Với gần 24 năm vận hành và phát triển, Giàn nén khí Trung tâm (GNTT) luôn là điểm sáng trong công tác An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), nhận được sự đánh giá cao từ các cấp lãnh đạo Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro nói chung và Xí nghiệp Khí nói riêng.
GNTT giữ vai trò thu gom khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ và một số mỏ lân cận khác để đưa về bờ phục vụ cho các công trình khí - điện - đạm và cung cấp khí gaslift đảm bảo khai thác dầu cho liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro. Giữ nhiệm vụ trọng tâm là vậy nên lực lượng CBCNV trên giàn được chia thành nhiều tổ đội cùng các nhóm lao động khác nhau có tay nghề và trình độ chuyên môn phù hợp, làm các công việc vận hành, sửa chữa, nâng cấp, thay mới các thiết bị trên giàn. Bên cạnh đó do đặc thù môi trường làm việc trên các giàn nén khí có độ ồn và rung lắc lớn, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao & những yếu tố rủi ro có thể xảy ra sự mất an toàn trong lao động sản xuất.
Ý thức được tầm quan trọng của ATVSLĐ trước hết là để bảo vệ người lao động – yếu tố tiên quyết quyết định năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất tại mỗi doanh nghiệp, đội ngũ lãnh đạo và CBCNV GNTT luôn chủ động chấn chỉnh kịp thời công tác ALVSLĐ thông qua những lần kiểm tra kiến thức an toàn, những buổi họp bàn với kỹ sư an toàn để đưa ra các biện pháp thực hiện cụ thể nhằm giảm thiểu nguy cơ mất an toàn lao động.
Tại các buổi họp đầu ca việc nhắc nhở, hướng dẫn các kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động luôn được Ban lãnh đạo giàn hướng dẫn cụ thể, chi tiết.
Bản phân tích an toàn công việc - JSA (Job Safety Analysis) - Bước khởi đầu cho mỗi công việc là một thủ tục cần thiết giúp người lao động phác thảo ra các biện pháp kiểm soát thích hợp để ngăn ngừa và loại bỏ các mối nguy tiềm tang.
Hoàn tất các giấy phép trước khi tiến hành công việc, nhằm kiểm soát hệ thống các thiết bị trên giàn luôn trong tình trạng hoàn hảo và đảm bảo công tác an toàn khi bảo dưỡng sửa chữa.
Hệ thống điều khiển các thiết điện trên giàn được tập trung tại phòng hạ thế nhằm đảm bảo mọi việc đóng cắt, cách ly nguồn điện phục vụ công tác bảo dưỡng sửa chữa luôn được thực hiện khi có người giám sát, tránh sự đóng cắt nhầm lẫn dẫn tới sự mất an toàn lao động có thể xảy ra.
Để tăng cường kiểm soát an toàn khi sử dụng thiết bị điện cầm tay, dây nối dài, trên GNTT, tất cả các này bắt buộc phải qua phần kiểm tra đánh giá, dán tem kiểm định bởi nhân viên kỹ thuật điện trước khi đưa vào sử dụng.
Dây đai chuyên dùng, dây đai an toàn loại hai móc kết hợp với áo phao được trang bị đầy đủ giúp người lao động vững tin và an toàn hơn khi làm việc trên cao ngoài mạn các công trình.
Mối nguy khi làm các công việc trên cao luôn được CBCNV GNTT chú trọng, vì vậy việc kiểm tra, giám sát, theo dõi để kịp thời kiểm tra, nhắc nhở những hành vi và yếu tố gây ra mất an toàn luôn được lãnh đạo giàn phân công cho từng lao động cụ thể.
Công tác bảo trì, bảo dưỡng Ắc quy cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro chính vì vậy việc trang bị đầy đủ các thiết bị bảo vệ cá nhân luôn được CBCNV GNTT tuân thủ chấp hành.
Làm việc trong môi trường có độ ồn lớn, việc sử dụng nút bịt tai chống ồn giúp người lao động giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp.
Khẩu trang bảo hộ là thiết bị bảo vệ không thể thiếu cho người lao động khi tiếp xúc gần với một số hoá chất độc hại.
Việc sử dụng các thiết nâng hạ luôn hiện hữu những mối nguy tiềm tàng, vì vậy để đảm bảo công tác an toàn cho công việc luôn có một người chỉ huy để tất cả các thao tác luôn nhịp nhàng chính xác.
Trên GNTT công tác vệ sinh lao động là một giải pháp phòng, chống tác động của yếu tố có hại gây bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe con người trong quá trình lao động sản xuất.
Kết thúc mỗi ca làm việc lãnh đạo cùng các trưởng bộ phận tổ chức họp bàn đánh giá, nhận xét các công tác sản xuất và an toàn trong ngày, kịp thời chấn chỉnh và nhắc nhở những sai phạm nếu có xảy ra, cùng nhau góp ý để ca làm việc kế tiếp được an toàn và hiệu quả hơn.
Hình ảnh & Bài viết: Nhóm an toàn GNTT