tin tức - sự kiện

​ Niềm hy vọng mới ở Kho Vàng

9/22/2024 6:36:07 PM

Mới khoảng 2 tuần trước, nhiều hộ dân tại thôn Kho Vàng (Cốc Lầu, Bắc Hà, Lào Cai) cảm thấy tột cùng đau đớn, xót xa vì người mất, nhà trôi, ruộng vườn tan tác sau khi cơn bão số 3 đi qua. Nhưng hôm nay, niềm hy vọng đã được thắp lên, khi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam khởi công tái thiết khu dân cư. Dự kiến trước 31/12/2024 người dân sẽ được về ở nhà mới, an toàn hơn, hạnh phúc hơn


   Mới khoảng 2 tuần trước, nhiều hộ dân tại thôn Kho Vàng (Cốc Lầu, Bắc Hà, Lào Cai) cảm thấy tột cùng đau đớn, xót xa vì người mất, nhà trôi, ruộng vườn tan tác sau khi cơn bão số 3 đi qua. Nhưng hôm nay, niềm hy vọng đã được thắp lên, khi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam khởi công tái thiết khu dân cư. Dự kiến trước 31/12/2024 người dân sẽ được về ở nhà mới, an toàn hơn, hạnh phúc hơn


​   Đồng chí Trần Quang Dũng, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Lào Cai trao đổi về công tác tái thiết thôn Kho Vàng.

​   Ký ức hãi hùng

​   Chúng tôi có mặt tại xã Cốc Lầu, Bắc Hà, Lào Cai khi mà dư âm của trận “đại hồng thuỷ" vẫn còn chưa dứt.

​   Trên con đường liên huyện, ven theo bờ sông Chảy, mỗi một đoạn lại có biển báo, barie cảnh báo sạt lở. Những ụ đất, bùn nhão đùn ra chiếm hết diện tích mặt đường. Các máy ủi phải liên tục san gạt để lấy lối đi.

​   Dưới lòng sông Chảy, nước vẫn cuộn đỏ phù sa, hai bên bờ sông trở thành nơi “tập kết" rác thải, các thân cây, cành cây bị nước cuốn từ thượng nguồn. Bên ta luy âm, sức nước bào sâu vào thân đường, tạo thành hàm ếch nhìn rợn tóc gáy - có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.


​   Lán ở tạm của người dân thôn Kho Vàng, bên cạnh UBND xã.

​   ​Cũng ven bờ con sông này, tại UBND xã Cốc Lầu hiện đang có gần 20 lán mà người dân đang ở tạm. Đây cũng chính là những hộ dân thuộc thôn Kho Vàng, đã được đồng chí trưởng thôn Ma Seo Chứ dẫn đi “chạy lụt" vào ngày 9/9 vừa qua.

​   Có mặt tại đây từ sáng sớm ngày 21/9 chúng tôi có thể thấy, những lều, lán ở đây được dựng khá chắc chắn bằng hai, ba lớp vải dù. Trong nhà có giường, chiếu, chăn màn… Điện cũng đã được kéo vào từng hộ.

​   Chị Hạng Thị Say (28 tuổi) trú tại thôn Kho Vàng chia sẻ. Mấy ngày qua, có nhiều đoàn thiện nguyện đã ủng hộ gạo, mì tôm, nước đóng chai, quần áo… nên cuộc sống của bà con cũng khá ổn định. Khi được hỏi về gia cảnh, chị Say ứa nước mắt kể.

​   Chị sinh ra và lớn lên ở Cốc Lầu, sau khi lấy chồng thì về nhà chồng tại thôn Kho Vàng. Ở đây, gia đình chủ yếu sinh sống bằng nông nghiệp. Hàng ngày, chị cùng chồng chăm sóc nương lúa, và trồng sắn trồng ngô, đồng thời nuôi được con trâu, dê, gà…


​   Chị Hạng Thị Say nhớ lại ký ức hãi hùng mình và gia đình vừa trải qua.

​   “Mấy hôm ấy mưa to như trút, nước lũ từ thượng nguồn đổ về khiến cho đường giao thông bị chia cắt, không ai dám ra khỏi nhà. Cũng đã có nhiều nhà ở chỗ thấp nước ngập ngang nhà. Nghe anh Chứ vận động, tôi vội bế một đứa, chồng cõng một đứa và chạy lên một vùng đồi cao hơn, cách nhà cũ gần 1km. Mấy hôm trước chồng tôi quay lại nhà cũ thì thấy nhiều đồ đạc đã bị nước cuốn, cả nương lúa, đồi keo cũng bị ngập hết… Bao nhiêu công sức của gia đình đã mất hết. Chúng tôi giờ không biết bám víu vào đâu" - chị Say nức nở.

​   Anh Giàng Seo Phố, 20 tuổi, bế đứa con mới 7 tháng tuổi chia sẻ với chúng tôi. Ở thôn cũ gia đình anh sinh sống bằng nghề làm nương, trồng quế, trồng sắn. Cái hôm mưa lụt, nước vào ngập hết nhà cửa, Phố vội vàng kêu vợ ôm được cái chiếu, ít quần áo rồi chạy theo trưởng thôn Chứ.


​   Anh Giàng Seo Phố vẫn còn nhớ mấy con chó mà gia đình chưa kịp mang theo.

​   “Giờ về ở đây thì an toàn rồi, nhưng vẫn nhớ mấy con chó lắm. Hôm đi, nó chạy theo mà mình không bế qua sông được. Không biết mấy hôm nay nó có kiếm được gì ăn không…"- anh Phố nói mà mắt rưng rưng.

​   Ngừng một chút, anh Phố kể.

​  “Hôm trước mình nghe các bác trên tỉnh và doanh nghiệp sẽ hỗ trợ làm nhà cho dân thôn mình ở địa điểm mới, mình vui lắm. Tuy nhiên từ địa điểm đấy đến nương lúa nhà mình còn xa quá, mà vẫn chưa đi được. Mình mong nhà nước sẽ hỗ trợ làm giúp cho con đường để mình còn về trồng, cấy”.

​   Vợ chồng anh Sùng Seo Dứa (30 tuổi cũng ở thôn Kho Vàng) hiện có 3 con nhỏ, nên cái hôm chạy lụt anh mải cắp con mà không mang được gì theo. May quá hôm về lán cạnh uỷ ban xã được các cấp chính quyền, các nhà hảo tâm ủng hộ nào gạo, muối, quần áo…

​   Nhắc đến nơi ở cũ, anh Dứa ứa nước mắt. “Nước lũ cuốn trôi mất đường về rồi. Hôm chạy về đây thấy lúa chín rồi mà chưa gặt được. Ở nhà cũ còn thóc cũng ko xát được. Mong sao nhà nước làm lại con đường cho dân đi…”


​   Toàn cảnh buổi khởi công tái thiết toàn bộ khu dân cư thôn Kho Vàng.

​   Niềm hy vọng mới

​   Hưởng ứng kêu gọi của Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, với truyền thống tương thân tương ái, nghĩa tình và trách nhiệm xã hội, Petrovietnam chủ động đề nghị phối hợp với tỉnh Lào Cai đảm nhận tái thiết khu dân cư thôn Kho Vàng, bảo đảm cuộc sống ổn định, an toàn, lâu dài cho người dân. Dự kiến khu tái định cư thôn Kho Vàng rộng 2,5ha và đáp ứng chỗ ở cho khoảng 40 hộ dân.

​   Theo đồng chí Trần Quang Dũng, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), khu dân cư mới sẽ bảo đảm đầy đủ các nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người dân theo quy chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, việc thiết kế và xây dựng khu dân cư mới sẽ được thực hiện dựa trên đặc điểm văn hóa, phong tục và tập quán của đồng bào dân tộc Dao và Mông - hai nhóm dân cư chính tại thôn Kho Vàng. Địa điểm mới cách nơi cũ của thôn khoảng 1,5km.

​   Sáng 21/9 Petrovietnam đã tổ chức khởi công tái thiết khu dân cư thôn Kho Vàng.


​   Anh Ma Seo Giáo địu con đến từ sớm để chứng kiến buổi khởi công.

​   Địu con trai trên lưng cố gắng có mặt thật sớm tại buổi khởi công, anh Ma Seo Giáo, người dân thôn Kho Vàng cho biết, vợ chồng anh có 6 người con, đứa nhỏ nhất là Ma Seo Toàn 2 tuổi đang ngủ ngặt nghẽo trên lưng anh. Trận lũ và lở đất đã lấy đi toàn bộ nhà cửa, ruộng vườn và diện tích trồng quế của nhà anh trên 2 quả đồi. “Giờ trắng tay rồi, chẳng biết lấy gì mà nuôi các con!”, anh Ma Seo Giáo chia sẻ với chúng tôi.

​   Ngừng một lát, anh nói, khi được trưởng thôn thông tin sẽ xây nhà mới cho nhiều hộ dân ở Kho Vàng, vợ chồng tôi đều rất mừng. Vì sẽ không còn phải nơm nớp lo sợ “chạy lũ" mỗi khi có mưa bão. Tôi mong Nhà nước có thể bố trí nơi canh tác cho chúng tôi ở nơi mới, để việc di chuyển, đi nương sẽ nhanh hơn, chúng tôi đỡ vất vả hơn.


​   Người dân thôn Kho Vàng phấn khởi vì sắp có nhà mới.

​   Cũng có mặt tại buổi khởi công từ sớm, chị Sùng Seo Dứ kể lại, chị vẫn còn chưa quên cái hôm mưa bão, nước lũ cuồn cuộn đổ về khiến nhà chị bị ngập lụt. Trong khi vợ chồng con cái đang vô cùng lo lắng, chưa biết làm thế nào thì trưởng thôn Ma Seo Chứ đã đến tận nhà vận động đi chạy lũ.

​   “Mấy ngày ở trên lán, do không mang kịp đồ ăn nên gia đình bị đói. May quá chỉ hai hôm đã được chính quyền tìm thấy và đưa về ủy ban. Hôm nay được dự buổi khởi công xây thôn mới, mình vui lắm. Mong sao gia đình sớm được về nhà mới, vì ở chỗ hiện tại rất nóng và bí, lại chưa có bàn học tập cho các con…”, chị Dứ chia sẻ.

​   Gặp lại chị Hạng Thị Say tại khu vực khởi công, lúc này chị không còn khóc nữa mà đã nhoẻn cười. "Vợ chồng mình mừng lắm. Chỉ mong sao nhà nước sẽ làm thật nhanh, để gia đình có cuộc sống ổn định", chị nói.


   Niềm hy vọng mới đã được thắp lên, khi mà trước đó chỉ 2 tuần trước anh Ma Seo Giáo và nhiều người dân thôn Kho Vàng vô cùng đau khổ, xót xa.

“Đanko của làng"

​   Được biết thôn Kho Vàng được sáp nhập từ hai thôn Kho Lạc và thôn Bản Vàng, tổng số có mấy chục hộ dân sống rải rác tại nhiều cụm dân cư trải dài khoảng 7km.

​   Nhắc đến thôn Kho Vàng không thể không nhắc tới trưởng thôn Ma Seo Chứ. Dù còn trẻ, song anh đã có quyết định rất nhanh, sáng suốt để di chuyển toàn bộ 17 hộ dân của thôn đến nơi an toàn hơn và được ví như "Đanko của làng".


​   Trưởng thôn Ma Seo Chứ - Đanko của người dân thôn Kho Vàng.

​   Cũng do mưa lũ bất ngờ, hàng chục hộ dân khác ở “khu dưới" đã bị mất nhà, đồng thời một số người chết, mất tích. “Thời điểm đó khu dân cư bị nước lũ chia cắt, sóng điện thoại cũng không có nên không thể liên lạc để xin ý kiến các cấp. Do đã nhiều lần được tuyên truyền, tập huấn, tôi nghĩ phải chủ động đưa dân đi lánh nạn trước" - anh Chứ kể.

​   Đặc biệt sáng 9/9, Chứ rất sốt ruột vì xung quanh thôn làng có rất nhiều quả đồi đang "no nước", có thể bị sạt lở, đổ sập vùi lấp thôn Kho Vàng. Trước đó, chính quyền xã Cốc Lầu đã nhắc nhở ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 sẽ gây mưa lớn, có khả năng sạt lở ở nhiều nơi.

​   Thấy trời mưa không ngớt, linh cảm mách bảo quả đồi lớn sau khu dân cư có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào, anh Chứ đã hội ‎ý nhanh với các đảng viên và quyết định gọi một số thanh niên trong thôn đi khảo sát tình hình xung quanh.

​   Anh Chứ đã huy động 7 thanh niên trong thôn thành một nhóm đi kiểm tra quanh quả đồi phía trên làng. Quá trình kiểm tra đã phát hiện một vết nứt rộng 20cm, dài khoảng 30m. Đặc biệt, địa điểm phát hiện vết nứt lại nằm ngay phía trên đồi, cách thôn Kho Vàng khoảng 100m.

​   "Mưa suốt từ đêm tới sáng, tôi lo lắm. Đến 8h sáng 9/9, tôi gọi anh em đi lên đồi để kiểm tra tình hình sạt lở và tìm một quả đồi hoặc núi có vị trí cao, bằng phẳng tính dần phương án di tản bà con. Tới 8h30, mọi người báo rằng sẽ có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, tôi gọi điện ra xã để báo cáo nhưng điện thoại hoàn toàn mất sóng, không thể liên lạc”, anh Ma Seo Chứ chia sẻ.

​   Tới 9h sáng cùng ngày, lúc này mưa vẫn không ngừng trút xuống thôn, anh Chứ liền quyết định di tản toàn bộ 17 hộ dân với 115 người trong thôn lên một quả núi cách thôn 1km. Việc di tản được diễn ra nhanh nhất có thể.

​   Trước khi di tản lên chỗ ở mới, anh Chứ thông báo cho mọi người chỉ mang theo những đồ thiết yếu như chăn màn, bát đũa, xoong nồi và ít gạo để nấu cơm, vì trời còn đang mưa to mà thời gian di chuyển rất gấp.

​   “Từ lúc phát hiện đến khi mọi người an toàn đến nơi lán trại mới chỉ khoảng 8 tiếng đồng hồ. Đến 16h ngày 9/9, tất cả 115 người dân đã đến nơi an toàn. Sau khi mọi người lên đến nơi, hôm sau, quả đồi phía sau sạt lở xuống đúng khu thôn làng ở”, anh Chứ nhớ lại.

​   Lên nơi lánh nạn được an toàn, nhưng khó khăn mà người dân phải đối mặt đó là thiếu lương thực, nước uống, vì đồ người dân mang theo được rất ít. Do đó, ngoài việc xem tình hình mưa lũ, người thôn Kho Vàng còn cắt cử nhau khảo sát đường đi đến các thôn xung quanh, đường về xã để tìm sự trợ giúp. Tuy nhiên, mọi ngả đường đều bị sạt lở.Khi người dân đang phải đối mặt với bộn bề khó khăn, thì trưa 11/9, lực lượng chức năng đã tìm thấy dân bản. “Được lực lượng chức năng tìm tới, chúng tôi vô cùng vui mừng, biết rằng mình đã được cứu sống. Mọi người mang theo mỳ tôm, lương khô giúp chúng tôi giải quyết cái ăn trước mắt. Đến ngày hôm sau, chính quyền xã và huyện mang theo rất nhiều đồ cứu trợ, giúp bà con ổn định cuộc sống”, anh Ma Seo Chứ kể lại.

​   Theo đồng chí Trần Quang Dũng, ngày 21/9 - ngày khởi công công trình là là thứ Bảy - đối với CBCNV nhiều cơ quan, doanh nghiệp là ngày nghỉ, nhưng với gần sáu vạn người lao động Dầu khí là “Ngày thứ Bảy tình nguyện”. Toàn thể CBCNV trong ngành làm thêm một ngày để dành phần kinh phí tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội nói chung, trong đó có việc tái thiết thôn Kho Vàng nói riêng.

​   Đồng chí Trần Quang Dũng cũng thay mặt lãnh đạo, cán bộ, người lao động của Petrovietnam xin gửi tới các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Lào Cai, huyện Bắc Hà, xã Cốc Lầu lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mạnh mẽ, bản lĩnh để vươn lên, vượt qua những khó khăn; chúc thôn Kho Vàng sẽ sớm trở thành “kho vàng” của xã Cốc Lầu, của huyện Bắc Hà, của tỉnh Lào Cai.

 

Minh Tiến - Thanh Ngọc


Tin nổi bật