Cán bộ Công nhân viên vietsvpetro thân mến!
Hiện nay, đã bước vào mùa mưa, mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết. Mùa mưa là điều kiện thuận lợi để cho muỗi vằn phát triển, qua đó làm tăng nguy cơ lây truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH), để CBCNV của VSP có thêm kiến thức phòng chống bệnh, Trung tâm Y tế Vietsovpetro xin cung cấp một số thông tin cơ bản về bệnh SXH:
Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Virus Dengue lây truyền từ người bệnh sang người lành qua loài muỗi thường được gọi là muỗi vằn (muỗi Aedes aegypti). Muỗi vằn có màu đen, trên thân và chân có những đốm trắng.
Đặc điểm muỗi vằn (Aedes aegypti):
Loài muỗi này có thể dễ dàng nhận dạng nhờ có vằn trắng, các đốt bàn chân sau có những khoang trắng, riêng đốt bàn chân thứ V trắng hoàn toàn.
Chu kỳ vòng đời của muỗi vằn trải qua 4 giai đoạn:
Giai đoạn hình thành trứng: 2-5 ngày.
Giai đoạn từ trứng thành lăng quăng (LQ): 1-2 ngày.
Giai đoạn từ lăng quăng(LQ) thành nhộng (quăng): 3-4 ngày.
Giai đoạn từ nhộng thành muỗi trưởng thành: 1-2 ngày.
Muỗi vằn thường trú đậu ở nơi ẩm thấp, tối tăm như nơi treo quần áo, chăn, màn, sau tủ, rèm cửa…. Muỗi vằn hoạt động hút máu vào ban ngày, nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, xô, chậu, giếng nước, hốc cây, hòn non bộ... các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa, vỏ sữa chua, các đồ vật phế thải, chai lọ vỡ, các hốc tự nhiên, máng thoát nước mưa bị tắc...Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng vượt trên 20º C.
Biểu hiện của bệnh - sốt cao đột ngột 39°C trở lên (kéo dài liên tục từ 2-7 ngày, khó hạ sốt), và có ít nhất 2 trong số các dấu hiệu sau: Xuất huyết: chấm/ mảng xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn hoặc nôn; Đau cơ, đau khớp, nhức hai hốc mắt; Mệt li bì vật vã, đau bụng. Đến ngay cơ sở y tế để khám khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc sốt xuất huyết.
Đến nay bệnh SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh, biện pháp dự phòng chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quang (bọ gậy) và phòng chống muỗi đốt.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, chúng ta cần thực hiện diệt lăng quăng hàng tuần, đây là biện pháp căn cơ, diệt tận gốc, ít tốn kém, dễ thực hiện và mang lại hiệu quả cao. Đối với bệnh SXH hiện nay đang là thời điểm dịch bùng phát chúng ta cần áp dụng các biện pháp phòng chống SXH như sau:
Cách phòng bệnh tốt nhất: là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt
- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:
+ Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
+ Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy.
+ Thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, chum, xô, chậu…) hàng tuần.
+ Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà, nơi làm việc như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
+ Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.
- Phòng chống muỗi đốt:
+ Mặc quần áo dài tay.
+ Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.
+ Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...
+ Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
+ Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.
- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
- Khi bị sốt cao cần đến ngay cơ sở y tế để khám, tư vấn và điều trị, không tự ý điều trị tại nhà, chỉ nhập viện hoặc chuyển tuyến khi có chỉ định của thầy thuốc.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi.
Vì sức khỏe của mỗi gia đình và của cả cộng đồng, mọi người, mọi nhà chủ động thường xuyên thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng tại gia đình và cộng đồng, tại nơi làm việc, hằng tuần các CBNV cũng như các hộ gia đình của CBCNV nên dành ra 10 phút để tổng vệ sinh dọn dẹp xung quanh khu vực làm việc, sinh sống không để nước đọng quanh nhà, quanh khu vực làm việc và thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng.
“Hành động nhỏ, Tác dụng lớn” “ Không có lăng quăng, không có muỗi vằn, không có sốt huyết”./.
Trung tâm Y tế Vietsovpetro