Bạn đã bao giờ rơi vào tình trạng thiếu tiền tiêu, hay từng nợ nần chồng chất chưa? Nếu đã từng, chắc chắn rằng chúng ta chẳng bao giờ muốn lặp lại cảm giác ấy thêm lần nào nữa. Ông bà ta có câu "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm" là để khuyên ta về tinh thần tiết kiệm. Vậy, ngoài tiết kiệm còn có cách nào khác để giải quyết tình trạng thiếu tiền tiêu hay không? Các bạn sẽ tìm thấy câu trả lời nằm trong cuốn sách "Người giàu có nhất thành Babylon".
George S. Clason – tác giả cuốn sách – sinh ra ở Missouri, Hoa Kỳ năm 1874. Ông có bằng cử nhân đại học Nebraska và phục vụ trong quân đội trong chiến tranh Tây Ban Nha – Mỹ. Ông bắt đầu sự nghiệp lâu dài trong nghề xuất bản, thành lập công ty Clason Map Company Of Denver ở Colorado. Năm 1926, Clason xuất bản cuốn sách đầu tiên trong số tập sách về bí quyết thành công về tài chính. Về sau, các ý tưởng được tập hợp đưa vào sách "Người giàu có nhất thành Babylon".
Babylon từng được xem là thành phố thịnh vượng nhất thế giới, được biết đến bởi có rất nhiều nhà cửa, cung điện, những thành lũy rộng và dài. Nơi đây trước kia là một vùng sa mạc. Nhưng với nỗ lực cùng quyết tâm, người dân ở đây đã biến vùng quê cằn cỗi thành một vùng đất trồng trọt, màu mỡ. Sự thành công của Babylon đã tạo cảm hứng cho tác giả viết một loạt truyện ngụ ngôn để chứng minh cho những quy luật bất biến về tài chính và cách tạo dựng của cải. Chúng đã trở nên rất phổ biến và được các ngân hàng, công ty bảo hiểm,... sử dụng để giáo dục về lợi ích của việc tiết kiệm và dùng tiền tiết kiệm ấy để sinh lợi nhuận.
Tác phẩm là một chuỗi những câu chuyện đan xen, mỗi câu chuyện nhằm diễn giải cho người đọc một bí quyết về việc làm giàu. Phần đầu tác phẩm, Clason đề cập vấn đề qua lời thoại của nhân vật Arkard: "Trong cuộc sống, tôi đã từng thấy có nhiều người tiêu pha hoang phí tất cả tài sản của mình, rồi cuối cùng ôm hận và nuối tiếc số tài sản đã mất; hoặc có người luôn sống trong tâm trạng lo sợ tiêu hết số tiền dành dụm, bởi vì họ không có khả năng kiếm ra tiền. Vì thế, họ thường dè sẻn việc chi tiêu, và trở nên túng thiếu trên đống tiền mà mình đang có. Ngoài ra, họ còn bị ám ảnh bởi trộm cướp và càng thu mình hơn trong cái lốt nghèo khó. Mà thật ra, họ sống cũng không khác gì những người nghèo khó. Tuy nhiên, cũng nhờ sự quan sát, tôi đã thấy được một số người khác ngày càng có nhiều tiền bạc, mặc dù họ vẫn luôn tiêu pha hào phóng. Tôi chưa biết bằng cách nào mà họ luôn có nhiều vàng như vậy, nhưng sự giàu có của họ luôn được duy trì, cuộc sống của họ vẫn sung túc, đầy đủ và họ vẫn được mọi người kính trọng".
Trong những câu chuyện của mình, Clason kể về cuộc đời của hai người đàn ông phải làm chật vật mới đủ miếng ăn. Họ muốn thoát khỏi khó khăn hiện tại và khao khát vươn lên một cuộc sống sung túc hơn. Vì vậy, hai người đàn ông trưởng thành - một người đóng xe ngựa và một người là nhạc sĩ - tìm đến người đàn ông giàu nhất Babylon để xin lời khuyên làm giàu. Từ đây, Clason đã bật mí một bí quyết thành công kinh điển và một chân lý cổ xưa rằng: "Nếu bạn muốn giàu có, bạn phải học từ người thành công."
Một trong những thông điệp quan trọng tiếp theo trong cuốn sách, phương thuốc cho một chiếc túi rỗng, chính là trả công cho bạn trước tiên. Các chi phí cho cuộc sống thường ngốn hết tiền bạn kiếm được. Vì thế, bạn đang trở thành nô lệ cho công việc của mình và chỉ kiếm đủ sống. Bằng cách tiết kiệm ít nhất một phần mười số tiền kiếm được và để riêng không được tiêu xài. Qua thời gian, số tiền sẽ nhiều lên và lúc đó, tiền sẽ trở thành nô lệ của bạn. Đó là thông điệp quan trọng mà sách muốn gửi đến người đọc, hãy để dành một phần mười thu nhập hàng tháng để trả công cho chính bạn.
Bí quyết quan trọng nhất mà tác giả muốn gửi gắm, cũng là bí quyết tốn nhiều giấy mực trong tác phẩm, đó là nắm vững "Năm quy luật của vàng". Câu chuyện bắt đầu khi Nomasir, con trai của người giàu có nhất vùng Babylon là Arkad bắt đầu lập nghiệp. Điều kiện để có thể thừa kế gia tài, Nomasir cần đi ra ngoài khám phá thế giới và học cách tự kiếm tiền. Người con được trang bị cho ba túi đựng vàng, cùng một tấm đất sét khắc "Năm quy luật của vàng". Chẳng có gì ngạc nhiên, khi anh chẳng chú ý gì đến tấm đất sét thông thái. Chỉ tới khi anh mất gần hết tiền và tình thế trở nên nguy kịch, Nomasir mới nhớ đến tấm đất sét được khắc "Năm quy luật của vàng":
- Đối với những người sẵn sàng đem ra 1/10 số tiền kiếm được để tích lũy cho riêng mình trong tương lai thì vàng sẽ đến và đến với số lượng ngày càng nhiều.
- Vàng là người làm công cần mẫn và nhiệt tình nhất đối với những người chủ khôn ngoan biết nhận ra khả năng sinh lời và phát triển của nó.
- Vàng luôn luôn trung thành và mang lại lợi nhuận cho những người chủ cẩn thận đầu tư từ lời khuyên của những người khôn ngoan.
- Đối với những vụ đầu tư kinh doanh mà bản thân mình chưa nắm rõ hoặc không được người giàu kinh nghiệm chỉ bảo thì rất dễ bị mất vàng.
- Nếu dùng vàng để kiếm lợi một cách phi pháp hoặc làm theo những lời khuyên không đúng, lừa đảo hay phó thác nó cho những kinh nghiệm yếu kém thì rất dễ thất bại và mất sạch vàng.
Sự thành công bắt đầu đến với Nomasir khi anh bắt đầu áp dụng "Năm quy luật của vàng". Bên cạnh đó, kinh nghiệm thất bại đã đúc kết triết lý rằng không có sự thông thái, vàng sẽ nhanh chóng bị mất đi bởi người có nó. Nhưng với sự thông thái, vàng có thể được tạo ra từ người chưa có nó. Người nào không biết quy luật đó cũng có thể gặp được vận may nhưng có khả năng cũng sẽ đánh mất tiền nhanh chóng. Năm quy luật trên không những giúp bạn gây dựng của cải, mà còn giúp bạn tránh khỏi việc đánh mất tiền, nếu bạn làm theo các quy luật cổ xưa đó.
Dù bạn và tôi đang sống ở thời đại nào, chúng ta vẫn thấy rằng những bí quyết làm giàu được đề cập trong "Người giàu có nhất thành Babylon" không bao giờ là cũ. Hãy tìm đọc bản cứng tác phẩm ở các nhà sách, hoặc bản audio trên youtube, để cùng chiêm nghiệm, học hỏi và cùng trở nên giàu có các bạn nhé!
Oanh Vũ – Sưu tầm và tổng hợp