sử dụng cho các nhu cầu công nghệ khai thác sẽ được giao cho bên Việt Nam tại mỏ không phải trả tiền”. 

   Ngày 16/7/1991, hai Chính phủ Việt Nam và Liên Xô đã ký Hiệp định sửa đổi về tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa phía Nam Việt Nam, trong đó chính thức khẳng định khí đồng hành được lấy lên trong quá trình khai thác dầu mà XNLD “Vietsovpetro” không sử dụng cho nhu cầu công nghệ được chuyển giao cho Phía Việt Nam tại mỏ không phải trả tiền. Trong trường hợp phát hiện các mỏ khí hoặc condensate, việc đánh thuế sử dụng và phân chia sản phẩm khai thác được sẽ là đối tượng của một thỏa thuận riêng của hai Bên. 

   Hiệp định 16/7/1991 là khung pháp lý cho việc tiếp nhận khí từ mỏ Bạch Hổ, tuy nhiên, trước đó, Luận chứng kinh tế-kỹ thuật (FS) cho Hệ thống thu gom và vận chuyển khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ đến các hộ tiêu thụ trên đất liền đã được Tổng Công ty Khí Việt Nam khởi động. Công trình khoa học này do Viện Nghiên cứu khoa học và Thiết kế dầu khí biển (НИПИ) của XNLD “Vietsovpetro” (có sự tham gia của Viện Thiết kế Bộ Thương mại) thực hiện dưới sự chủ trì của Tiến sỹ IU.S. Oseredko (Юрий Спиридонович Осередько), Chánh Kỹ sư НИПИ. Bản luận chứng kinh tế-kỹ thuật ban đầu này là sơ bộ và chưa đầy đủ, tuy nhiên, đây là tài liệu hết sức quan trọng, là cơ sở để chính phủ Việt Nam ra quyết định đầu tư Hệ thống thu gom và vận chuyển khí Bạch Hổ-Thủ Đức, là căn cứ để Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam triển khai thực hiện dự án, tạo tiền đề cho việc phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam.

   Bắt đầu là dự án sớm đưa khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ vào bờ (còn gọi là fast-track) dựa trên nguyên lý sử dụng áp suất vỉa đưa 1 triệu m3 khí/ngày-đêm vào bờ, khi chưa có giàn nén khí ngoài mỏ, để cung cấp cho nhà máy điện tuốc-bin khí Bà Rịa. Ngày 17/4/1995 khí đồng hành thu gom từ mỏ Bạch Hổ đã về đến trạm phân phối khí Bà Rịa, sẵn sàng cung cấp khí cho nhà máy điện Bà Rịa. Và, 14:00 ngày 26/4/1995 Nhà máy nhiệt điện Bà Rịa phát ra dòng điện bằng khí đầu tiên hòa vào lưới điện quốc gia. Với nguồn khí thiên nhiên này, Nhà máy nhiệt điện Bà Rịa đã chấm dứt thời kỳ sử dụng dầu diesel tốn kém (từ 7/1992); nâng công suất từ 121, 8 MW với 4 tổ máy lên 271,8 MW với 8 tổ máy phát điện, góp phần đặc biệt quan trọng vào việc đảm bảo năng lượng cho chuỗi các khu công nghiệp miền Đông Nam bộ.

  Thắng lợi của dự án fast-track đã tạo cơ sở để Chính phủ giao cho Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam tổ chức thực hiện dự án nâng mức cung cấp lên 2 triệu m3 khí/ngày để đảm bảo nhiên liệu cho Nhà máy điện Phú Mỹ 2.1 sẽ đưa vào vận hành năm 1997.

II. Sự ra đời của Xí nghiệp Khai thác các Công trình Khí:

   Như chúng ta đã biết, lúc đầu công trình sớm đưa khí vào bờ được giao cho Xí nghiệp Khai thác dầu khí quản lý và vận hành. Tuy nhiên, khi nâng sản lượng cung cấp khí lên 2-3 triệu m3 khí/ngày với việc phải lắp đặt hệ thống thu gom khí nội mỏ, xây dựng giàn nén khí nhỏ cạnh MSP-4 và bộ phận trộn khí (injector) trên giàn ống đứng (Riser Platform) gần MSP-2 của mỏ Bạch Hổ thì khối lượng công việc ngày càng nhiều, yêu cầu kỹ thuật, công tác quản lý và vận hành hệ thống ngày càng cao, đòi hỏi phải có một đơn vị chuyên trách.

   Căn cứ vào tình hình trên, công văn số 1948/DK-TĐ-TDKT ngày 24/07/1995 của Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam và công văn số 799 ngày 14/08/1995 của “Zarubezneft”, ngày 15/8/1995, Tổng Giám đốc XNLD “VIETSOVPETRO” đã có quyết định số 497 thành lập Xí nghiệp Quản lý và Khai thác các công trình Khí. 

 QD497.jpg

Quyết định số 497 thành lập Xí nghiệp Quản lý và Khai thác các công trình Khí

Xí Nghiệp Khai Thác Các ​Công Trình Khí là đơn vị thành viên trực thuộc Liên Doanh Việt – Nga Vietsovpetro. Với nhiệm vụ sản xuất chính:

​​     * Thu gom, xử lý và nén toàn bộ khí đồng hành trong bể Cửu Long (gồm các mỏ: Bạch Hổ, Rồng, Thỏ trắng, Gấu Trắng, Cá Tầm, Sư Tử Trắng, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Cá Ngừ Vàng, Thăng Long, Tê Giác Trắng…) và các mỏ thuộc lô 04-3 thuộc bể Nam Côn Sơn. - Cung cấp khí cho nhu cầu khai thác dầu bằng gaslift của Vietsovpetro tại các mỏ Bạch Hổ Rồng, Thỏ Trắng và Nam Rồng-Đồi Mồi…

​     * Nén khí về bờ, cung cấp cho các cụm công nghiệp khí điện, đạm sử dụng khí đốt như nhà máy Đạm Phú Mỹ, các nhà máy điện Nhơn trạch 1, 2, 3, nhà máy điện Bà Rịa… góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh lương thực quốc gia. Đồng thời giúp cho Việt nam  không bị đốt bỏ khí trên các mỏ thuộc Bể Cửu Long và Nam Côn Sơn

​​     * Làm các dịch vụ về công nghệ khí như: cung cấp nhân lực và dịch vụ vận hành thuê các mỏ, giàn; EPCI; đào tạo; bảo dưỡng, sửa chữa, bảo trì, đại tu toàn bộ các máy móc, thiết bị xử lý khí, nén khí… trên các giàn, các trạm nén khí.. 

   Đến năm 2000, Xí nghiệp Quản lý và Khai thác các công trình khí chính thức được đổi tên thành Xí nghiệp Khai thác các công trình khí. Từ đây, vượt qua bao thử thách, Xí nghiệp Khai thác các công trình khí đã có những bước phát triển vượt bậc, đóng góp đáng kể vào quá trình hình thành và xây dựng nên một nền công nghiệp khí hùng mạnh  và để có được những thành tựu này Xí nghiệp khai thác các công trình khí - Liên Doanh Việt Nga Vietsopetro đã trãi qua những quãng thời gian khó nhọc với biết bao cố gắng, nỗ lực của một tập thể lao động tận tâm, nhiệt tình cùng với sự hỗ trợ hợp tác từ nhiều bên. Chúng ta cùng điểm lược lại những mốc son và sự kiện lịch sử để làm nên một Xí Nghiệp Khí như ngày hôm nay.

 ToanhaXNKmoi.png

       Tòa nhà làm việc Xí nghiệp Khai thác các công trình Khí thuộc khuôn viên Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro           tọa lạc tại số 105 Lê Lợi phường Thắng Nhì, thành phố Vũng Tàu

Tin nổi bật













Tin nội bộ
  • ​Đón Tết ở giàn khoan
  • 2/26/2024 8:00:32 PM