Trong một buổi tối đọc báo mạng, tôi tình cờ xem được buổi Tọa đàm “Năng suất lao động – Giải pháp tăng trưởng” do Báo Lao động tổ chức. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Việt Nam được xếp vào nhóm thấp nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần, Malaysia 5 lần, Thái Lan 2,5 lần. Việt Nam là 1 trong 3 nước có năng suất lao động thấp nhất ASEAN, chỉ cao hơn Myanmar và Campuchia & thấp hơn cả Lào. Lướt qua những thống kê ấy, tôi thấy cay cay nơi sống mũi. Tự đặt ra câu hỏi: Tại sao, tại sao,….và tại sao?
Khi tiếp xúc với các con người từ những dân tộc khác nhau, mọi người đều nhận thấy người Việt Nam quả thật rất giỏi trên mọi lĩnh vực với tinh thần làm việc chăm chỉ, vô cùng thông minh sáng tạo. Sự thông minh đó giúp người Việt nắm vững lý thuyết và đưa vào ứng dụng các ý tưởng khá nhanh. Người Việt Nam đặc biệt khéo léo với thao tác của đôi bàn tay, từ việc đơn giản như dùng đũa người Việt cũng khéo hơn các dân tộc khác. Trong các công việc gia công cần sự tinh hoa tỉ mỉ, người Việt Nam làm rất tốt… với những điều kiện tiên quyết đó, chúng ta phải thuộc nhóm có năng suất lao động cao nhất chứ không phải nằm ở nhóm thấp nhất của ASEAN như hiện nay.
Về lý thuyết là thế, nhưng nhìn về thực tế chúng ta phải chấp nhận rằng người Việt Nam cũng có vô vàn khuyết điểm cần phải khắc phục trong thời gian tới.
+ Trong công việc, khả năng làm việc nhóm (team-work) còn kém. Chúng ta chỉ làm tốt công việc của mình khi làm việc độc lập còn khi vào nhóm, khả năng phối hợp với người cùng nhóm chưa được tốt và dễ có xung đột với thành viên còn lại trong nhóm.
+ Khả năng lập kế hoạch riêng và tuân thủ kế hoạch của chúng ta trong công việc chưa được tốt. Ví dụ: khi đã nhận việc và đồng ý chung sức làm nhưng sau đó làm được nửa chừng hoặc gặp trở ngại trong công việc thì lại bỏ ngang khiến các cộng sự rất khó ứng phó.
+ Chúng ta cũng chưa có khả năng tổ chức công việc tốt. Một nhóm người có thể đảm nhiệm tốt vai trò làm nhân viên nhưng sẽ rất khó để có thể chọn trong số họ làm quản lý bởi khả năng bao quát và tổ chức công việc cho toàn đội không tốt.
+ Chúng ta thường ít chịu đi cùng với công ty trong một thời gian dài mà hay có tính thích chuyển đổi công việc ngay khi họ tìm thấy cơ hội tốt hơn. Tuy nhiên, muốn gặt hái được thành quả, chúng ta phải biết kiên nhẫn bởi các công ty đánh giá cao thâm niên, kinh nghiệm và sự gắn bó của nhân viên với công ty.
+ Trong cuộc sống riêng tư, chúng ta nhận thấy đàn ông Việt Nam tụ tập chè chén nhiều quá trong khi phụ nữ làm việc quá chăm chỉ và tất nhiên chăm hơn rất nhiều so với đàn ông. Rất nhiều người phụ nữ vẫn đảm bảo về mặt tài chính nhưng công việc nhà luôn đè nặng lên đôi vai của họ.
Lãnh đạo Xí Nghiệp Khí dường như nắm bắt được những khuyết điểm cần phải khắc phục trong tương lai nên nhận dịp 50 tỷ m3 khí đã gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của mình trong USB nhỏ cam xinh xắn để truyền tải cho các CBCNV trẻ những kỹ năng & các thông điệp cụ thể.
Những người lãnh đạo luôn đi trước, trở thành bậc tiền bối cũng đã mất biết bao nhiêu thời gian mày mò tìm hiểu, tự học hỏi …và cũng luôn mong muốn lớp trẻ của XN Khí nói chung & Việt nam nói riêng, không phải mất nhiều thời gian tự mày mò để ngày càng vươn lên. Các lãnh đạo muốn truyền đạt kinh nghiệm của mình qua những sách rất hữu ích như: Cách dạy con của người do Thái & Nhật, Đắc Nhân Tâm, Lòng đố kỵ, Cách nghĩ để thành công, Quản lý công việc,… giúp cho chúng ta nắm bắt được những cách quản lý hiện đại, hiệu quả. Cách để chúng ta vươn lên hiệu quả nhất là cùng vươn lên trong một tập thể mạnh chứ không phải phải đạp lên người khác mới lên được. Chúng ta cần phải phát huy được tốt nhất những thế mạnh của người Việt Nam và hạn chế những mặt yếu kém, nhỏ nhoi làm cản trở sự phát triển của chúng ta.
Chúng ta là những CBCNV trẻ của XN Khí - một tập thể vững mạnh hãy có những lộ trình hành động sớm & cụ thể hơn nữa để có thể đưa Việt Nam lọt vào Top đầu của Khu Vực Châu Á - Thái Bình Dương. Hãy tạo tác phong làm việc chuyên nghiệp trong mắt bạn bè Quốc tế về người Việt Nam.
Là người Việt Nam, chúng ta suy nghĩ gì về 2 bức ảnh trên ?
Tác giả: Nguyễn Hoàng Nam - Kỹ sư GNR