Xin
phép được “kể lại” với quý vị về sự kiện đó nhân kỷ niệm 20 năm (17/4/1995-17/4/2015)
ngọn lửa từ dòng khí đồng hành đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ của chúng ta được thắp
lên tại Trạm tiếp nhận đầu vào Dinh Cố.
XNLD “Vietsovpetro” đã bắt dầu khai thác mỏ dầu Bạch
Hổ từ ngày 26/6/1986. Cho đến năm 1995, khí đồng hành được tách ra khỏi dầu thô,
với hệ số khí/dầu bình quân là 150 m3/tấn, buộc phải đốt bỏ ngoài biển.
Đến ngày 31/7/1990, XNLD “Vietsovpetro” đã khai thác được 3,95 triệu tấn dầu
thô và lượng khí đồng hành phải đốt bỏ là
739 triệu m3; chỉ tính riêng trong tháng 7/1990, lượng khí đốt bỏ đã
là 13,7 triệu m3 kèm theo 722 tấn condensate. Ngoài mỏ Bạch Hổ, trong khu vực bể Cửu Long cũng
phát hiện mỏ Rồng và nhiều cấu tạo có triển vọng chứa dầu khí lớn... Nếu không
có biện pháp sớm thu gom và sử dụng, thì cùng với sự gia tăng khai thác dầu, lượng
khí đồng hành phải đốt bỏ sẽ ngày càng lớn, gây lãng phí tài nguyên và làm ô
nhiễm môi trường. Do đó, ý tưởng thu gom, vận chuyển khí đồng hành vào bờ và sử
dụng cho nền kinh tế quốc dân đã hình thành
Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 07/7/1988 của Bộ Chính
trị nhấn mạnh: Nhanh chóng lập phương án
trước năm 1995 sử dụng khí đồng hành mỏ Bạch Hổ và các mỏ khác để sản xuất phân
đạm, phát điện và phục vụ đời sống nhân dân. Tại kỳ họp XI Hội đồng XNLD
“Vietsovpetro” ngày 21/10/1989, Phía Việt Nam chính thức đề nghị được sử dụng
khí đồng hành từ các mỏ của XNLD “Vietsovpetro” mà không phải trả tiền. Ngày
12/12/1990, sau một thời gian dài đàm phán, hai Phía việt Nam và Liên Xô đã ký
Nghị định thư liên Chính phủ Việt-Xô, quy định: “từ ngày 01/01/1991, khí đồng hành lấy lên trong quá trình khai thác dầu
ngoài việc sử dụng cho các nhu cầu công nghệ khai thác sẽ được giao cho Bên Việt
Nam tại mỏ không phải trả tiền”. Sự kiện này đã tạo cơ sở để triển khai các
bước tiếp theo về sử dụng khí đồng hành
mỏ Bạch Hổ.
Ban đầu do chưa có năng lực và kinh nghiệm thực tế,
Tổng Công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam được Hội đồng Bộ trưởng cho phép mời
các công ty nước ngoài tham gia liên doanh lập Dự án phát triển và sử dụng khí
thiên nhiên ở Việt Nam.
Sau khi tìm hiểu các đề án của trên 30 công ty nước
ngoài, Công ty Khí đốt Việt Nam đã phối hợp với Viện Nghiên cứu khoa học và Thiết
kế dầu khí biển (НИПИ) thuộc XNLD “Vietsovpetro” và Viện Thiết kế Bộ Thương mại
tiến hành lập Luận chứng kinh tế-kỹ thuật cho Hệ thống thu gom và vận chuyển
khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ đến các hộ tiêu thụ trên đất liền. Chủ nhiệm dự án
là Tiến sỹ IU.S. Oseredko, Chánh Kỹ sư НИПИ (và các đồng sự Lâm Quang Chiến,
Cao Tùng Sơn, Lê Quang Dũng...).
Bản luận chứng kinh tế-kỹ thuật ban đầu này là sơ bộ
và chưa đầy đủ. Mặc dù vậy, đây là tài liệu hết sức quan trọng, là cơ sở để
chính phủ Việt Nam ra quyết định đầu tư Hệ thống thu gom và vận chuyển khí Bạch
Hổ-Thủ Đức, là căn cứ để Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam triển khai thực hiện dự
án, tạo tiền đề cho việc phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam.
Để sớm đưa khí vào bờ, được sự cho phép của Thủ tướng
Chính phủ, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam đã quyết định thực hiện dự án “Hệ thống
thu gom và vận chuyển khí Bạch Hổ-Thủ Đức” theo giai đoạn và đưa vào sử dụng từng
phần. Căn cứ vào nguyên tắc thực hiện đó, Dự án đã được chia thành các dự án
thành phần sau:
-
Đường ống Bạch Hổ-Bà Rịa hay công trình sớm đưa khí vào bờ (fast-track);
-
Đường ống Bà Rịa-Phú Mỹ;
-
Đường ống Phú Mỹ-Thành phố Hồ Chí Minh;
-
Giàn nén khí Trung tâm mỏ Bạch Hổ;
-
Nhà máy xử lý khí Dinh Cố;
-
Kho cảng Thị Vải.
Công trình sớm đưa khí vào bờ dựa trên nguyên lý sử
dụng áp suất vỉa đưa 1 triệu m3 khí/ngày-đêm vào bờ, khi chưa có
giàn nén khí ngoài mỏ, để cung cấp cho nhà máy điện tuốc-bin khí Bà Rịa.
Sau hơn một năm xây dựng đường ống ngầm dài 106,5 km
từ mỏ Bạch Hổ đến bờ biển Long Hải do Tập đoàn Hyundai Industries Hà Quốc tổng
thầu xây dựng hoàn thành.
Nguồn khí đồng hành (chủ yếu từ vòm Nam) áp suất 34
bar, nhiệt độ 60oC của mỏ Bạch Hổ được gom về giàn Công nghệ trung
tâm số 2, chuyển theo đường ống trên cầu dẫn ra giàn ống đứng (Riser block) để
vào đường ống ngầm về bờ.
Ngày
17/4/1995 khí đồng hành thu gom từ mỏ Bạch Hổ đã về đến trạm phân phối khí Bà Rịa,
sẵn sàng cung cấp khí cho nhà máy điện Bà Rịa.
Nhà máy điện Bà Rịa phát ra dòng điện bằng khí đầu
tiên hòa vào lưới điện quốc gia vào lúc 14:00 ngày 26/4/1995.
Với nguồn khí thiên nhiên này, Nhà máy nhiệt điện Bà
Rịa đã chấm dứt thời kỳ sử dụng dầu diesel tốn kém (từ 7/1992); nâng công suất
từ 121, 8 MW với 4 tổ máy lên 271,8 MW với 8 tổ máy
phát điện, góp phần đặc biệt quan trọng vào việc đảm bảo năng lượng cho chuỗi
các khu công nghiệp miền Đông Nam bộ. Hiện nay sản lượng điện do Nhà máy nhiệt
điện Bà Rịa sản xuất chiếm khoảng 3,5% tổng sản lượng điện của cả nước.
Nguyễn Xuân Lanh
Bài viết sử dụng tư
liệu từ “Lịch sử ngành dầu khí Việt Nam”, tập II,
NXB Chính trị quốc
gia-Sự thật, Hà Nội 2011