Kỳ 2: Giàn nén khí Trung tâm – Công trình của những Khát vọng
Ngay sau khi được đưa vào vận hành, công trình Giàn nén khí Nhỏ (GNN) đã đáp ứng phần nào nhu cầu nhiên liệu cho Nhà máy điện Phú Mỹ 2.1, tuy nhiên, giải pháp dùng áp suất vỉa và sử dụng giàn nén khí Nhỏ đưa khí vào bờ là các giải pháp tạm thời với sản lượng khí cung cấp có hạn. Giải pháp chính theo thiết kế tổng thể là xây dựng Giàn nén khí Trung tâm tại mỏ Bạch Hổ, vừa nén khí để vận chuyển vào bờ, vừa nén khí cho khai thác dầu bằng phương pháp gaslift. Tổng công ty Dầu khí Việt Nam đã giao cho XNLD Vietsovpetro trực tiếp quản lý Dự án và vận hành trên cơ sở thiết kế tổng thể của SNC-Lavalin (Canada).
Giàn nén khí Trung tâm – Bước tiến mới cho tương lai
Công trình giàn nén khí Trung tâm được thực hiện theo hình thức đấu thầu EPC (Engineering, Procuremant and Construction). Trúng thầu là Tổ hợp nhà thầu Bouygues offshore (Pháp) và Samsung Heavy Industries (Hàn Quốc). Khoảng đầu tháng 6 năm 1996 khối thượng tầng (top-side) của Giàn nén khí Trung tâm (GNTT) được khởi công xây lắp (first-cut) tại Koje shipyard (Hàn Quốc). Sau nhiều tháng thi công, tới cuối tháng 3 năm 1997, Top-side có tổng trọng lượng ước tính khoảng 7500 tấn đã tiến hành hạ thủy (load-out) thành công tại cảng Koje và được tàu thuỷ kéo về Việt Nam. Ngày 15/4/1997 khối Top-side khổng lồ này được tàu cẩu Heeremac lắp ráp lên chân đế tại khu vực mỏ Bạch Hổ nằm cạnh giàn ép vỉa PPD-40.000.
Đổi ca trên giàn nén khí trung tâm
Tới ngày 31/7/1997 công trình GNTT được first gas và tháng 8/1997 chính thức đi vào hoạt động. Giàn được thiết kế ban đầu với 5 tổ máy nén khí ly tâm với tổng công suất 8,1 tỷ m3 khí/năm. Hệ thống thiết bị bao gồm:
+ 5 tổ máy nén khí ly tâm cao áp (đến 125 bar) do hãng Dresser-Rand (Mỹ) chế tạo, công suất nén một máy 1,62 triệu m3/ngày đêm, được dẫn động bằng turbine khí Mars-100 do hãng Solar (Mỹ) chế tạo, công suất 15.000 HP/máy, vòng quay đến 10.000 vòng/phút.
+ 1 máy nén khí piston thấp áp (LP compressor) do hãng Nuovo Pignone (Italia) chế tạo, công suất 420.000 m3 /ngày-đêm với áp suất đầu ra 10 bar, dẫn động bằng động cơ điện 6,3 kV, công suất 1,2 MW và được điều khiển bằng PLC của hãng Siemen S5 (Đức).
+ Tổ hợp máy phát điện gồm ba máy công suất 2,8MW/máy, dẫn động bằng turbine khí Centaur 40 do hãng Solar (Mỹ) chế tạo. Toàn bộ thiết bị điện hiện đại, có cấp độ chống nổ cao do hãng ABB (Thụy Điển) chế tạo.
+ Hệ thống công nghệ, hệ thống thiết bị nén và động lực chính (trừ LP compressor) được điều khiển tự động bằng PLC (Programmable Logic Controller) của hang Allen Bradley (Mỹ).
Với chức năng chính là thu gom, xử lý và nén toàn bộ lượng khí đồng hành và khí thiên nhiên trong bể Cửu Long và các mỏ thuộc Lô 04-3 thuộc bể Nam Côn Sơn; Cung cấp khí cho nhu cầu khai thác dầu bằng gaslift của Vietsovpetro tại các mỏ Bạch Hổ - Rồng, Thỏ Trắng, Gấu Trắng và Nam Rồng - Đồi Mồi; Nén khí về bờ để cung cấp khí đốt cho các cụm công nghiệp khí - điện - đạm như: Nhà máy Đạm Phú Mỹ, các nhà máy điện Nhơn Trạch 1, 2, Nhà máy Điện Bà Rịa…
Nhận thức được vai trò và chức năng của mình trong hoạt động sản xuất kinh doanh chung của xí nghiệp, GNTT luôn chủ động vận hành các tổ máy nén khí hoạt động liên tục để tận thu tối đa các nguồn khí mà không phải đốt bỏ và đảm bảo điều kiện khai thác dầu trong Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro cũng như sự hoạt động ổn định cho các nhà máy. Ngày 17/05/2015 GNTT được lắp đặt bổ sung thêm Tổ máy số 6 (Train F), nâng công suất nén lên đến 9,8 triệu m3 ngày/đêm, với thông số thiết kế: turbin dẫn động Mars – 100, công suất 10,352 MW, áp suất đầu ra 120 bar. Việc đưa tổ máy số 6 vào hoạt động cùng với các thiết bị mới nâng cấp đã làm giàn hoạt động ổn định hơn, gia tăng công suất thu gom từ mỏ Sư Tử Trắng (Cửu Long JOC) về bờ và giảm thiểu tình trạng đốt bỏ lãng phí các nguồn khí đồng hành ngoài khơi.
Giàn nén khí Trung tâm – Nỗ lực không ngừng nghỉ
Khoảng thời gian 1/4 thế kỷ là khoảng thời gian tương đối dài đối với một số vật tư thiết bị máy móc. Thêm vào đó, do ảnh hưởng của môi trường, nhiệt độ, độ ẩm, một số trang thiết bị trên giàn đã bắt đầu lão hoá, xuống cấp. Tuy vậy, bằng những nỗ lực bền bỉ không ngừng nghỉ của đội ngũ anh/em kỹ thuật trên giàn cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp nhịp nhàng của tất cả các phòng/ban trong bờ, GNTT đã thực hiện thành công chiến dịch “Làm mới lại các giàn nén khí”.
Mọi thiết bị trên giàn nén khí đều được “thay da đổi thịt” từng ngày. Từ công tác sơn phủ chống ăn mòn các kết cấu, tới những việc thay thế cải hoán nâng cấp, cải tiến so với thiết kế ban đầu đều được tiến hành đồng bộ dưới sự kiểm tra giám sát chặt chẽ từ ban lãnh đạo và sự phối hợp theo dõi sát sao của đội ngũ quản lý, cùng sự nhiệt tình, tâm huyết của anh em kỹ sư, công nhân kỹ thuật trên giàn. Chính những yếu tố đó đã góp phần giữ an toàn tuyệt đối cho hệ thống trong quá trình vận hành và các thiết bị sau sửa chữa, thay thế, nâng cấp cũng đáp ứng tốt các yêu cầu kỹ thuật đã đề ra.
Thay thế cần cẩu số 2 trên giàn nén trung tâm
Với những khó khăn thách thức của thời đại, đặc biệt năm 2021, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu và sự bất ổn của giá dầu đã gây ra những ảnh hưởng to lớn tới ngành dầu khí nói chung và mọi mặt hoạt động của đơn vị nói riêng, gây tác động trực tiếp tới đời sống việc làm, tâm tư, nguyện vọng và sức khỏe của người lao động. Trong bối cảnh đó, Ban chấp hành Công Đoàn thường xuyên phối hợp với các cấp chính quyền, quan tâm, hỗ trợ, động viên các anh/em trên giàn: Kêu gọi nêu cao tinh thần dám nghĩ dám làm; Trau dồi kiến thức, phát huy tinh thần lao động giỏi lao động sáng tạo; Đưa ra những giải pháp sáng kiến sáng chế nhằm tối ưu hoá nâng cao năng suất lao động, tiết giảm chi phí, giảm thiểu rủi ro … Ngay trong những tháng đầu năm 2022 tập thể CBCNV GNTT đã đưa ra nhiều đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, như: Nghiên cứu và đánh giá các tác động; đề xuất các giải pháp kiểm soát và quản lý thiết bị quay trên giàn nén khí trung tâm; Xây dựng chương trình giám sát, phân tích, chuẩn đoán performance và giải quyết vấn đề surge máy nén hiện nay đối với các tổ máy nén khí trên GNTT; Xây dựng chương trình giám sát, phân tích độ rung cho các máy nén ly tâm trên GNTT và GNN; Cùng 8 ý tưởng sáng kiến cải tiến kỹ thuật, trong đó có 5 ý tưởng đang hoàn tất hồ sơ để trình lên hội đồng sáng kiến sáng chế Vietsovpetro xem xét.
Thay thế tuốc bin (Tubine) máy nén F trên giàn nén khí trung tâm
Giàn nén khí Trung tâm – Thành tựu sau 25 năm vận hành và phát triển
Kể từ khi giàn đi vào hoạt động tới nay GNTT đã trải qua 25 năm vận hành an toàn (8/1997-8/2022), Tính tới ngày 31/07/2022, GNTT đã nén được tổng sản lượng gần 56 tỷ Sm3 khí thành phẩm. Trong đó, chuyển về bờ hơn 37,8 tỷ Sm3, cung cấp hơn 17,5 tỷ Sm3 khí gaslift phục vụ cho khai thác dầu (của Vietsovpetro và VRJ).
GNTT bao năm qua vẫn luôn được biết đến là một công trình dầu khí biển có kết cấu gọn, đẹp, hợp lý với những hệ thống thiết bị hiện đại, đồng bộ, được vận hành tuyệt đối an toàn bởi một tập thể lao động quốc tế, có truyền thống lao động sáng tạo, mọi thiết bị trên giàn luôn trong tình trạng kỹ thuật hoàn hảo, khai thác đúng công suất thiết kế. Đã gần 1/4 thế kỷ đã trôi qua, tập thể lao động quốc tế trên GNTT luôn giữ mãi ngọn lửa lao động nhiệt huyết, tất cả với mục tiêu “Vận hành An toàn - Sản phẩm Chất lượng - Công việc Hiệu quả”, góp phần quan trọng vào sự phát triển vững mạnh của tập thể xí nghiệp Khí - Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro. Từ sự đoàn kết, đồng lòng, hành động thiết thực có hiệu quả ấy, GNTT hôm nay đang mang trên mình khí thế mới trong phong trào thi đua lao động giỏi lao động sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế. Đây chính là hành trình mới hướng tới tương lai và xây dựng GNTT nói riêng và XN Khí nói chung ngày càng tiến bộ, phát triển.
Sửa chữa cột chống sét trên Riser Block - Giàn nén khí trung tâm
Thay thế thanh chắn cập tàu trên Riser Bkock
Ngày hội gia đình được anh em cán bộ Công đoàn GNTT tổ chức
Đến với GNTT hôm nay chúng ta đều cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt từ hiện trạng thiết bị máy móc, công nghệ, đặc biệt là tư duy làm việc của mỗi CBCNV trên giàn, đó là tư duy sáng tạo tích cực, nắm bắt và làm chủ các thành tựu khoa học mới trong thời đại công nghiệp 4.0, góp phần cùng Xí nghiệp Khai thác các công trình Khí phát triển bền vững hơn trong tương lai và nâng cao uy tín của tập thể trong toàn Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro nói riêng cũng như trong ngành dầu khí nói chung.
Bài viết và hình ảnh: Trường Sơn