tin tức - sự kiện

BỨC TƯỢNG TRÊN LỐI VÀO BẢO TÀNG CHIẾN TRANH SEOUL

11/2/2015 10:49:28 PM
Đoàn cựu chiến binh Vietsovpetro thăm Bảo tàng Chiến tranh Seoul, Hàn Quốc vào một chiều thu muộn. Bên phải lối vào, trên gò xi măng tựa như một nấm mồ, là bức tượng hai người lính mặc đồ trận - một là lính Hàn Quốc và một là lính Mỹ. Người lính Hàn nhỏ bé gần như gần gục hẳn vào lòng người lính Mỹ cao lớn đang ra dáng che chở.​

 
  ​Bức tượng gợi cho chúng tôi, những người lính một thời, ký ức về đội quân Pắc Chung Hy (Park Chung Hee) khét tiếng tàn bạo, mang danh đồng minh của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa (mà thực chất là lính đánh thuê), đến tham chiến ở miền Nam Việt Nam. Theo thống kê sau chiến tranh, từ 1965 đến 1973, Đại Hàn Dân quốc đã đưa khoảng 300.000 lượt quân sang Việt Nam. Đó là đội quân nhà nghề, được huấn luyện và trang bị đồ Mỹ vào hạng nhất lúc bấy giờ. Trong thời gian chưa đến 10 năm có mặt tại chiến trường, họ đã gây ra biết bao tội ác man rợ với dân thường khắp miền Nam Việt Nam. Theo giáo sư người Hàn Quốc Heonik Kwon, tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam, đã có trên 43 vụ thảm sát đẫm máu do binh lính Hàn Quốc thực hiện được ghi nhận, trong đó có ít nhất 13 vụ giết trên 100 người. Cho đến nay, nhiều CCB Hàn từng tham chiến ở Việt Nam đã quay lại nơi họ đã gây tội ác để sám hối và làm từ thiện. Mặc dù vậy, nhà nước Hàn Quốc vẫn chưa có một lời xin lỗi chính thức nào đối với nhân dân Việt Nam.

  Cuộc chiến khốc liệt trên chiến trường Việt Nam đã cướp đi sinh mạng của hơn 4000 binh lính Hàn Quốc; hàng chục nghìn người lính khác mang thương tật suốt đời và hầu như tất cả những người lính viễn chinh ấy, nếu còn sống, đều bị nỗi ám ảnh tội ác giày vò. Tuy nhiên, với đất nước Hàn Quốc, họ lại là người có công vì đã mang về một lượng tiền khổng lồ, hàng tỷ USD, cùng với rất nhiều cơ hội làm ăn cho nền kinh tế Hàn Quốc khi ấy. Có  thể nói không ngoa rằng, nền tảng cho sự phát triển kinh tế Hàn Quốc hiện nay một phần không nhỏ được xây dựng từ chính máu của những người lính đánh thuê ở chiến trường Việt Nam (*).

  Những người cựu chiến binh Việt Nam đi qua bức tượng. Không ai nói điều gì. Một đoàn các cháu thiếu nhi mặc đồng phục của một trường học nào đó ríu rít đi qua cất tiếng chào: Annyeong Haseyo. Người hướng dẫn viên du lịch chào lại, còn những người lính VC một thời thì giơ tay, cũng là chào, theo thói quen nhà binh.

   Thu đang sang, lá cây bắt đầu vàng và tiết trời hơi se lạnh, nhưng ánh nắng vàng muộn vẫn đủ lung linh một sắc hòa bình.


Nguyễn Xuân Lanh

(*): http://world.kbs.co.kr/vietnamese/archive/program/pr​ogram_trendkorea.htm?no=106651

 
10/1/2015 9:22:27 PM
  • MỘT NGƯỜI XÔ-VIẾT CHÂN CHÍNH
    10/1/2015 9:22:27 PM

  • 10/1/2015 9:20:47 PM
  • KHÍ VÀ ĐẠM
    10/1/2015 9:20:47 PM

  • 9/18/2015 1:55:31 AM
  • "TỔ CHỨC GỐC RỄ CỦA ĐẢNG LÀ CHI BỘ"
    9/18/2015 1:55:31 AM

  • 9/18/2015 1:40:39 AM
  • LEO NÚI MỪNG NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ
    9/18/2015 1:40:39 AM

  • 9/18/2015 1:23:23 AM
  • GIẢI TENNIS MỪNG XUÂN
    9/18/2015 1:23:23 AM

  • Tin nổi bật