Điều đó hoàn toàn đúng nhưng chưa đủ, vì khí thiên nhiên còn là nguồn nguyên liệu lý tưởng cho ngành công nghiệp hóa chất, trong đó sản phẩm phân bón (đạm) có một vị trí vô cùng quan trọng - nó là vế thứ hai khi nói về tầm quan trọng của ngành công nghiệp khí đốt: Đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Chuyện là, nhu cầu phân đạm cho trồng trọt ở một nước nông nghiệp là chính như Việt Nam rất lớn. Trước năm 1975, ở miền Bắc, Nhà máy phân đạm sử dụng nguyên liệu khí than (để sản xuất amoniac) Hà Bắc do Trung Quốc viện trợ đã hoàn thành xây lắp, đang chạy thử thì bị đế quốc Mỹ ném bom phá hoại, phải tháo dỡ một phần thiết bị công nghệ chuyển về Trung Quốc. Sau Hiệp nghị Paris 1973 mới khôi phục lại, nhưng sản phẩm urê (urea) chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu nội địa, còn lại vẫn phải nhập khẩu. Khi giếng khoan 102 tại Cồn Đen (Xuân Thủy, Nam Định) phát hiện khí thiên nhiên áp suất cao, một dự án sản xuất phân đạm từ khí, dự kiến 600 tấn amoniac/ngày đặt tại Núi Đính (Ninh Bình) do Liên Xô giúp đỡ được hình thành; thậm chí việc khảo sát tuyến ống dẫn khí Giao Thủy-Ninh Bình-Núi Đính đã được tiến hành. Tuy nhiên, Dự án buộc phải dừng lại vì … không có khí. Vì vậy, khi XNLD “Vietsovpetro” bắt đầu khai thác thương mại mỏ dầu Bạch Hổ năm 1986, thì ý tưởng xây dựng nhà máy phân đạm dùng nguyên liệu là khí đồng hành thoát ra trong quá trình khai thác dầu, lại trỗi dậy…
Nhà máy phân đạm Phú Mỹ
Ngày 4/7/1995, theo đề xuất của Tổ hợp các công ty EVN, Vinachem, Vigecam, Petrovietnam cùng các đối tác nước ngoài BP, BHP, Staoil... Thủ tướng Chính phủ đã cho phép tiến hành nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Liên hợp điện-đạm tại Phú Mỹ (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Liên hợp gồm một nhà máy điện công suất 650 MW, tiêu thụ lượng khí khoảng 780 triệu m3 khí/năm, theo phương thức BOT; và một nhà máy phân đạm công suất 740.000 tấn urea/năm, sử dụng công nghệ của hãng Haldor Topsoe (Đan Mạch) để sản xuất khí Amoniac và công nghệ sản xuất phân urea của hãng Snamprogetti (Italy). Đây là các công nghệ hàng đầu trên thế giới với dây chuyền hiện đại, khép kín, nguyên liệu chính đầu vào là khí thiên nhiên (với mức tiêu thụ 540 triệu m3 khí/năm), không khí và đầu ra là ammoniac và urea.
Sau gần 3 năm xây dựng, ngày 25/12/2003, Nhà máy phân đạm Phú Mỹ bắt đầu nhận khí chạy thử. Ngày 4/6/2004, có sản phẩm urea đầu tiên và đến tháng 02/2015: Nhà máy cán mốc sản lượng 8 triệu tấn, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu phân đạm của cả nước, cùng với hệ thống các nhà máy phân đạm khác (Nhà máy phân đạm Hà Bắc, Nhà máy phân đạm Cà Mau) góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia.
Như vậy, với sự khởi đầu từ nguồn khí đồng hành thu gom được từ quá trình khai thác dầu của mỏ Bạch Hổ của Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro, cả một nền công nghiệp sử dụng khí đốt đã hình thành và không ngừng phát triển, hiện thực hóa được Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 07/7/1988, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam: “… sử dụng khí đồng hành mỏ Bạch Hổ và các mỏ khác để sản xuất phân đạm, phát điện và phục vụ đời sống nhân dân”.
Có một điều lý thú, vị Giám đốc trực tiếp tiếp nhận Nhà máy Phân đạm Phú Mỹ và làm ra mẻ urea đầu tiên chính là Kỹ sư Cao Tùng Sơn, người đã trực tiếp tham gia xây dựng “Luận chứng kinh tế-kỹ thuật cho Hệ thống thu gom và vận chuyển khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ đến các hộ tiêu thụ trên đất liền” năm 1991 (xin xem lại bài viết “Fast-track, công trình sớm đưa khí vào bờ” đăng trên Bản tin Vietsovpetro số 59 quý II/2015). Tháng 5/2004, ông Cao Tùng Sơn, khi đó đang là Giám đốc XNKT các CT Khí của XNLD “Vietsovpetro”, được Tổng giám đốc Petro Việt Nam điều sang làm Giám đốc Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Năm 2009, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đưa nhà máy phân đạm đầu tiên của Việt Nam sử dụng nguyên liệu khí thiên nhiên đi vào sản xuất ổn định, ông Cao Tùng Sơn được điều trở lại công tác tại XNLD “Vietsovpetro”. Hiện ông Cao Tùng Sơn là Phó Tổng Giám đốc Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro.
Nguyễn Xuân Lanh
Bài viết sử dụng tư liệu từ “Lịch sử ngành dầu khí Việt Nam”, tập II,
NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội 2011