tin tức - sự kiện

Xí Nghiệp Khai Thác Các Công Trình Khí Lược Sử Hình Thành Và Phát Triển-P3

8/9/2021 8:37:52 PM

(Bài viết chào mừng sự kiện 26 năm hình thành và phát triển của XN Khai thác các công trình khí 15/08/1995-15/08/2021) - Phần 3


​​III.3. Từng bước trưởng thành:

   Những bước đi đầu tiên:

   Những năm 1997-1999 là thời kỳ cực kỳ khó khăn, gian khổ của đội ngũ CBCNV XN Khí làm việc trên các công trình biển. Thiết bị mới, công nghệ mới, con người … mới nên chuyện máy shut-down (dừng sự cố) xảy ra liên tục. 

   Ở giàn nén Trung tâm, đôi khi việc dùng cơm đúng bữa là điều tưởng chừng rất khăn khi mà bát cơm vừa bưng lên, chợt thấy tiếng rít đinh tai như máy bay phản lực sà thấp, kèm ánh lửa sáng rực cả vùng từ đuốc (flare) giàn CNTT số 2, mọi người lại phải buông bát gấp rút chạy sang giàn. Nhiều hôm trầy trật đến tận khuya vẫn chưa thể khởi động đưa hệ thống hoạt động trở lại, anh em phải tạm thời chống đói bằng những bát mì tôm để duy trì công việc. Những ngày tháng khó khăn vất vả ấy được một “nhà thơ” của GNTT ghi lại:

         “…Tiếng máy kêu lẫn tiếng gió gào

          Bao lần khởi động mấy lần down

          Kiểm điểm, kiểm tra tìm sự cố

          Ôi! khó lắm thay buổi ban đầu…”

                                                         (trích thơ Nguyễn Văn Quang)

   Bên giàn nén khí Nhỏ, do thiếu đồng bộ trong thiết kế và xây lắp nên độ rung cơ khí rất cao, cùng với tiếng ồn khủng khiếp từ các động cơ chạy khí (gas engine) làm cho công tác vận hành và sửa chữa trở thành một cực hình. Nhất là vào những ngày mưa bão hay mùa gió chướng, thợ vận hành phải khoác áo bạt phơi mình chịu ướt lạnh ngoài giàn. Đã có người không chịu nổi sự cực nhọc, khắc nghiệt mà xin chuyển đi nơi khác.

   Cuối năm 1999, chuyên gia vận hành rút về nước, các giàn nén khí chính thức được chuyển giao cho XN Quản lý và Khai thác các Công trình Khí vận hành độc lập. Chỉ sau vài năm, đội ngũ cán bộ quản lý và kỹ thuật của Xí nghiệp đã nhanh chóng làm chủ công tác vận hành công trình có độ phức tạp cao và hiện đại bậc nhất khu vực lúc bấy giờ. Các giàn đi vào hoạt động ổn định. Đồng thời với hoạt động đó là một đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao, tác phong làm việc chuyên nghiệp và tận tâm với công việc đã hình thành. Đó là kết quả của công tác đào tạo tại chỗ, của các khóa cập nhật kiến thức ở nước ngoài và quan trọng hơn là nhờ quá trình tự thân đào tạo của đội ngũ cán bộ kỹ thuật. Mặt khác, phải kể đến sự quản lý, điều hành khoa học và nhân văn của các thế hệ lãnh đạo XN. Anh em cán bộ kỹ thuật trên các công trình biển luôn nhận được sự tôn trọng và tin tưởng đặc biệt của các nhà quản lý có thực tài và hiểu biết. Những khi khó khăn, nguy cấp bao giờ cũng nhận được sự chỉ đạo chính xác và sự thông cảm sẻ chia của Ban Giám đốc XN.

   Thời điểm hình thành và nhiều năm sau đó, XN Khí là một đơn vị có cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, hiệu quả với bộ máy điều hành trên bờ chưa đến 30 người. Giúp việc cho Ban Giám đốc chỉ có 2 phòng (Kỹ thuật sản xuất, với 5 nhân viên và Kế toán, với 4 nhân viên) và các nhóm công tác trực thuộc lãnh đạo (Vật tư, Kinh tế, Tổ chức-Hành chính). Không có căn cứ dịch vụ trên đất liền. Trên các giàn, dưới Giàn trưởng là 01 Giàn phó; giúp việc là các nhóm chuyên môn: Công nghệ, Đo lường-Tự động hóa, Kỹ thuật điện, Cơ khí và công tác Biển (riêng GNN không có nhóm Kỹ thuật điện vì sử dụng nguồn điện từ MSP-4). Đứng đầu các nhóm chuyên môn là những chuyên gia giỏi được tuyển từ Nga và các XN trực thuộc Vietsovpetro. Hầu hết những vấn đề kỹ thuật đều được xử lý tại chỗ; công tác bảo dưỡng lớn (8000 giờ hay đại tu) được thực hiện dưới sự giám sát kỹ thuật và tư vấn chuyên môn của các chuyên gia từ hãng cung cấp thiết bị chính. Riêng các tuốc bin khí và phần quay (rotor) các máy nén khí li tâm cao áp đến kỳ đại tu (overhaul 32.000 giờ) được gửi đi hãng Solar (USA) để thực hiện; các bộ làm kín đầu trục máy nén cao áp (dry gas seal) cũng được gửi đi tân trang (refurbish) sau 32.000 giờ làm việc tại John Crane Workshop. 

   Hệ thống này cho thấy tính hợp lý và cấp thời: đảm bảo các thiết bị được chủ động duy trì tình trạng kỹ thuật hoàn hảo, giúp cho công tác vận hành khai thác đạt hiệu quả cao nhất.  

   Tháng 7/2000, công trình thu gom và vận chuyển khí từ mỏ Rạng Đông hoàn thành và cung cấp bổ sung khoảng 1 triệu m3 cho nguồn khí về bờ, đưa sản lượng khí về đất liền vượt 1,5 tỷ m3 và khí cho gaslift nội mỏ đạt hơn 228 triệu m3.

26.1.1.jpg

​​Lễ nghiệm thu công trình thu gom và vận chuyển khí Rạng Đông-Bạch Hổ

   Năm 2000 Xí nghiệp Quản lý và Khai thác các Công trình Khí được đổi tên thành Xí nghiệp Khai thác các Công trình Khí, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của đơn vị.

   Những cống hiến quên mình vì sự nghiệp công nghiệp khí đốt của Tập thể lao động quốc tế XN Khai thác các Công trình Khí trong giai đoạn 1996-2000 đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng tấm Huân chương Lao động hạng Ba.

26.1.2.jpg

​Huân chương Lao động hạng ba

26.1.3.jpg Bằng khen của Thủ Tướng Chính Phủ

   Đến ngày 27 tháng 04 năm 2016 XN Khai thác các Công trình Khí vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.

26.1.4.jpg

​Huân chương Lao động hạng nhì

Cất cánh

   Từ năm 2000 đến 2005 là thời kỳ hoàng kim với sản lượng khí về bờ hàng năm đạt trên dưới 2 tỷ m3. Ngoài nguồn chính từ mỏ Bạch Hổ, khí bổ sung từ mỏ Rạng Đông khá dồi dào. Giàn nén khí Trung tâm thường xuyên chạy hết công suất (4/5 tổ máy vận hành). 

Screenshot 2021-08-10 103511.jpg

   Thời gian này, đội ngũ cán bộ kỹ thuật và quản lý của giàn nén Trung tâm đã chủ động lập được quy trình vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị chính của trên cơ sở những khuyến cáo trong tài liệu của các nhà sản xuất. Trong 2 năm (2003, 2004) đã thực hiện thành công, an toàn tuyệt đối 5 lần bảo dưỡng lớn (overhaul) sau 30.000 giờ vận hành và nhiều lần bảo dưỡng 8000 giờ, 4000 giờ các tổ máy nén khí cao áp (Dresser-Rand HP train A/B/C/D/E), máy nén khí thấp áp (Nuovo Pignone LP compressor); thay thế 4 gas turbine SOLAR Mars-100… của giàn nén Trung tâm bằng chính lao động tại chỗ. 

   Tại giàn nén khí Nhỏ, với nhiệm vụ chính là cung cấp khí gaslift cho hoạt động khai thác dầu tình hình có khó khăn hơn vì động cơ khí (Waukesha gas engine) thường xuyên bị trục trặc do nhiều nguyên nhân, trong đó chất lượng nguồn khí nhiên liệu được kể đến đầu tiên. Đội ngũ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật của XN được động viên nghiên cứu tìm biện pháp khắc phụ. Kết quả là hàng loạt các sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã được đề xuất và áp dụng thành công, góp phần cải thiện đáng kể chế độ vận hành của các động cơ khí. 

   Ở đây phải kể đến sáng kiến lắp thiết bị lọc (filter) khí đầu vào cho GNN (số 540/30-VSP) của các tác giả Trần Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Vận, Mai Văn Bảy, Phan Đăng Hải; sáng kiến loại bỏ các liên kết paraphin ra khỏi phin lọc cấp I máy nén khí pít tông SHMB/4 của các tác giả Chitskov V.I (Чичков В.И.), Goncharov V.K (Гончаров В.К.), Phan Đăng Hải (số 732-VSP); sáng kiến Lắp đặp thiết bị tách chất lỏng trong hệ thống khí nhiên liệu của các tác giả Cao Tùng Sơn, Trần Văn Vĩnh, Phan Đăng Hải, Lê Đình Chung, Goncharov V.K., Trần Quốc Huy và Trần Văn Cần (số 975/VSP).

​​   Tương tự như giàn nén khí Trung tâm, giàn nén khí Nhỏ cũng tự tổ chức giải quyết được công tác bảo dưỡng, sửa chữa máy móc thiết bị; phối hợp với nhà thầu tiến hành tốt việc bảo dưỡng-sửa chữa lớn cho cả 4 động cơ khí Waukesha bằng nhân lực tại chỗ.

Tin nổi bật













Tin nội bộ
  • ​Đón Tết ở giàn khoan
  • 2/26/2024 8:00:32 PM