Ngày 16/2 vừa qua, Saudi Arabia, Venezuela, Qatar và Nga đồng ý đóng băng sản lượng dầu mỏ ở mức của ngày 11/1. Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia Ali al-Naimi tuyên bố đóng băng sản lượng chỉ là bước đi đầu tiên, vài tháng tới còn phải đánh giá xem có cần phải áp dụng thêm các biện pháp khác hay không. Tin tức loan đi, giá dầu cùng ngày lập tức tăng hơn 6%, vượt mốc 35 USD/thùng. Những hôm sau đó, nhận thức chung của các nước sản xuất dầu lớn nêu trên tiếp tục trở thành động lực để giá dầu nối dài đà hồi phục.
Dự kiến vào ngày 17/4 tới, 15 nước sản xuất dầu trong, ngoài OPEC (chiếm 73% tổng sản lượng dầu mỏ toàn cầu) sẽ nhóm họp tại Thủ đô Doha của Qatar để đưa ra quyết định cuối cùng về việc đóng băng sản lượng. Một số chuyên gia cho rằng riêng việc ngồi lại với nhau thảo luận vấn đề sản lượng, các nước sản xuất dầu đã thuyết phục thành công thị trường rằng từ nay chuyện quản lý nguồn cung ứng dầu sẽ không còn là chủ đề cấm kỵ nữa.
Bên cạnh đó, từ 4 nước ban đầu hiện đã có 15 nước tham gia thảo luận vấn đề đóng băng sản lượng, cho thấy ngày càng có thêm nhiều quốc gia sản xuất dầu cảm nhận được tính bức thiết phải phối hợp kích thích giá dầu đi lên. Thực tế này làm rõ hơn nhận định của Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Namadar Zanganeh rằng dù là về dài hạn hay ngắn hạn, giá dầu thấp đều không có lợi cho phát triển kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, nếu bình tâm suy xét sẽ thấy con đường đi tới quyết định đóng băng sản lượng không hề suôn sẻ. Ban đầu, theo một quan chức cấp cao Nigeria, thời gian nhóm họp là vào ngày 20/3, nhưng sau đó lại bị đẩy lùi gần một tháng. Ngoài lịch trình khó sắp xếp, vấn đề thời gian đóng băng sản lượng cũng là cản trở lớn. Hồi tháng 2, Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela Eulogio del Pino mong muốn hành động đóng băng sản lượng chỉ nên kéo dài tới mùa hè này, nhưng sau đó Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak lại cho rằng cần phải đóng băng sản lượng trong một năm.
Quan trọng hơn, ông Novak tiết lộ với hãng tin Reuters (Anh) rằng cuộc đàm phán tới đây chỉ bàn về vấn đề đóng băng sản lượng chứ không đề cập tới việc xuất khẩu dầu mỏ. Trong khi đó, vào tháng sau, Nga sẽ xuất khẩu sang châu Âu 7 triệu tấn dầu, tăng 9% so với mức 6,41 tấn của tháng 3 và là mức cao nhất kể từ tháng 10/2013. Một khi quyết định đóng băng chỉ liên quan tới lượng dầu sản xuất ra, không có tính ràng buộc với lượng dầu xuất khẩu, mức độ ảnh hưởng tới sự hồi phục của giá dầu chắc chắn sẽ không như kỳ vọng ban đầu.
Nếu đặt lỗ hổng này bên cạnh thời gian được chọn làm thời điểm đóng băng, tương lai giá dầu càng thêm ảm đạm. Tại sao vậy? Số liệu của Tổ chức Sáng kiến Dữ liệu chung (JODI) cho thấy xuất khẩu dầu của Saudi Arabia tiếp tục tăng, từ mức 7,49 triệu thùng trong tháng 12/2015 lên mức 7,84 triệu thùng của tháng 1/2016, cao nhất kể từ tháng 3/2015. Ngoài Nga và Saudi Arabia, xuất khẩu dầu của các nước sản xuất dầu khác như Iraq, Iran, Kuwait… cũng đều tăng.
Có lẽ vì vậy nhiều chuyên gia cho rằng nhận nhức chung về việc đóng băng sản lượng gần như không có ý nghĩa thực tế, thậm chí là “trò hề”. Mục đích của hành động này là nhằm kích thích giá dầu hồi phục, nhưng trên thực tế lại không đưa ra bất cứ hạn chế nào đối với nguồn cung. Rốt cuộc, tăng trưởng về xuất khẩu dầu có thể vẫn làm tổng cung dầu toàn cầu tăng lên. Đó là chưa nói đến việc sản lượng của các nước sản xuất dầu trong tháng 1/2016 gần như đã đạt đỉnh.
Hạnh Ngọc - Báo Tin Tức