Ông Lê Đức Khương - Phó giám đốc Vietsovpetro Gas - kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu hoạt động của xí nghiệp. Đó là vào cuối năm 1995, đầu 1996 khi xí nghiệp chuẩn bị nhân lực cho các giàn nén khí đi vào hoạt động; Vietsovpetro đã phải cử cán bộ sang Cộng hòa Liên bang Nga, Cộng hòa Azerbaijan và Cộng hòa Ukraina để tuyển người. Ở trong nước, Trưởng phòng Cán bộ Vietsovpetro và đích thân Giám đốc Xí nghiệp Khí trực tiếp đến dự lễ bảo vệ tốt nghiệp của ĐH Bách khoa TP HCM và ĐH Bách khoa Hà Nội để tuyển những sinh viên ưu tú nhất. Trong nội bộ Vietsovpetro, nguồn cán bộ, kỹ sư, thợ lành nghề thì được tuyển chọn chủ yếu từ Xí nghiệp Khai thác Dầu khí và Xí nghiệp Cơ điện.
Khi đã tuyển được người, kế tiếp là công tác đào tạo, tập huấn nhân viên vận hành được đặc biệt quan tâm. Hàng loạt các khóa đào tạo ở các nước có nền công nghiệp khí phát triển như Nga, Mỹ, Ấn Độ, Ý… dành cho cán bộ kỹ sư được tổ chức liên tục từ cuối năm 1996. Cùng thời kỳ đó, các giàn nén khí được xây lắp tại mỏ Bạch Hổ (giàn nén khí nhỏ) và tại Koje Hàn Quốc (giàn nén khí trung tâm). Những kỹ sư, chuyên gia được gửi đi giám sát thiết kế, xây lắp và học tập tại chỗ có đến hàng chục người. Chính họ và đội ngũ chuyên gia các hãng đến từ các quốc gia có nền công nghiệp khí phát triển đã hình thành nên phong cách làm việc khoa học, chuyên nghiệp sau này cho tập thể lao động Vietsovpetro Gas.
Những chuyên gia ngày ấy đến nay hầu hết đã trưởng thành, đảm nhận các chức danh lãnh đạo chủ chốt tại Vietsovpetro cũng như các đơn vị khác thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Giai đoạn khó khăn, gian khổ nhất của đội ngũ CBCNV làm việc trên các giàn nén khí có lẽ là vào những năm đầu tiên vận hành giàn, giai đoạn 1997-1999. Ông Khương, khi đó là kỹ sư vận hành kể rằng ở giàn nén khí Trung tâm, đôi khi việc dùng cơm đúng bữa thôi cũng là điều không tưởng khi mà bát cơm vừa bưng lên là chợt nghe tiếng rít đinh tai như máy bay phản lực sà thấp, kèm theo đó là ánh lửa từ đuốc giàn Công nghệ Trung tâm số 2 (CNTT) sáng rực lên cả một vùng biển. Đó là hiện tượng khi máy nén dừng sự cố, khí phải đưa ra đuốc đốt bỏ. Lúc đó, mọi người lại phải buông bát gấp rút chạy sang giàn để khắc phục. Có nhiều hôm trầy trật đến tận khuya vẫn chưa thể đưa hệ thống hoạt động trở lại, anh em phải tạm thời chống đói bằng những bát mì tôm để duy trì công việc.
Đó là cái khổ ở giàn nén khí lớn, còn ở bên giàn nén khí nhỏ, do thiếu đồng bộ trong thiết kế và xây lắp nên độ rung cơ khí rất cao, cùng với tiếng ồn khủng khiếp từ các động cơ chạy khí làm cho công tác vận hành và sửa chữa trở thành một cực hình. Nhất là vào những ngày mưa bão hay mùa gió chướng, thợ vận hành phải khoác áo bạt phơi mình chịu ướt lạnh ngoài giàn. Đã có người không chịu nổi sự cực nhọc, khắc nghiệt mà xin chuyển đi nơi khác…!
Không chỉ thời điểm đó, tính chất đặc thù của công việc vận hành trên giàn nén khí luôn là vất vả và đặc biệt là nguy hiểm. Các công nhân, kỹ sư vận hành phải làm việc trong một môi trường chật trội và vô cùng ồn ào bởi những thiết bị dẫn động; họ làm việc bên cạnh những thiết bị, đường ống có áp suất khí rất cao, lên đến 100 - 125 át-mốt-phe, hiểu nôm na là họ đang làm việc bên cạnh những quả bom. Nguy hiểm hơn cả có lẽ là môi trường làm việc, đó là môi trường khí độc hại.
Anh Lâm Quang Nam (SN 1976) - Giàn phó giàn nén khí trung tâm kể rằng, cứ sau mỗi lần sửa chữa, bảo dưỡng là anh em lại bị ốm, người thì khàn cổ, người thì mệt mỏi rã rời; lý do, một phần vì họ làm việc vất vả suốt 12 giờ/ca lại vừa hít phải khí. Nhưng theo anh Nam thì việc công nhân, kỹ sư vận hành hít phải khí, dù ít hay nhiều đều không thể nào tránh khỏi, cho dù họ hạn chế tiếp xúc và được bảo hộ ra sao.
Vất vả và nguy hiểm hơn có lẽ là những công nhân, kỹ sư làm vệ sinh trong các bồn xử lý khí. Họ phải được trang bị thiết bị thở cách ly bởi trong đó toàn khí độc, chỉ cần một sơ suất nhỏ, khí độc sẽ khiến họ mãi mãi không thể bước ra ngoài! Chưa kể là có những lúc người thợ phải đu mình làm việc cheo leo phía ngoài biển để bảo dưỡng thiết bị. Khi đó, chỉ cần một chút bất cẩn, họ có thể rơi xuống biển cả mênh mông mà không thể nào tìm thấy được!
Ông Lê Đức Khương, Phó giám đốc Vietsovpetro Gas
Cuối cùng, mối nguy hiểm bậc nhất trên các công trình khí là rò khí. Hãy thử tưởng tượng là với hệ thống đường ống dẫn khí áp suất cao nằm san sát nhau, khi rò khí và chỉ cần một mồi lửa nhỏ là tất cả sẽ bị thổi tung… Về mặt lý thuyết, chỗ nào rò khí thì khắc phục ngay chỗ đó. Nhưng khó khăn ở chỗ là rò khí rất khó phát hiện và khắc phục chứ không như rò dầu, nhất là mức độ rò nhỏ mà máy chưa nhận biết được. Cho nên trong lúc vận hành, chỉ tính riêng việc làm sao để đảm bảo an toàn, phòng ngừa rò khí thôi cũng là một vấn đề nan giải, khiến các anh kỹ sư… đau đầu!
Đối với khai thác dầu hay khí cũng vậy, nhiều người ngoài nghề chưa hiểu hẳn sẽ bảo đó là tài nguyên có sẵn dưới đất, chỉ cần hút lên rồi bán! Song, mấy ai hiểu được rằng chỉ với chữ “hút lên” thôi, cũng cần phải đổ xuống biết bao tiền của, mồ hôi, công sức của người dầu khí; họ phải làm việc vất vả, trong điều kiện hiểm nguy, đôi khi đánh đổi cả sức khỏe và tính mạng của mình vì sự nghiệp chung của ngành.
Chúng tôi đã vài lần đi giàn, từng chứng kiến cảnh làm việc của anh em công nhân, kỹ sư vận hành trên giàn nén khí trong đêm khuya vắng, cảm nhận được phần nào sự nhọc nhằn của nghề này. Mỗi ca trực có khoảng 8 người trực tiếp vận hành máy móc trên giàn, họ phải liên tục kiểm tra và xử lý một lượng lớn thông tin, số liệu; tất cả phải chính xác tuyệt đối để đảm bảo máy vận hành được an toàn. Do giàn có nhiều nguồn đầu vào, đầu ra nên chỉ cần một thay đổi nhỏ không được phát hiện, kiểm soát kịp thời thì có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Giàn nén khí Trung tâm có tất cả 7 tầng, theo nhẩm tính thì nếu đi từ sàn lên tầng 7 là khoảng 1km. Đó là chưa kể di chuyển xung quanh các tầng để kiểm tra! Cho nên, một người vận hành trên giàn nén khí phải di chuyển cỡ 5-7km trong mỗi ca trực không phải là điều đáng ngạc nhiên!
Nhưng theo Giàn phó Lâm Quang Nam thì đó chưa phải là vất vả lớn đối với anh em, mà sức ép lớn nhất ở chỗ, làm sao để máy chạy an toàn liên tục, không bị dừng. Áp lực này khủng khiếp hơn theo thời gian khi máy móc càng nhiều tuổi, hay “ốm đau, dặt dẹo”. Được biết là đến nay máy đã vận hành 21 năm, trong khi thời gian thiết kế là 25 năm!
Cũng phải nói thêm rằng, các kỹ sư vận hành phải đảm bảo máy chạy liên tục là vì giàn nén khí trung tâm hiện đang là đầu mối, là nút tập kết của rất nhiều nguồn khí từ các mỏ, hiện có hơn 10 nguồn. Nếu như có sự cố phải dừng máy thì toàn bộ các nguồn khí từ các mỏ kia một là phải dừng khai thác, hoặc là phải đốt bỏ toàn bộ (nếu đó là khí đồng hành). Đó là tính ở đầu nguồn, còn đối với cuối nguồn thì việc dừng máy cũng đồng nghĩa với hoạt động sản xuất, năng lượng trên bờ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bởi như đã nói, nguồn khí nén tại đây được đưa về bờ theo đường ống, cung cấp cho Cụm Công nghiệp Khí - Điện - Đạm Bà Rịa - Phú Mỹ, Nhơn Trạch…
Mấy năm gần đây, do ảnh hưởng của giá dầu giảm sâu nên ngành khí cũng bị ảnh hưởng lớn; chủ trương cắt giảm nhân sự, tiết kiệm chi phí khiến khối lượng công việc và áp lực công việc của anh em trên giàn tăng lên nhiều lần. Mỗi người công nhân, kỹ sư vận hành nay đã được đào tạo trở thành những CBCNV đa năng, họ có thể làm thêm nhiều công việc khác như bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ, đảm nhiệm thêm nghề khác.
Tác giả trên giàn nén khí trung tâm mỏ Bạch Hổ
Anh Nam kể, anh em làm việc vất vả hơn rất nhiều nhưng ai nấy cũng đều hiểu rằng, đây là giai đoạn khó khăn chung của ngành, của đơn vị, bản thân phải có trách nhiệm chung tay cố gắng cùng đơn vị vượt qua. Bằng chứng là trong năm 2016, Vietsovpetro Gas là xí nghiệp đứng đầu về doanh thu dịch vụ ngoài của Vietsovpetro và cũng là xí nghiệp có nhiều sáng kiến sáng chế mang lại hiệu quả kinh tế tích cực nhất trong Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro.
Ngọn lửa Biển Đông - ngọn lửa trên những công trình dầu khí ngoài khơi và phía sau ngọn lửa đó là biết bao mồ hôi, công sức của người Dầu khí đang ngày đêm đóng góp sức mình để đảm bảo cho nền an ninh năng lượng của đất nước. Với chúng tôi, những ngọn lửa bừng sáng ngoài khơi ấy cũng chính là ngọn lửa của lòng nhiệt huyết, sự cống hiến của thế hệ trẻ Việt Nam trên những công trình dầu khí hôm nay. Những ngọn lửa ấy sẽ không bao giờ tắt!
Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23-7-2015 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035” khẳng định quan điểm công nghiệp khí và chế biến dầu khí là 2 trong 5 lĩnh vực chính trong chiến lược. Mục tiêu mà Bộ Chính trị đề ra là: “Xây dựng công nghiệp khí hoàn chỉnh, đồng bộ ở tất cả các khâu: Khai thác - thu gom - vận chuyển - chế biến - xuất nhập khẩu - dự trữ - phân phối sản phẩm khí; Giảm dần tỷ trọng sử dụng khí cho điện và chất đốt, tăng cường cho chế biến sâu; Đẩy mạnh việc tích hợp, tổ hợp lọc - hóa dầu với các nguồn khí tự nhiên khai thác nhằm nâng cao hiệu quả công trình, dự án đã đầu tư và phát triển các dự án mới cả về quy mô, mức độ chế biến sâu có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế”.
Tại Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 16-1-2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035”, trong đó yêu cầu phát triển lĩnh vực hóa dầu từ khí, tăng cường đầu tư chế biến sâu khí thiên nhiên để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm khí; tạo ra các nguyên, nhiên, vật liệu để phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp trong nước, hướng tới xuất khẩu…
Tác giả: Lê Trúc - Nguồn: http://petrovietnam.petrotimes.vn