Câu chuyện bắt đầu từ năm 1959, khi Bác Hồ đến thăm
Azerbaijan. Tại khu công nghiệp Dầu khí Ba – Cu, Người đã nói với các đồng chí
lãnh đạo Liên Xô rằng: “Việt Nam có biển, nhất định có dầu nhưng đang trong chiến
tranh chưa làm được. Tôi hy vọng sau khi kháng chiến thắng lợi, các đồng chí sẽ
giúp chúng tôi tìm ra dầu, chế biến dầu và xây dựng khu công nghiệp dầu khí mạnh
như Ba-cu…”. Năm 1981, tâm nguyện của Bác đã thành hiện thực, XNLD “Vietsovpetro”
được thành lập và Tổng Giám đốc đầu tiên của Vietsovpetro là đồng chí Mamedov D.G., người Azerbaijan.
Vài năm sau khi Vietsovpetro được thành lập, Hội đồng
Nhân dân Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo có nghị quyết đổi tên đường Nguyễn Thái Học,
con đường trung tâm Vũng Tàu nối Ngã Năm ra Bãi Trước, thành đường Ba Cu, tên của
Thủ đô nước Cộng hòa Azerbaijan thuộc Liên-Xô.
Năm 1991 Liên Xô tan rã. Một thời gian sau đi qua
góc đường đó, tôi không thấy bức tường và tấm bảng đâu nữa. Người ta đã tháo dỡ
nó đi rồi. Việc này cũng chẳng biết tại sao. Có thể là tình cờ, nhưng sau khi
Liên bang Xô-viết không còn tồn tại, nhiều công trình do Liên-Xô xây dựng giúp
đỡ Việt Nam như là “Cung Văn Hóa Hữu Nghị Việt-Xô” hay “Bệnh viện Hữu Nghị Việt-Xô”
cũng chỉ còn giữ lại phần tên “Hữu Nghị” mà thôi.
Tuy nhiên, với Liên doanh dầu khí Việt-Xô thì lại
khác, trên logo Vietsovpetro vẫn giữ nguyên hình quốc kỳ của Liên-Xô và Việt
Nam cùng chung nền đỏ. Tên gọi СП «Вьетсовпетро» - Liên doanh Vietsovpetro vẫn thế, như cách đây hơn 30
năm. Với Azerbaijan, sau khi Liên-Xô tan rã, Vietsovpetro vẫn duy trì quan hệ với
Học viện Hóa Dầu Ba Cu và Viện nghiên cứu dầu khí Azerbaijan. Nhiều năm sau
1991, Vietsovpetro vẫn cử nhiều đợt cán bộ, kỹ sư sang Azerbaijan để học tập,
tu nghiệp và cập nhật kiến thức.
Tình sâu
nghĩa nặng của nhân dân Liên Xô nói chung và nhân dân Azerbaijan nói riêng đối
với nhân dân Việt Nam không thể nói được bằng câu chữ. Tính riêng ở Azerbaijan,
từ những năm 1960, các trường đại học đã đào tạo cho Việt Nam khoảng 4.000 cán
bộ khoa học, giáo dục, quản lý. Nhiều người trong số đó đã nắm giữ các trọng
trách trong các cơ quan Nhà nước và Quốc hội, trở thành lãnh đạo các tập đoàn
hàng đầu, các hiệu trưởng đại học, viện trưởng, các nhà khoa học và nhà giáo có
uy tín trên cả nước. Với ngành dầu khí,
đã có hàng nghìn kỹ sư, CNKT học tập ở Ba-Cu, thủ đô Azerbaijan. Tại Liên doanh
Vietsovpetro, hầu hết những chuyên gia trụ cột đều tốt nghiệp ở Học viện Hóa Dầu
Ba-Cu, Azerbaijan. Ban Tổng Giám đốc của Vietsovpetro bây giờ, phần đông đều là
cựu sinh viên Học viện danh tiếng này.
Ngày 10 tháng 10 năm 2015, tại Hà Nội, Hội Hữu nghị
Việt Nam-Azerbaijan chính thức được thành lập. Trên bàn Chủ tịch đại hội, có đồng
chí Từ Thành Nghĩa, Tổng Giám đốc Liên doanh Vietsovpetro, người tốt nghiệp Kỹ
sư ngành Khai thác dầu tại Học viện Hóa Dầu Ba Cu năm 1986.
Đoàn Chủ tịch Đại hội thành lập Hội hữu
nghị Việt Nam-Azerbaijan 2015. Ảnh: VOV
Đầu tháng 11/2015 vừa qua, ngài Anar Imanov, Đại sứ đặc
mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Azerbaijan đến thăm và làm việc với Liên doanh
Vietsovpetro. Sự thân tình thể hiện trên gương mặt của đồng chí Tổng Giám đốc
và ngài Đại sứ, giống như là đang gặp được người thân vậy.
Đồng chí Từ Thành Nghĩa, Tổng Giám đốc
Vietsovpetro, tiếp ngài Anar Imanov,
Đại sứ Cộng hòa Azerbaijan tại Việt Nam.
Ảnh Đ.H.(copy từ http://www.vsp/Pages/home.aspx)
Con đường
sầm uất nhất Vũng Tàu mang tên Ba Cu vẫn còn đó. Tấm bảng đồng đầu đường không
còn nhưng người Vũng Tàu thì không quên: đó là con đường mang tên thủ đô nước Cộng
hòa Azerbaijan anh em, dù xa xôi về địa lý mà thật gần gũi nghĩa tình.
Nguyễn Xuân Lanh