Trải qua hơn 26 năm vận hành liên tục Giàn nén trung tâm (GNTT) thuộc Xí nghiệp Khai thác các công trình Khí (XN Khí), Liên doanh Vietsovpetro vẫn luôn vận hành an toàn, bền bỉ, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu sản xuất được giao phó. Và vào lúc 15h00, ngày 02/02/2024, GNTT đã đạt một cột mốc mới trong lịch sử hình thành và phát triển, khi tổng sản lượng khí nén (gaslift và về bờ) đạt 60 tỷ m3. Đây là cột mốc đầy ý nghĩa và đáng tự hào - ghi nhận sự phát triển và lớn mạnh không ngừng của tập thể cán bộ kỹ sư, anh em công nhân kỹ thuật trên giàn.
Nền móng đầu tiên cho sự phát triển bền vững
GNTT chính thức được khởi công xây lắp (first-cut) đầu tháng 6 năm 1996, tại Koje shipyard (Hàn Quốc) do tổ hợp nhà thầu Bouygues offshore (Pháp) và Samsung Heavy Industries (Hàn Quốc) cùng phối hợp thực hiện. Với gần 10 tháng thi công, hạ tuần tháng 3 năm 1997, khối top-side GNTT (có tổng trọng lượng 7500 tấn) được hạ thủy tại cảng Koje - Hàn Quốc, rồi được đưa về vùng biển Bạch Hổ lắp đặt. Sau khi first gas thành công, khoảng đầu tháng 8/1997, GNTT chính thức được đưa vào hoạt động và trở thành công trình nén khí có công nghệ hiện đại thuộc hàng đầu thế giới lúc bấy giờ. Với nhiệm vụ trọng tâm là thu gom khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ và các mỏ lân cận khác như Sư Tử Vàng, Rạng Đông, Tê giác Trắng, Cá Ngừ Vàng, Thiên Ưng, Đại Hùng … nén ép và đưa về bờ cung cấp cho các cụm công nghiệp Khí điện, đạm sử dụng khí đốt như: Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Nhà máy Điện Nhơn Trạch 1, 2, 3, Nhà máy Điện Bà Rịa … nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời cung cấp khí gaslift để phục vụ cho việc khai thác dầu của Liên doanh Vietsovpetro. Tiếp nhận công nghệ tiên tiến hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật (qua các thời kỳ) có trình độ chuyên môn cao, tác phong chuyên nghiệp và tận tâm với công việc, nên từ đó đến nay GNTT đã luôn hoạt động an toàn, ổn định và hoàn thành xuất sắc kế hoạch, nhiệm vụ được giao – Khẳng định vai trò chủ lực trong XN Khí cũng như trong Liên doanh Vietsovpetro.
Theo thiết kế tổng thể của công ty EIL (Ấn Độ). Giàn nén trung tâm được chia làm 2 giai đoạn phát triển: Giai đoạn I: lắp đặt 5 tổ máy nén khí (4 tổ làm việc 1 tổ dự phòng) để nén với lưu lượng 6,48 triệu m3 khí/ngày đêm. Giai đoạn II: lắp đặt 7 tổ máy nén khí (5 tổ làm việc 2 tổ dự phòng) để nén với lưu lượng 8,1 triệu m3 khí/ngày đêm.
Hiện nay trên GNTT có 6 tổ máy nén khí ly tâm cao áp (đến 125 bar) do hãng Dresser-Rand (Mỹ) chế tạo, công suất nén một máy 1,62 triệu m3/ngày đêm, được dẫn động bằng turbine khí Mars-100 do hãng Solar (Mỹ) chế tạo, công suất 15.000 HP/máy, vòng quay đến 10.000 vòng/phút.
+ 1 máy nén khí piston thấp áp (LP compressor) do hãng Nuovo Pignone (Italia) chế tạo, công suất 420.000 m3 /ngày-đêm với áp suất đầu ra 10 bar, dẫn động bằng động cơ điện 6,3 kV, công suất 1,2 MW và được điều khiển bằng PLC của hãng Siemen S5 (Đức).
+ Tổ hợp máy phát điện gồm ba máy công suất 2,8MW/máy, dẫn động bằng turbine khí Centaur 40 do hãng Solar (Mỹ) chế tạo. Toàn bộ thiết bị điện hiện đại, có cấp độ chống nổ cao do hãng ABB (Thụy Điển) chế tạo.
+ Hệ thống công nghệ, hệ thống thiết bị nén và động lực chính (trừ LP compressor) được điều khiển tự động bằng PLC (Programmable Logic Controller) của hãng Allen Bradley (Mỹ).
Cụm giàn nén trung tâm trên mỏ Bạch Hổ
Khát vọng chuyển mình – Hành trình giữ lửa
Nhận thức được vai trò và chức năng của mình trong hoạt động sản xuất kinh doanh chung của xí nghiệp, GNTT luôn chủ động vận hành các tổ máy nén khí hoạt động liên tục để tận thu tối đa các nguồn khí mà không phải đốt bỏ và đảm bảo điều kiện khai thác dầu trong Liên doanh Vietsovpetro cũng như sự hoạt động ổn định cho các nhà máy. Ngoài những hệ thống thiết bị với công nghệ hiện đại có từ khi lắp đặt, vào ngày 17/07/2015 dự án tổ máy số 6 (Train F) cũng đã được lắp đặt thành công và đưa vào hoạt động, với thông số thiết kế: turbin dẫn động Mars – 100, công suất 10,352 MW, áp suất đầu ra 120 bar. Việc đưa tổ máy số 6 vào hoạt động cùng với các thiết bị mới nâng cấp đã làm giàn hoạt động ổn định hơn, gia tăng công suất thu gom từ mỏ Sư Tử Trắng (Cửu Long JOC) về bờ và giảm thiểu tình trạng đốt bỏ lãng phí các nguồn khí đồng hành ngoài khơi.
Trong năm 2018, GNTT đã hoàn thành việc nâng cấp hệ thống dừng an toàn khẩn cấp SSD 1&2. Hệ thống điều khiển và dừng khẩn cấp SSD là hệ thống điều khiển chính của GNTT và Riser Block, với số lượng I/O lớn (khoảng 1400 I/O field I/O và 600 soft I/O qua đường truyền thông) kết nối với rất nhiều hệ thống khác trên giàn, thuộc loại lớn và phức tạp nhất trên các công trình biển ở Việt Nam. Đồng thời với việc nâng cấp hệ thống, cũng đã hoàn thành việc thay mới hệ thống dây cáp điều khiển công nghệ, cáp ESD, cáp APS, JBs, … góp phần tăng độ tin cậy trong công tác vận hành giàn.
Năm 2015-2018, giàn đã thực hiện thành công chiến dịch “chuẩn hóa các giàn nén khí”, thực hiện nhiều cải tiến trong hệ thống công nghệ và thiết bị, nâng cấp công suất turbin 1 tổ máy nén cao áp, trên cơ sở đó đánh giá hiệu quả để tiếp tục nâng cấp turbin và máy nén cho tất cả các tổ máy nén cao áp nhằm tăng công suất mỗi tổ máy lên 10% đến 15% đáp ứng yêu cầu sản xuất trong tình hình mới.
Hơn 26 năm qua, với sự đóng góp to lớn và đầy trách nhiệm của nhiều thế hệ chuyên gia, kỹ sư, công nhân kỹ thuật đã giúp tập thể GNTT luôn vận hành an toàn, hiệu quả và đạt được những cột mốc đáng tự hào, cụ thể:
Ngày 04/12/2001 : Tổng sản lượng khí nén đạt mốc 1 tỷ m3
Ngày 22/04/2005 : Tổng sản lượng khí nén đạt mốc 10 tỷ m3
Ngày 23/01/2009 : Tổng sản lượng khí nén đạt mốc 20 tỷ m3
Ngày 26/10/2012 : Tổng sản lượng khí nén đạt mốc 30 tỷ m3
Ngày 29/07/2016 : Tổng sản lượng khí nén đạt mốc 40 tỷ m3
Ngày 25/05/2020 : Tổng sản lượng khí nén đạt mốc 50 tỷ m3
Ngày 02/02/2024 : Tổng sản lượng khí nén đạt mốc 60 tỷ m3 (trong đó có hơn 39 tỷ m3 khí về bờ cung cấp cho các hộ tiêu thụ).
Khát vọng không ngừng đổi mới để gặt hái những thành công là minh chứng cho sự trưởng thành cũng như vai trò quan trọng của GNTT, XN Khí trong việc duy trì sản xuất an toàn, ổn định, đóng góp cho hoạt động sản xuất chung của Vietsovpetro nói riêng và ngành Dầu khí nói chung.
Trao đổi kinh nghiệm trên thiết bị mới lắp đặt
Tiếp nối những thành công
Để có được những dấu ấn đầy tự hào nói trên, trước hết là nhờ sự định hướng đúng đắn, sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, sự hỗ trợ của các phòng ban trong XN Khí cùng sự nỗ lực cố gắng không ngừng của các cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật trên giàn đã luôn tận tâm với công việc, thường xuyên trao đổi tìm hiểu đánh giá sự khiếm khuyết của hệ thống. Qua đó từng bước đề xuất, chuyển đổi, nâng cấp và cải hoán cũng như áp dụng nhiều các công nghệ tiên tiến hiện đại vào sản xuất, giúp mọi hệ thống luôn hoạt động hoàn hảo, an toàn và nâng cao chất lượng sản phẩm
Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo giàn còn cùng với tổ chức Công đoàn thường xuyên kêu gọi anh em kỹ sư, công nhân kỹ thuật nêu cao tinh thần lao động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, trau dồi kiến thức, tìm tòi học hỏi để đưa ra những giải pháp hữu ích nhằm tối ưu nâng cao năng suất và tiết giảm chi phí. Với những chính sách hợp lý, định hướng rõ ràng cùng niềm say mê sáng tạo trong mỗi cá nhân, những năm gần đây phong trào sáng kiến, sáng chế, hợp lý hóa sản xuất trên GNTT luôn được phát huy mạnh mẽ. Tính riêng trong 5 năm 2019-2023 GNTT đã có 27 sáng kiến được Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro công nhận. Những sáng kiến ấy không những đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho công việc thường ngày mà hơn thế nữa nó còn mang lại kỹ năng tư duy, kỹ năng nghề nghiệp, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên giàn.
Có thể thấy sự đổi mới công nghệ, sáng tạo trong lao động sản xuất trên GNTT trong những năm qua xuất phát từ khát vọng không ngừng sáng tạo đổi mới lên của đội ngũ anh em kỹ sư, công nhân lao động trong suốt 26 năm xây dựng và phát triển. Với tổng sản lượng khí nén luôn tăng lên nhanh chóng đã thể hiện rõ vị thế, uy tín, chất lượng cũng như sự trưởng thành vượt bậc của tập thể GNTT. Hy vọng trong hành trình tiếp theo tập thể GNTT sẽ phát huy hơn nữa các giá trị cốt lõi của con người Vietsovpetro, không ngừng học hỏi, tìm ra giải pháp, ý tưởng mới, áp dụng những tri thức mới vào thực tiễn công việc nhằm tạo nên những bước đột phá nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và giá trị cho doanh nghiệp hướng đến sự phát triển bền vững của XN Khí – Vietsovpetro. Tin chắc rằng, với những kiến thức đã được tích lũy, cùng khát vọng luôn tiến lên phía trước với sự quan tâm, chỉ đạo từ các cấp lãnh đạo, tập thể GNTT sẽ không ngừng tiến về phía trước, tiếp tục chinh phục nhiều cột mốc quan trọng hơn nữa, góp phần vào những thành công chung của Liên doanh Vietsovpetro.
Đội ngũ kỹ thuật thực hiện công việc bảo trì - bảo dưỡng thiết bị
Hình ảnh và Bài viết: Nguyễn Trường Sơn GNTT