tin tức - sự kiện


​   25 năm có thể là một khoảng thời gian dài của đời người, cũng có thể chỉ là một khoảnh khắc trong dòng chảy không ngừng của thiên niên kỷ. Nhưng chắc chắn, 25 năm (15/08/1995 – 15/08/2020) là một câu chuyện gắn với nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong việc thu gom, xử lý và vận chuyển những dòng khí của Xí nghiệp Khai thác các công trình khí (XN Khí), trực thuộc Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro. 

   Tiền đề của sự hình thành

   Nhìn lại những chặng đường lịch sử trong việc khai thác dầu khí của Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro, vào những năm 1986, khi Vietsovpetro bắt đầu khai thác mỏ dầu Bạch Hổ. Song song với quá trình này là toàn bộ lượng khí đồng hành được tách ra (với hệ số khí / dầu bình quân là 150 m3/tấn) tại các giàn khai thác. Đến ngày 23/04/1995, Vietsovpetro khai thác đạt mốc 30 triệu tấn dầu từ mỏ Bạch Hổ và  mỏ Rồng, tương đương với lượng khí đã đốt bỏ ngoài khơi khoảng 4,5 tỷ m3. Từ thực tại đó yêu cầu phải có biện pháp thu gom, xử lý khí đồng hành để tránh ô nhiễm môi trường và tránh lãng phí nguồn tài nguyên quốc gia ngày càng cấp bách.

   Trải qua một khoảng thời gian dài nghiên cứu, tìm tòi và đàm phán giữa các bên, đến năm 1991, chính phủ Việt Nam ra quyết định đầu tư Hệ thống thu gom và vận chuyển khí Bạch Hổ - Dinh Cố, đây là cơ sở  để Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam triển khai thực hiện dự án, tạo tiền đề cho việc phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam, bắt đầu là dự án sớm đưa khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ vào bờ để cung cấp cho nhà máy điện tuốc-bin khí Bà Rịa, dựa trên nguyên lý sử dụng khí cao áp để  đưa 1 triệu m3 khí/ngày-đêm vào bờ, khi chưa có giàn nén khí ngoài mỏ. Và 14:00 ngày 26/04/1995 Nhà máy nhiệt điện Bà Rịa phát ra dòng điện đầu tiên hòa vào lưới điện quốc gia, chấm dứt thời kỳ sử dụng dầu diesel tốn kém, nâng công suất từ 121,8 MW với 4 tổ máy lên 271,8 MW với 8 tổ máy phát điện, góp phần đặc biệt quan trọng vào việc đảm bảo năng lượng cho chuỗi các khu công nghiệp miền Đông Nam Bộ.

Giàn nén khí Trung tâm – XN Khí.jpg
   Giàn nén khí Trung tâm – XN Khí

   Ban đầu, công trình sớm đưa khí vào bờ được giao cho Xí nghiệp Khai thác dầu khí quản lý và vận hành. Tuy nhiên, khi nâng sản lượng cung cấp khí lên 2-3 triệu m3 khí/ngày với việc phải lắp đặt hệ thống thu gom khí nội mỏ, xây dựng giàn nén khí nhỏ cạnh MSP-4 và bộ phận trộn khí (injector) trên giàn ống đứng (Riser Platform) gần  giàn CNTT số 2 của mỏ Bạch Hổ thì khối lượng công việc ngày càng nhiều, yêu cầu kỹ thuật, công tác quản lý và vận hành hệ thống ngày càng cao, đòi hỏi phải có một đơn vị chuyên trách.

   Căn cứ vào tình hình trên, công văn số 1948/DK-TĐ-TDKT ngày 24/07/1995 của Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam và công văn số 799 ngày 14/08/1995 của Zarubezneft, ngày 15/8/1995, Tổng Giám đốc Vietsovpetro đã có quyết định số 497 thành lập Xí nghiệp Quản lý và Khai thác các công trình Khí. Đến năm 2000  đổi tên thành Xí nghiệp Khai thác các Công trình Khí.

   Những nền móng đầu tiên

   Thời gian đầu thành lập có thể xem là thời kỳ đặt nền móng quan trọng về sau cho sự phát triển của XN Khí. Đây là thời kỳ chuẩn bị nhân lực cho các giàn nén khí đi vào hoạt động. Tại thời điểm này, chuyên ngành Công nghệ Khí là một lĩnh vực hoàn toàn mới ở Việt Nam. Phòng Cán bộ Vietsovpetro đã rất vất vả trong việc tuyển dụng nhân sự. Vietsovpetro đã phải cử cán bộ sang Cộng hòa Liên bang Nga, Cộng hòa Azerbaizan và Cộng hòa Ucrain để tuyển nhân lực về nước. Ở trong nước, Trưởng phòng Cán bộ Vietsovpetro và đích thân Giám đốc XN Khí đã trực tiếp đến dự lễ bảo vệ tốt nghiệp của ĐH Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh và ĐH Bách Khoa Hà Nội để tuyển những sinh viên ưu tú nhất. Trong nội bộ Vietsovpetro, nguồn cán bộ, kỹ sư, thợ lành nghề được tuyển chọn chủ yếu từ XN Khai thác dầu khí và XN Cơ điện.

   Trong thời kỳ đầu, những công nghệ và hệ thống thiết bị công nghệ khí đều là những thứ rất mới đối với Việt Nam nên công tác đào tạo, tập huấn (training) nhân viên vận hành được đặc biệt quan tâm. Hàng loạt các khóa training ở các nước có nền công nghiệp khí phát triển như Nga, Mỹ, Ấn Độ, Ý… dành cho cán bộ kỹ sư được tổ chức liên tục từ cuối năm 1996. Cùng thời kỳ đó, các giàn nén khí được xây lắp (hook-up) tại mỏ Bạch Hổ (giàn nén khí Nhỏ) và tại Koje Hàn Quốc (giàn nén khí Trung tâm).

   Những kỹ sư, chuyên gia được gửi đi giám sát thiết kế, xây lắp và học tập tại chỗ có đến hàng chục người. Đó là những người ưu tú, có trình độ tiếng Anh tốt. Chính họ và đội ngũ chuyên gia các hãng đến từ các quốc gia có nền công nghiệp khí phát triển đã hình thành nên phong cách làm việc khoa học, chuyên nghiệp sau này cho tập thể lao động XN Khí.

   Những dòng khí đầu tiên

Ngày 28 tháng 2 năm 1997, giàn nén khí Nhỏ (GNN) nhận dòng khí đầu tiên (first gas) an toàn và sẵn sàng đi vào hoạt động. Với tư cách là công trình đầu nguồn (up-stream), GNN đã góp phần quyết định vào sự thành công ngoài mong đợi của Dự án cung cấp 2 triệu m3 khí/ngày-đêm của Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam: cung cấp 2 triệu m3 khí/ngày-đêm đảm bảo cho các nhà máy điện Bà Rịa và Phú Mỹ 2.1 vận hành ổn định, với tổng công suất gần 900MW.

Lễ chào mừng dòng khí đầu tiên vào bờ ngày.jpg

Lễ chào mừng dòng khí đầu tiên vào bờ ngày 01/05/1995

   Cuối tháng 3 năm 1995, giàn nén khí Trung tâm được hạ thủy (load-out) tại cảng Koje, Hàn Quốc. Sau 3 tuần trên biển, khối thượng tầng về đến mỏ Bạch Hổ. Ngày 15/4/1997 top-side khổng lồ của GNTT được tàu cẩu Herremac (Hà Lan, lớn nhất thế giới vào thời điểm ấy, sức nâng 15.000 tấn) đặt lên chân đế chỉ bằng một lần nâng (single lift). Ngày 31/7/1997 giàn nén khí trung tâm first gas và tháng 8/1997 công trình nén khí có công nghệ hiện đại thuộc hàng đầu thế giới thời bấy giờ trên mỏ Bạch Hổ chính thức đi vào hoạt động góp phần đưa hệ thống khí Bạch Hổ đạt công suất thiết kế.

Khối thượng tầng Giàn nén khí Trung tâm tại Koje shipyard (Hàn Quốc).jpg

Khối thượng tầng Giàn nén khí Trung tâm tại Koje shipyard (Hàn Quốc)

   Những năm 1997-1999 là thời kỳ cực kỳ khó khăn, gian khổ của đội ngũ CBCNV XN Khí khi thiết bị mới, công nghệ mới, con người mới … nên chuyện máy shut-down (dừng sự cố) xảy ra liên tục.

Trên giàn nén khí Trung tâm, nhiều hôm trầy trật đến tận khuya các anh em kỹ sư kỹ thuật vẫn chưa thể khởi động đưa hệ thống hoạt động trở lại, những bữa cơm không kịp ăn phải thay thế bằng những bát mì tôm chống đói để duy trì công việc. Còn giàn nén khí Nhỏ, do thiếu đồng bộ trong thiết kế và xây lắp nên độ rung cơ khí rất cao, cùng với tiếng ồn khủng khiếp từ các động cơ chạy khí (gas engine) làm cho công tác vận hành và sửa chữa trở thành một cực hình. Nhất là vào những ngày mưa bão hay mùa gió chướng, thợ vận hành phải khoác áo bạt phơi mình chịu ướt lạnh ngoài giàn.

   Khó khăn nối tiếp khó khăn khi cuối năm 1999, khi các chuyên gia vận hành rút về nước, các giàn nén khí chính thức được chuyển giao cho XN Khí vận hành độc lập. Mặc dù vậy chỉ sau vài năm, đội ngũ cán bộ quản lý và kỹ thuật của Xí nghiệp đã nhanh chóng làm chủ công tác vận hành công trình có độ phức tạp cao và hiện đại bậc nhất khu vực lúc bấy giờ. Các giàn đi vào hoạt động ổn định cùng đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao, tác phong làm việc chuyên nghiệp và tận tâm với công việc đã được trui rèn qua một quá trình dài gian khổ. Đó cũng là kết quả của công tác đào tạo tại chỗ, của các khóa cập nhật kiến thức ở nước ngoài và quan trọng hơn là nhờ quá trình tự thân đào tạo của đội ngũ cán bộ kỹ thuật và sự quản lý, điều hành khoa học và nhân văn của các thế hệ lãnh đạo XN. Trong suốt quá trình làm việc, anh em cán bộ kỹ thuật trên các công trình biển luôn nhận được sự tôn trọng và tin tưởng đặc biệt của các nhà quản lý có thực tài và hiểu biết. Những khi khó khăn, nguy cấp bao giờ cũng nhận được sự chỉ đạo chính xác và sự thông cảm sẻ chia của Ban Giám đốc XN.

(Còn tiếp)   

Bài viết & hình ảnh: Nhóm TT&ĐVNL XN Khí     



Tin nổi bật