tin tức - sự kiện

Giới thiệu sách “6 chiếc mũ tư duy”

11/28/2017 4:36:53 PM

​Suy nghĩ thì dễ, nhưng tư duy thì khó hơn nhiều.


   Edward de Bono (sinh năm 1933, tại Malta) là bác sĩ, nhà tâm lý học, tác giả, nhà phát minh và tư vấn. Ông chính là người sáng tạo ra thuật ngữ “Tư duy một chiều” (lateral thinking), trở thành một mục từ chính trong Từ điển tiếng Anh Oxford. Ông viết hơn 60 cuốn sách về tư duy và đã được dịch ra 34 ngôn ngữ trên thế giới. Ông được mệnh danh là cha đẻ của “Tư duy về tư duy”, ông đã giảng dạy phương pháp tư duy của mình cho nhiều cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức cá nhân trên toàn thế giới.

   “6 chiếc mũ tư duy” là một trong số những cuốn sách nổi tiếng nhất của Edward de Bono, phương pháp này đã tạo ra một sự thay đổi căn bản trong tư duy của con người trong nhiều năm qua. Có thể bạn cho đó là một tuyên bố hơi cường điệu, nhưng chúng tôi sẽ đưa ra bằng chứng cho sự ưu việt của phương pháp tư duy trong cuốn sách này.

    - Một công ty lớn (ABB) từng bỏ ra 30 ngày để thảo luận nhóm về những dự án đa quốc gia của họ. Nhưng nếu họ dùng phương pháp tư duy song song của Phương pháp Sáu Chiếc Mũ Tư Duy thì những cuộc thảo luận như vậy chỉ mất vỏn vẹn hai ngày.

    - Một nhà nghiên cứu của một phòng thí nghiệm hàng đầu ở IBM nói với chúng tôi rằng: “Phương pháp 6 chiếc mũ tư duy” đã giúp giảm thiểu đến ¾ thời gian dành cho họp hành của họ.

    - Hay như công ty Statoil ở Na Uy gặp trục trặc với thiết bị dầu, nó ngốn mất của họ 100,000 USD trong một ngày. Thế là một thuyết trình viên chuyên nghiệp tên là Jens Arup đã giới thiệu phương pháp “6 chiếc mũ tư duy”, và trong 12 phút, vấn đề đã được giải quyết – lúc này phí tổn 100,000 USD một ngày đã được giảm xuống bằng 0.

   Những ví dụ này cho thấy một sự thay đổi to lớn. Khi năng suất lao động tăng lên 5% hoặc 10% là chúng ta có lý do để vui mừng lắm rồi, thế mà ở đây chúng ta chứng kiến những bước nhảy bậc lên đến 500% hoặc hơn thế nữa.

   Lợi ích của phương pháp “6 chiếc mũ tư duy”

   Khả năng tư duy là nguồn tài nguyên vô giá của con người. Tuy vậy, chẳng mấy ai can đảm thấy thỏa mãn với những kỷ năng quan trọng nhất của mình. Cho dù có tốt thế nào đi chăng nữa thì bao giờ chúng ta cũng mong muốn mình trở nên tốt hơn. Thông thường, những người thỏa mãn với kỹ năng  tư duy của mình là những người nông cạn và nghèo nàn trong suy nghĩ; họ tin rằng mục đích của việc tư duy là để chứng minh bản thân mình là đúng – để có được sự thỏa mãn về “cái tôi”. Nếu chúng ta có một cái nhìn thiển cận về khả năng của tư duy thì có thể chúng ta sẽ nghĩ rằng mình chỉ xuất sắc ở lĩnh vực này chứ không phải ở lĩnh vực khác.

   Cuốn sách này được trình trày theo một quan điểm rất đơn giản, giúp độc giả có thể tư duy theo cách chỉ làm một việc trong một thời điểm. Bạn có thể tách biệt tình cảm ra khỏi lý trí, tách bạch sự sáng tạo ra khỏi thông tin và vv... Đó là quan điểm đội duy nhất một chiếc mũ tư duy lên đầu. Đội bất cữ một chiếc mũ tư duy nào trên đầu có nghĩa là bạn đang kiểm soát và hướng suy nghĩ của mình theo cách thức tư duy của chiếc mũ đó.

   Sáu Chiếc Mũ Tư Duy cho phép chúng ta chỉ đạo những suy nghĩ của mình, giống như một đạo diễn đang dàn dựng một vở kịch; nhờ vậy, chúng ta có thể phát huy hết khả năng vốn có của mình. Tương tự như trong bất kỳ trường hợp nào, sẽ rất hữu ích nếu bạn có thể đưa mọi người thoát ra khỏi lối mòn suy nghĩ và khiến họ có những tư duy mới lạ, sáng tạo về những vấn đề đang thảo luận.

   Hướng dẫn sử dụng 6 chiếc mũ

   Đây là một phương pháp cực kỳ hiệu quả, giúp bạn đánh giá sự việc từ nhiều góc nhìn khác nhau để đưa ra những quyết định tốt hơn. Nhờ vậy, bạn sẽ hiểu rõ hơn mọi ngóc ngách của sự việc, nhận diện được những nguy cơ và cơ hội mà bình thường bạn có thể không chú ý đến.

   Những người thành đạt thường tư duy theo hướng tích cực, thiên về lý trí và đó là một trong những lý do giúp họ thành công. Mặc dù vậy, thông thường, họ có thể không đánh giá vấn đề từ các góc nhìn khác như cảm xúc, trực giác, sáng tạo hoặc mang tính tiêu cực. Hệ quả là đôi lúc họ bỏ qua những yếu tố có thể đưa đến sự thay đổi, không thể tạo ra những đột phá thực sự và không chuẩn bị những kế hoạch dự phòng cần thiết cho những rủi ro có thể gặp. Ngoài ra, những người đã quen giải quyết vấn đề một cách khoa học có thể sẽ không phát huy được khả năng sáng tạo hoặc giải quyết vấn đề dựa trên trực giác của họ.

   Nếu đánh giá một vấn đề dựa trên phương pháp “6 chiếc mũ tư duy”, bạn có thể giải quyết nó dựa trên tất cả các góc nhìn đã đề cập. Bạn sẽ kết hợp được cả tham vọng, kỹ năng thực hành, sự nhạy cảm, sáng tạo và khả năng lập kế hoạch dự phòng tốt trong việc ra quyết định và hoạch định.

   Kỹ thuật “6 chiếc mũ tư duy”

   Hãy lần lượt “đội” 6 chiếc mũ để đánh giá vẫn đề. Mỗi lần đội mũ tức là bạn lại chuyển sang một cách tư duy mới.

    - Mũ trắng – Objective

Khi đội “mũ trắng”, bạn sẽ đánh giá vấn đề một cách khách quan, dựa trên những dữ kiện có sẵn. Hãy nghiên cứu thông tin bạn có để tìm ra câu trả lời cho những điều bạn còn thắc mắc.

    - Mũ đỏ - Intuitive

   Khi đội “mũ đỏ”, bạn sẽ đánh giá vấn đề dựa trên trực giác và cảm xúc. Hãy cố gắng đoán biết cảm xúc của người khác thông qua những phản ứng của họ và cố gắng hiểu những phản ứng tự nhiên của những người không hiểu rõ lập luận của bạn.

    - Mũ đen – Negative

   Khi đội “mũ đen”, bạn cần đánh giá vấn đề theo góc nhìn tiêu cực, cẩn trọng và e dè. Hãy cố gắng đoán trước những nguyên nhân có thể khiến ý tưởng và cách giải quyết vấn đề không đạt hiệu quả như mong đợi. Nhìn nhận sự việc theo cách này sẽ giúp bạn loại bỏ những điểm yếu trong một kế hoạch hoặc cách thức tiến hành công việc, điều chỉnh cách giải quyết vấn đề hoặc chuẩn bị kế hoạch dự phòng cho những vấn đề có thể nảy sinh ngoài dự kiến.

   Nhiều người thành đạt đã quen với việc suy nghĩ một cách lạc quan. Do vậy, họ có thể sẽ không dự kiến hết được những vấn đề có thể phát sinh nên không có sự chuẩn bị chu đáo. Cách tư duy mũ đen sẽ giúp ho tránh được điều này.

    - Mũ vàng – Positive

Khi đội “mũ vàng”, bạn sẽ suy nghĩ một cách tích cực. Sự lạc quan sẽ giúp bạn thấy hết được những lợi ích và cơ hội mà quyết định của bạn mang lại. Cách tư duy “mũ vàng” giúp bạn có thêm nghị lực để tiếp tục công việc khi bạn gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

    - Mũ xanh lá cây – Creative

Mũ xanh lá cây tượng trưng cho sự sáng tạo. Lối tư duy tự do và cởi mở khi đội “mũ xanh” sẽ giúp bạn tìm ra những giải pháp sáng tạo để giải quyết vấn đề.

    - Mũ xanh dương – Process

   Đây là chiếc mũ người chủ tọa đội để kiểm soát tiến trình cuộc họp. Khi gặp khó khăn do bế tắc về ý tưởng, chủ tọa có thể linh hoạt điều chỉnh cách tư duy của mọi người dự họp sang hướng “mũ xanh lá cây”. Còn khi cần lập kế hoạch dự phòng, chủ tọa sẽ yêu cầu mọi người tư duy theo cách “mũ đen”.

6chic.jpg

   Bạn có thể sử dụng phương pháp “6 chiếc mũ tư duy” trong các cuộc họp hoặc khi giải quyết vấn đề của mình. Nếu dùng trong các cuộc họp, kỹ thuật này sẽ giúp chủ tọa tháo “ngòi nổ” xung đột có thể xảy ra khi nhiều người có lối tư duy khác nhau cùng thảo luận về một vấn đề. Bạn cũng có thể sử dụng một phương pháp khác tương tự với “6 chiếc mũ tư duy” là đánh giá vấn đề từ quan điểm của nhiều chuyên gia (bác sĩ, kiến trúc sư, giám đốc kinh doanh,…) hoặc khách hàng.

   “6 chiếc mũ tư duy” là phương pháp lý tưởng để đánh giá tác động của một quyết định từ nhiều quan điểm khác nhau. Nó giúp bạn kết hợp những yếu tố thuộc về cảm tính với những quyết định lý tính và khuyến khích sự sáng tạo khi ra quyết định. Nhờ vậy, kế hoạch của bạn sẽ hợp lý và chặt chẽ hơn. Ngoài ra nó còn có thể giúp bạn tránh được những sai lầm về giao tế nhân sự và thấy trước những nhược điểm của một kế hoạch hành động. 

Tin nổi bật












Tin nội bộ
  • ​Đón Tết ở giàn khoan
  • 2/26/2024 8:00:32 PM