tin tức - sự kiện

Petrovietnam tự hào gánh trên hai vai trọng trách với đất nước

7/21/2024 6:56:45 PM

​  (PetroTimes) - Công tác an sinh xã hội được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) coi là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển lâu dài và bền vững, là trách nhiệm, tình cảm của những người lao động Dầu khí đối với cộng đồng, với xã hội.


   (PetroTimes) - Công tác an sinh xã hội được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) coi là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển lâu dài và bền vững, là trách nhiệm, tình cảm của những người lao động Dầu khí đối với cộng đồng, với xã hội.

​   Song song với việc tạo ra những hạt nhân kinh tế cho nhiều tỉnh, thành phố, hằng năm, Petrovietnam duy trì đóng góp hàng trăm tỷ đồng, góp phần làm thay đổi những vùng quê nghèo, không những mang lại sự đổi thay cho nhiều cảnh đời bất hạnh mà còn góp phần ổn định kinh tế - xã hội của nhiều địa phương trong cả nước.

​   Trồng “cây ăn quả” trên cả nước

​   Ngành Dầu khí vẫn là ngành mũi nhọn của hầu hết các quốc gia, cung cấp nguồn năng lượng và nguyên liệu quan trọng bậc nhất phục vụ sản xuất điện, nhiên liệu cho giao thông vận tải và các ngành kinh tế... Đối với Việt Nam, vai trò và ý nghĩa của ngành Dầu khí càng trở nên quan trọng trong bối cảnh nước ta đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Ít người biết rằng, với mỗi cụm dự án, nhà máy, khu liên hợp lọc hoá dầu,... một trong những tiêu chí xét đến là ưu tiên xây dựng ở những địa phương còn “nghèo” của đất nước để thực hiện sứ mệnh làm hạt nhân kinh tế, trồng những “cây ăn quả” ngọt lành cho các tỉnh, vùng còn khó khăn.


Đồng chí Lê Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam trao cho đại diện UBMTTQ tỉnh Trà Vinh biểu trưng tặng 20 tỷ đồng xây dựng 400 căn nhà cho người nghèo trên địa bàn tỉnh

​   Công nghiệp dầu khí triển khai ở đâu thì nơi đó có kết quả phát triển kinh tế khởi sắc, kinh tế vùng đơm hoa kết trái. Quả thật không có gì ngạc nhiên khi điểm lại hàng chục dự án, nhà máy công nghiệp của ngành Dầu khí như Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau), Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Vũng Áng 1 (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), NMNĐ Thái Bình 2 (huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình),...

​   Tại Hội thảo khoa học “Đánh giá tác động Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đối với các phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung Bộ và Việt Nam”, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, Khu kinh tế (KKT) Dung Quất được thành lập năm 2005, với quy mô 10.300 ha nằm trên địa bàn huyện Bình Sơn - một trong những huyện thuần nông, khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ngãi. Từ khi xây dựng KKT Dung Quất, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của dự án NMLD Dung Quất, đã đóng góp quan trọng vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của địa phương, góp phần tích cực vào việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội cho địa phương và vùng lân cận.


Petrovietnam thực hiện chương trình Tết vì người nghèo tại Hưng Yên.

​   Đánh giá về vai trò của đơn vị quản lý và những đóng góp của NMLD Dung Quất đối với nền kinh tế đất nước, TS. Hoàng Hồng Hiệp - Quyền Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Trung Bộ cho biết: “Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, được giao trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, vận hành NMLD Dung Quất, giữ vai trò tiên phong và đặt nền móng cho sự phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam; đồng thời là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam trong lĩnh vực này. NMLD Dung Quất là công trình trọng điểm quốc gia có tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, công suất chế biến bình quân 6,5 triệu tấn dầu thô/năm. Việc xây dựng thành công và đưa NMLD Dung Quất vào vận hành mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với việc đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa khu vực miền Trung và Việt Nam”.

​   Đặc biệt ở vùng cực Nam của Tổ quốc, Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau do Petrovietnam đầu tư tạo dấu ấn rất quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của Cà Mau phát triển. Một vùng thuần nông xưa, nay trở thành một vùng nuôi trồng thủy sản trù phú, mỗi năm xuất khẩu hàng trăm triệu USD ra thị trường thế giới.

​   Cùng với việc đóng góp hàng năm gần 30% ngân sách cho tỉnh Cà Mau, công trình Nhà máy Đạm Cà Mau; dự án Nhà máy Điện Cà Mau 1 và 2 với công suất thiết kế 1.500 MW; công trình dự án đường ống PM3 - Cà Mau;... có vai trò quyết định phát triển kinh tế của vùng cực Nam này.


Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau.

​   Trong giai đoạn hiện nay, ngành Dầu khí đang hoạt động trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, nhưng bằng bản lĩnh của “những người đi tìm lửa”, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã trụ vững và tiếp tục đạt được những kết quả khích lệ. Hằng năm, Tập đoàn đóng góp cho GDP cả nước trung bình từ 10-13%; nộp ngân sách Nhà nước chiếm tỷ trọng 9-11% tổng thu ngân sách chung của Nhà nước.

​   Như vậy, có thể thấy ngành Dầu khí là ngành kinh tế đặc biệt, công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô quan trọng của Chính phủ và là ngành có nhiều đóng góp hết sức quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề xã hội của đất nước. Với các định hướng phát triển cụ thể, rõ ràng, trong thời gian tới ngành Dầu khí sẽ tiếp tục phát triển đồng bộ, toàn diện và hiệu quả nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tiếp tục đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đặc biệt là động lực phát triển kinh tế vùng, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo.

​   65 năm nghĩa tình người Dầu khí

​   Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về công tác an sinh xã hội, trong đó thực hiện mong ước của Bác khi còn sinh thời về một ngành Dầu khí Việt Nam hùng mạnh, hơn 65 năm qua, cùng với việc đẩy mạnh và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, công tác an sinh xã hội luôn được Tập đoàn và các đơn vị thành viên của Tập đoàn quan tâm và coi đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là trách nhiệm của Tập đoàn đối với cộng đồng, với xã hội.


PVEP triển khai chương trình áo ấm cho em tại Sơn La.

​   Hoạt động an sinh xã hội của Tập đoàn thực hiện hỗ trợ các chương trình về xây dựng nhà tình nghĩa, nhà ở xã hội; ủng hộ phòng chống thiên tai bão lũ; xây dựng trường học, đầu tư trang thiết bị giáo dục cho các địa phương còn khó khăn; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh Covid-19. Thực hiện an sinh xã hội từ 2006 đến 2023 đạt trên 7,82 nghìn tỷ đồng, trung bình đạt trên 430 tỷ đồng/năm. Trong đó, ở giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế, khi dịch bệnh Covid-19 cao điểm, Tập đoàn đã thể hiện trách nhiệm đầu tàu trong hỗ trợ phòng, chống, khắc phục dịch bệnh Covid-19 với số tiền 838,77 tỷ đồng.

​   Song song với các hoạt động an sinh xã hội, công tác chăm lo cán bộ hưu trí được Tập đoàn quan tâm triển khai thực hiện. Các Ban Liên lạc hưu trí các đơn vị đã phát huy và thực hiện tốt chức năng, vai trò là đầu mối phối hợp, giúp lãnh đạo đơn vị theo dõi, quản lý, tổ chức hoạt động và thực hiện các chế độ, chính sách, chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người lao động hưu trí.

​   Các hoạt động xã hội được triển khai rộng khắp tại các đơn vị thông qua hoạt động đối thoại giữa lãnh đạo đơn vị và người lao động, tạo mối quan hệ lao động hài hòa. Nhiều phong trào, cuộc vận động mang tính xây dựng được phát động như: trồng 3 triệu cây xanh hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, đến nay trong toàn Tập đoàn đã có 154.778 cây xanh được tổ chức trồng tại 20 đơn vị trên 21 tỉnh/thành trong cả nước; hoạt động hiến máu nhân đạo từ khi phát động (năm 2021) đến nay đã thu hút 11.342 lượt người lao động tham gia và hiến tặng được 10.182 đơn vị máu.

​   Công tác an sinh xã hội được các đơn vị trong Tập đoàn triển khai rộng khắp, hiệu quả trên cả nước, nổi bật là các đơn vị lớn như PV GAS, Vietsovpetro, PVEP, BSR, PVFCCo, PVCFC,... Đơn cử như tại PVEP, với đặc thù hoạt động ở ngoài khơi thềm lục địa nên đã không chỉ góp phần khẳng định và tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Việt Nam trên Biển Đông và hỗ trợ ngư dân trên biển mà còn được gắn liền với công tác an sinh xã hội.


Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - công trình hạt nhân cho sự phát triển của tỉnh Quảng Ngãi.

​   Trong những năm qua, tập thể cán bộ nhân viên PVEP đã ủng hộ bằng cả tinh thần và vật chất, đóng góp mạnh mẽ, thiết thực trong công tác an sinh xã hội: tài trợ xây dựng các trường học, trạm y tế, nhà Đại đoàn kết, nâng cấp hạ tầng dân sinh tại các địa phương nghèo, vùng sâu vùng xa; chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, các chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo, đồng bào bị ảnh hưởng của thiên tai, các hộ gia đình nghèo, nạn nhân chất độc da cam; giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, học sinh, sinh viên nghèo vượt khó; ủng hộ các quỹ bảo trợ, các tổ chức xã hội;...

​   Là một công ty dầu khí quốc tế, PVEP cũng tích cực tham gia công tác an sinh xã hội tại các quốc gia có dự án đầu tư như các hoạt động ủng hộ nhân dân Cuba chịu ảnh hưởng của siêu bão nhiệt đới Gustav & Ike, tài trợ xây dựng trường học ở Viêng Chăn - Lào, giúp đỡ nhân dân Myanmar phục hồi sau cơn bão Nargis cũng như các nạn nhân chịu hậu quả động đất tại Peru,... Kể từ ngày thành lập Tổng công ty (tháng 5/2007 đến nay), PVEP đã dành những sự quan tâm, ủng hộ đáng ghi nhận trong công tác an sinh xã hội. Tổng số kinh phí ủng hộ, đóng góp trong công tác an sinh xã hội của PVEP đã đạt trên 700 tỷ đồng.

​   Có thể khẳng định rằng, Petrovietnam và các đơn vị thành viên đã và đang nỗ lực hết mình với lòng tự hào được gánh trên hai vai trọng trách của một Tập đoàn kinh tế quốc gia: Phát triển kinh tế và trách nhiệm với xã hội.

 

Thành Công 


Tin nổi bật