Mỗi chúng ta cần xem lại những mỏ neo của cuộc đời mình để thấy chúng ta đã phi lý như thế nào trong vô số quyết định từ nhỏ nhặt nhất tới trọng đại nhất trên con đường đã qua. “Phi lý trí" của Ariely gợi mở, khuyến khích chúng ta nhìn nhận lại tất cả những quyết định đó, rút ra bài học từ những sai lầm trong hành vi của chính mình và những người khác.
Bạn sẵn sàng rút 2 nghìn đồng cho một người ăn mày nghèo khổ trên đường. Nhưng cũng chính bạn lại cò kè từng 2 nghìn đồng với bà đồng nát khi bán mớ báo cũ trong nhà.
Bạn sẵn sàng bỏ ra 10 triệu đồng để chụp bộ ảnh cưới thật đẹp mà chỉ xem một vài lần rồi cất vào tủ. Nhưng chắc chắn bạn sẽ rất cân nhắc và suy tính cẩn thận khi quyết định mua một chiếc máy ảnh với giá 10 triệu trong khi bạn có thể dùng nó nhiều năm liền.
Bạn cảm thấy một món ăn ngon hơn khi có người khác bỗng khen rằng ngon đấy (cho dù có khi món ăn đó cũng không ngon đến vậy). Bạn cảm thấy mình nhỏ bé hơn, khúm núm hơn khi có dịp nói chuyện với một người nổi tiếng cho dù có khi anh ta cũng chẳng hơn gì bạn xét về cả hình thức lẫn trí tuệ.
Các doanh nhân giàu có vẫn sẵn sàng bỏ vài trăm triệu để mua những bức họa chỉ đáng vài triệu để thỏa lòng mong muốn sở hữu. Nhiều người bệnh đã cảm thấy đỡ mặc dù bác sỹ chỉ cho họ uống thuốc giả vờ hoặc phẫu thuật giả vờ để trấn an tâm lý.
Tất cả chúng ta đều luôn phi lý. Và không chỉ trong chuyện tình cảm, mọi quyết định trong mọi lĩnh vực chúng ta đều phi lý. Không chỉ một vài lần, chúng ta liên tục phi lý, phi lý có hệ thống, phi lý có thể dự đoán được.
Dan Ariely - Nhà kinh tế học hành vi của trường MIT đã chỉ ra điều đó trong cuốn sách của ông: Phi lý trí. Trong đó, ông đã tiến hành nhiều khảo sát hành vi kỳ lạ để chứng minh cho các quan điểm của mình. Ông cho rằng sở dĩ chúng ta luôn phi lý trí bởi một số các tác động nhất định như: quy luật tương đối, quy tắc xã hội, sự hưng phấn…
Mỗi chương trong cuốn sách, tác giả dành để mô tả một tác động như thế bằng nhiều thí nghiệm khác nhau. Hiệu ứng vật làm “nền" là một thí nghiệm tiêu biểu mà Ariely đã đưa ngay vào đầu cuốn sách của mình. Đó là “chiêu thức" tạp chí The Economist đã dùng để marketing cho sản phẩm của họ. Họ đưa ra báo giá cho sản phẩm của mình như sau:
- Đặt tạp chí điện tử giá 59 đô-la
- Đặt tạp chí in giá 125 đô-la
- Đặt cả tạp chí in và tạp chí điện tử giá 125 đô-la
Nhìn vào báo giá trên sẽ thấy rõ ràng sẽ không ai phi lý đến nỗi chọn phương án thứ 2, phương án này gần như chỉ đưa vào để “làm nền".
Tác giả kiểm chứng bằng cách đưa ra ba lựa chọn này cho 100 sinh viên ở trường Quản lý Kinh doanh Sloan của MIT, có 16 sinh viên đã chọn lựa phương án số 1 và 84 sinh viên chọn phương án số 3, đương nhiên không ai chọn phương án số 2.
Tác giả thử bỏ phương án “làm nền" số 2 và thử nghiệm với 100 sinh viên khác. Kết quả ngược lại hoàn toàn. “Lần này, 68 sinh viên chọn đặt tạp chí điện tử với giá 59 đô-la, tăng từ 16 sinh viên trước đó. Chỉ có 32 sinh viên chọn đặt cả tạp chí điện tử và tạp chí in với giá 125 đô-la, giảm từ con số 84 trước đó".
The Economist đã tận dụng sự phi lý của khách hàng để từ đó đưa ra chiến thuật kinh doanh hợp lý. Cuốn sách còn rất nhiều những minh chứng khác về sự phi lý, hãy đọc “Phi lý trí" để suy ngẫm về những hành động của chính mình trong quá khứ và hiện tại. Chúng ta sẽ bất giác mỉm cười khi nhận ra sự phi lý của bản thân, để từ đó có những quyết định hành vi sáng suốt khi sự việc ấy lặp lại trong tương lai.
Oanh Vũ sưu tầm và tổng hợp