Những ngày đầu, khi chúng tôi còn đang đọc tài liệu vận hành
giàn nén khí Trung tâm trong đất liền, Valeri thường diện bộ đồ tươm tất, có thắt
cà vạt hẳn hoi. Ông thường xuyên thắt cái cà vạt màu đỏ.
Là một chuyên gia về tuốc-bin khí, Valeri có rất nhiều kinh nghiệm
vận hành. Tuy nhiên với tuốc-bin khí (gas turbine) của hãng Solar (USA) thì ông
chưa được làm quen. Một phần vì tài liệu bằng tiếng Anh, phần vì gặp công nghệ
mới nên giai đoạn đầu Valeri khá vất vả.
Đầu tháng 5/1997, chúng tôi bắt đầu ra giàn làm việc. Khi ấy
giàn đang hoàn thiện các khâu xây lắp (hook-up) để chuẩn bị chạy thử
(commissioning). Anh em cán bộ, kỹ sư ăn nghỉ dưới tàu dịch vụ SAMEX của
Malaysia do nhà thầu SAMSUNG thuê. Ban ngày lên giàn làm việc, Valeri thường cố
gắng tiếp cận thiết bị và chuyên gia của hãng. Ông chật vật nói tiếng Anh với họ.
Sau khi first-gas là những ngày chúng tôi cực kỳ vất vả, phần vì máy nén liên tục
bị shut-down, phần vì sức ép từ trong bờ, thậm chí từ tận Hà Nội. Valeri chạy
đôn chạy đáo, quần áo lấm lem cả ngày ...
Hè năm 1998, sau chuyến về Nga nghỉ phép sang, Valeri có đem
theo một chân dung Bác Hồ được đính lên tấm gỗ quý. Ông treo trang trọng ở nơi
làm việc. Anh em người Việt trên giàn ngạc nhiên nhưng cũng ngại hỏi ông.
Ngày 22/12 năm ấy, những người từng tham gia quân đội trên giàn
họp mặt. Tôi có đeo Huy hiệu Cựu chiến binh, trên đó có hình Bác Hồ. Valeri thấy.
Hôm sau ông bảo tôi: anh có biết bức chân dung Hồ Chí Minh của tôi ở đâu ra
không. Tất nhiên là tôi không biết nên lắc đầu. Ông thận trọng tháo bức chân
dung xuống, lật mặt sau lên cho tôi xem. Thật ngạc nhiên, đằng sau bức chân
dung vẫn còn dán một tờ giấy pơ-luya mỏng, trên đó có đòng chữ tiếng Việt được
viết tay nắn nót: Thân tặng ....
Không để tôi kịp hỏi, Valeri chậm rãi nói: đây là kỷ vật của cha tôi, trong thời
gian từ 1965-1968 ông là chuyên gia nông nghiệp ở Nông trường Quốc doanh Đồng
Giao, Ninh Bình. Năm 1968 khi hết nhiệm kỳ công tác về nước, ông được lãnh đạo
Nông trường tặng cho bức chân dung này. Valeri bảo, bức chân dung bằng hợp kim
nhôm, đúc từ mảnh máy bay Mỹ bị bộ đội Việt Nam bắn rơi. Nay tôi nói với anh vì
anh từng là bộ đội.
Mặt sau của bức chân dung:
“Thân tặng
Để kỷ niệm những ngày
công tác tại Nông trường Quốc doanh Đồng Giao
Ninh Bình, Việt Nam
Bí thư Đảng ủy
Trương Đình Tần
2-10-(19)68”
Năm 2005 Valeri Mikhainovich Rybine về nước. Ca biển cuối cùng
trước khi chia tay, Valeri sang phòng tôi. Sau câu chuyện tâm tình, ông cẩn thận
trao cho tôi bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và nói: tôi nhờ anh giữ giúp kỷ
vật này. Tôi cầm bức chân dung mà thấy lòng mình ấm một thứ cảm xúc giống như lần
đầu được đội chiếc mũ có đính sao.
Mười năm qua tôi trân trọng giữ gìn bức chân dung Bác Hồ và đặt
nó ở một vị trí trang trọng trong nhà tôi cùng với những kỷ vật của gia đình.
Nguyễn Xuân Lanh
nguyên Giàn trưởng giàn nén khí Trung tâm