III. Quá trình phát triển của Xí nghiệp Khai thác các Công trình Khí:
III.1. Những ngày đầu tiên:
Ngày 10/8/1995, Tổng Giám đốc XNLD “Vietsovpetro” phê duyệt biên chế đầu tiên cho Xí nghiệp Khai thác các Công trình Khí. Ngày 30/8/1995, Tổng Giám đốc Tổng Giám đốc XNLD “Vietsovpetro” đã ký quyết định số 797-K/V bổ nhiệm ông Lâm Quang Chiến làm Giám đốc đầu tiên của Xí nghiệp Khai thác các Công trình Khí. Ban đầu, nhân sự của Xí nghiệp gồm có:
- Giám đốc: Lâm Quang Chiến;
- Chánh Kỹ sư: Tiến sỹ IU.S. Oseredko (Юрий Спиридонович Осередько);
- Phó Giám đốc: Nguyễn Văn Thắng;
- Chánh Kế toán: Trần Danh Thuyết;
- Trưởng phòng Kỹ thuật sản xuất: Cao Tùng Sơn.
- Nhân viên: Lê Thị Mai Hương (phụ trách công tác cán bộ); Lê Thị Minh Nguyệt (Kỹ sư kinh tế); Lê Quang Dũng (Kỹ sư công nghệ); Nguyễn Thị Phương Hoa (Kế toán).
Đến cuối năm 1995, đầu năm 1996 là thời kỳ chuẩn bị nhân lực cho các giàn nén khí đi vào hoạt động. Phòng Cán bộ XNLD “Vietsovpetro” đã rất vất vả trong việc tuyển dụng nhân sự, vì Công nghệ Khí là một lĩnh vực hoàn toàn mới đối với Việt Nam. Vietsovpetro đã phải cử cán bộ sang Cộng hòa Liên bang Nga, Cộng hòa Azerbaizan và Cộng hòa Ucrain để tuyển người. Ở trong nước, Trưởng phòng Cán bộ Vietsovpetro và đích thân Giám đốc XN Khí trực tiếp đến dự lễ bảo vệ tốt nghiệp của ĐH Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh và ĐH Bách Khoa Hà Nội để tuyển những sinh viên ưu tú nhất. Trong nội bộ Vietsovpetro, nguồn cán bộ, kỹ sư, thợ lành nghề được tuyển chọn chủ yếu từ XN Khai thác dầu khí và XN Cơ điện.
Vì rằng công nghệ và hệ thống thiết bị công nghệ khí rất mới đối với Việt Nam nên công tác đào tạo, tập huấn (training) nhân viên vận hành được đặc biệt quan tâm. Hàng loạt các khóa training ở các nước có nền công nghiệp khí phát triển như Nga, Mỹ, Ấn Độ, Ý… dành cho cán bộ kỹ sư được tổ chức liên tục từ cuối năm 1996. Cùng thời kỳ đó, các giàn nén khí được xây lắp (hook-up) tại mỏ Bạch Hổ (giàn nén khí Nhỏ) và tại Koje Hàn Quốc (giàn nén khí Trung tâm).
Một lớp tập huấn tại Trung tâm Solar training, San Diego, Mỹ.
Những kỹ sư, chuyên gia được gửi đi giám sát thiết kế, xây lắp và học tập tại chỗ có đến hàng chục người. Đó là những người ưu tú, có trình độ tiếng Anh tốt. Chính họ và đội ngũ chuyên gia các hãng đến từ các quốc gia có nền công nghiệp khí phát triển đã hình thành nên phong cách làm việc khoa học, chuyên nghiệp sau này cho tập thể lao động XNKT các CT Khí.
Những chuyên gia ngày ấy đến nay hầu hết đã trưởng thành. Họ là Cao Tùng Sơn (hiện là Phó Tổng Giám đốc Vietsovpetro), Trần Văn Vĩnh (hiện là Chánh Kỹ sư Vietsovpetro), Lê Việt Dũng (hiện là Giám đốc Xí nghiệp Khai thác dầu khí Vietsovpetro), Lê Đức Khương (Phó Giám đốc XN Khí)… Ngoài ra còn kể đến nhiều người hiện đang là chuyên gia quốc tế cho các hãng lớn như Nguyễn Tiến Duân, Đỗ Thành Nhân (Solar), Yakovlev O.V. (Dresser-Rand)…
III.2. Những dòng khí đầu tiên:
III.2.1 Giàn nén Nhỏ - giàn nén khí đầu tiên của Vietsovpetro chính thức được thành lập:
Ngày 28 tháng 2 năm 1997, giàn nén khí Nhỏ (GNN) nhận dòng khí đầu tiên (first gas) an toàn và sẵn sàng đi vào hoạt động. Với tư cách là công trình đầu nguồn (up-stream), GNN đã góp phần quyết định vào sự thành công ngoài mong đợi của Dự án cung cấp 2 triệu m3 khí/ngày-đêm của Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam: cung cấp 2 triệu m3 khí/ngày-đêm đảm bảo cho các nhà máy điện Bà Rịa và Phú Mỹ 2.1 vận hành ổn định, với tổng công suất gần 900MW.
Giàn nén khí Nhỏ
Giàn nén khí Nhỏ được xây dựng cạnh giàn khai thác dầu số 4 (MSP-4), trên chân đế cũ dự kiến cho giàn công nghệ trung tâm số 1, do Liên danh nhà thầu KOLON-SiiRTEC NIGI (Italia) thiết kế; toàn bộ công tác mua sắm thiết bị và xây lắp do XNLD “Vietsovpetro” tự thực hiện.
Hệ thống thiết bị bao gồm:
- 4 tổ máy: sử dụng máy nén piston của hãng Nuovo Pignone (Italia) và động cơ khí Waukesha (USA); công suất nén mỗi tổ máy là 492.000 m3/ngày-đêm với áp suất 100 bar.
- Hệ thống điều khiển công nghệ dùng PLC (Programmable Logic Control) của hãng Siemen (version S5), thuộc loại hiện đại và tiến tiến lúc bấy giờ.
- Tháng 02/2019, GNN tiến hành tháo dỡ hai tổ máy BM-300, BM-400 và lắp đặt mới một tổ hợp máy nén ly tâm cao áp “Train A”. Đến ngày 19/12/2019, tổ máy Train A đã chuyển sang giai đoạn vận hành thương mại (COD) với công suất 1,7 triệu m3 khí/ngày-đêm làm gia tăng công suất thêm 1.2 triệu m3/ngày (do đã gỡ 2 máy cũ trên GNN).
III.2.2 Giàn nén khí Trung tâm – Đơn vị sản xuất chủ lực của Xí nghiệp Khai thác các công trình Khí:
Cuối tháng 3 năm 1995, giàn nén khí Trung tâm được hạ thủy (load-out) tại cảng Koje, Hàn Quốc. Sau 3 tuần trên biển, khối thượng tầng về đến mỏ Bạch Hổ. Ngày 15/4/1997 top-side khổng lồ của GNTT được tàu cẩu Herremac (Hà Lan, lớn nhất thế giới vào thời điểm ấy, sức nâng 15.000 tấn) đặt lên chân đế chỉ bằng một lần nâng (single lift). Ngày 31/7/1997 giàn nén khí trung tâm first gas và tháng 8/1997 công trình nén khí có công nghệ hiện đại thuộc hàng đầu thế giới (đương thời) trên mỏ Bạch Hổ chính thức đi vào hoạt động góp phần đưa hệ thống khí Bạch Hổ đạt công suất thiết kế.
Khối thượng tầng giàn nén khí Trung tâm trước ngày hạ thủy tại Koje, Hàn Quốc
Công trình giàn nén khí Trung tâm được thực hiện theo hình thức đấu thầu EPC (Engineering, Procuremant and Construction) quốc tế; trúng thầu là Tổ hợp nhà thầu Bouygues offshore (Pháp) và Samsung Heavy Industries (Hàn Quốc), Nhà tư vấn Fluor Daniel (Mỹ) và Nhà giám định DNV (Det Norske Veritas, Na Uy). Engineers India Limited (New Delhi, India) là Nhà tư vấn thiết kế cho Samsung Heavy Industries. Theo thiết kế tổng thể của EIL, giàn nén khí trung tâm có 5 tổ máy nén khí với tổng công suất 8,1 tỷ m3 khí/năm. Hệ thống thiết bị bao gồm:
- 5 tổ máy nén khí ly tâm cao áp (đến 125 bar.) do hãng Dresser-Rand (Mỹ) chế tạo, công suất nén một máy 1,62 triệu m3/ngày-đêm, được dẫn động bằng tuốc-bin khí (gas turbine) Mars-100 do hãng Solar (Mỹ) chế tạo, công suất 15.000Hp/máy, vòng quay đến 10.000 vòng/phút, sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên (đồng hành).
- 1 máy nén khí piston thấp áp (LP compressor) do hãng Nuovo Pignone (Italia) chế tạo, công suất 420.000 m3 /ngày-đêm với áp suất đầu ra 10 bar, dẫn động bằng động cơ điện 6,3 kV, công suất 1,2 MW và được điều khiển bằng PLC của hãng Siemen S5 (Đức).
- Tổ hợp máy phát điện gồm ba máy công suất 2,8MW/máy, dẫn động bằng gas turbine Centaur 40 do hãng Solar (Mỹ) chế tạo; Toàn bộ thiết bị điện hiện đại, có cấp độ chống nổ cao do hãng ABB (Thụy Điển) chế tạo.
- Hệ thống công nghệ, hệ thống thiết bị nén và động lực chính (trừ LP compressor) được điều khiển tự động bằng PLC (Programmable Logic Controller) của hãng Allen Bradley (Mỹ).
- Năm 2014 GNTT triển khai lắp đặt thêm tổ máy nén khí số 6 (train F) có công suất nén 1,7 triệu m3/ngày-đêm. Tháng 07 năm 2015, Tổ máy số 6 đi vào hoạt động nâng công suất nén tăng thêm 1.7 triệu m3/ngày
Trong giai đoạn 8/1997-8/2015, sau 18 năm đưa vào khai thác giàn nén khí Trung tâm đã đạt sản lượng gần 36 tỷ m3 khí thành phẩm. Trong đó, chuyển về bờ hơn 27,5 tỷ m3 ; cung cấp hơn 7 tỷ m3 khí gaslift phục vụ cho khai thác dầu (của Vietsovpetro và VRJ) và xấp xỉ 1,5 tỷ m3 khí nhiên liệu phục vụ cho các giàn công nghệ trung tâm mỏ Bạch Hổ. Cho đến nay, GNTT vẫn được ghi nhận là một công trình có kết cấu gọn, đẹp, hợp lý với hệ thống thiết bị hiện đại và đồng bộ. Ngày 31/07/2020 tổng sản lượng khí thu gom và xử lý của GNTT ước tính đạt trên 50,5 tỷ m3, trong đó cung cấp cho hoạt động khai thác dầu bằng công nghệ gaslift là 14,6 tỷ m3 góp phần to lớn vào sự phát triển vững mạnh của tập thể XN Khí, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, mang lại hiệu quả kinh tế to lớn cho đất nước và nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng tài nguyên dầu khí.
Giàn nén khí Trung tâm
III.2.3.Giàn nén khí mỏ Rồng - Công trình chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI:
Năm 2009 – 2010 đã đánh dấu sự trưởng thành và tầm vóc của XN Khí trong hoạt động dịch vụ kỹ thuật thuộc lĩnh vực công nghiệp khí, khi tham gia thiết kế, trực tiếp được ủy quyền làm Trưởng Dự án và được giao vận hành hệ thống thu gom khí mỏ Rồng, Nam Rồng – Đồi Mồi và giàn nén khí mỏ Rồng (GNR). Việc đưa giàn nén Rồng vào vận hành đã cung cấp phần lớn khí gaslift cho hoạt động khai thác dầu tại mỏ Rồng – Đồi Mồi, góp phần gia tăng sản lượng khí nén cấp về bờ, đáp ứng nhu cầu khí của thị trường khu vực Đông Nam Bộ.
Giàn nén khí mỏ Rồng – Đồi Mồi (GNR) là dự án do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Tổng công ty khí Việt Nam (PVGas) làm chủ đầu tư, Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro làm tổng thầu với tổng mức đầu tư gần 150 triệu USD. Theo kế hoạch ban đầu, công trình sẽ được thực hiện trong vòng 30 tháng, nhưng với chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Tập đoàn DKVN, với quyết tâm thực hiện của Chủ đầu tư, đặc biệt là tinh thần lao động sáng tạo quên mình và ý chí, nghị lực phi thường của Tập thể lao động quốc tế Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro nói chung và của XN Khí nói riêng, tiến độ của dự án đã được rút ngắn lại chỉ còn 25 tháng, vượt thời gian 5 tháng 22 ngày. Những dòng khí đầu tiên được đưa qua giàn nén Rồng để phục vụ công việc thử nghiệm và hiệu chỉnh toàn bộ thiết bị trên giàn vào lúc 22h00 ngày 29-11-2010. Việc sớm đưa GNR vào sử dụng đã tiết kiệm cho Nhà nước hơn 34 triệu USD; Tổng giá trị thu được từ lượng khí vượt tiến độ khoảng 42,8 triệu USD, xứng đáng là “Công trình chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI”.
Công trình được thiết kế xây dựng gồm hai tổ hợp máy nén khí cao áp với công suất xử lý ban đầu là 900 ngàn m3 khí mỗi ngày. Nhận thấy thiết kế ban đầu của 2 tổ máy nén cao áp GTC-A/B với công suất 900 ngàn m3/ngày - đêm chưa được tối ưu, nhiệt độ đầu ra máy nén cấp 1 (LP) luôn ở mức cao, chạm ngưỡng Alarm dẫn đến không thể tăng tải máy, trong khi đó hệ thống dẫn động Centaur-50 còn dư 20-30% công suất. Bên cạnh đó, do thành phần khí thay đổi, khí nhẹ hơn, nhiều parafin hơn, làm máy nhanh bẩn, nhanh giảm công suất và làm tăng chi phí bảo trì, bảo dưỡng máy. Sự sụt giảm lưu lượng khí Gaslift làm giảm khả năng khai thác dầu mỏ Rồng đồng thời một lượng lớn khí đốt bỏ ở các giàn khai thác, gây lãng phí tài nguyên. Nhằm tránh sự lãng phí đó, lãnh đạo XN Khí cùng với các phòng ban/giàn đã phối hợp với các đơn vị của Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGAS) là công ty vận chuyển Khí Đông Nam Bộ và công ty Dịch vụ Khí PVGAS, cùng với sự tham vấn của chuyên gia Solar đã lựa chọn giải pháp Restage máy nén để xử lý vấn đề trên. Năm 2017, với sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo, phân công công việc rõ ràng, chi tiết và sự chỉ đạo sát sao của Ban lãnh đạo, phòng Ban XN Khí, tập thể GNR đã hoàn thành việc đại tu restage 2 máy GTC-A (tháng 2) và GTC-B (tháng 08) vượt tiến độ 10 ngày và an toàn tuyệt đối.
Nối tiếp chuỗi các thành công chính trên, năm 2019, Vietsovpetro tiến hành lắp đặt thêm 1 máy nén khí trục vít (BCP) mới tại RP3, công suất thiết kế 0.5 triệu m3/ngày đêm để thu gom triệt để phần khí dư đang bị đốt bỏ tại mỏ Rồng. Và một lần nữa, GNR đã được các cấp lãnh đạo tin tưởng giao phụ trách chính công tác Precommissioning, commissioning, chạy thử, vận hành, hướng dẫn vận hành và chuyển giao cho giàn RP3 – XN Khai thác. Với những giải pháp sáng tạo của đội ngũ cán bộ, kỹ sư trực tiếp thi công đã phối hợp cùng chuyên gia hãng xử lý các vấn đề phát sinh cũng như kiểm tra và nghiệm thu từng hạng mục của hệ thống. Vào ngày 28/07/2019 dòng khí đầu tiên đã được đưa vào hệ thống BCP để phục vụ công việc thử nghiệm và hiệu chỉnh toàn bộ thiết bị. Việc đưa tổ máy Booster vào hoạt động đúng tiến độ cho phép đã đem lại ý nghĩa vô cùng to lớn, khẳng định sức mạnh của tập thể lao động toàn Vietsovpetro và XN Khí. Với sự chủ động và đội ngũ quản lý, kỹ sư có kinh nghiệm, tập thể GNR đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, công việc được giao luôn an toàn tuyệt đối, đúng tiến độ đề ra.
Đưa khối thượng tầng TOPSIDE ra biển, gắn biển chào mừng Đại Hội Đảng