Từ khi chính thức thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam (1975), ngành Dầu khí có khoảng 2.000 người, đến nay có khoảng 42.000 cán bộ, công nhân viên. Trong đó, giai đoạn 2006 đến nay là giai đoạn ngành Dầu khí phát triển mạnh mẽ nhất. Cùng với việc tiếp tục duy trì và gia tăng hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí ở trong nước và mở rộng ra nước ngoài, PVN đã phát triển hàng loạt các lĩnh vực hoạt động mới như điện lực, lọc hóa dầu, phân phối, chế biến sản phầm dầu, khí, các dịch vụ kỹ thuật, tài chính, bảo hiểm, xây lắp… theo đó số lượng lao động trong ngành cũng gia tăng mạnh mẽ. Lao động của ngành Dầu khí được đào tạo hệ thống và ở cấp độ đào tạo cao hơn so với mặt bằng chung. Tỷ lệ lao động qua đào tạo dài hạn đạt xấp xỉ 90%, tỷ lệ lao động có trình độ đại học và trên đại học cũng vượt trội với toàn bộ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, điều hành có trình độ đại học trở lên và trong đó khoảng 20% có trình độ trên đại học.
Đặc biệt, lực lượng lao động PVN được đánh giá là đang vào độ chín và ngày càng trẻ hóa. Theo thông tin từ Ban Tổ chức Nhân sự PVN, khoảng 2/3 lao động có độ tuổi dưới 40 và 1/3 có độ tuổi từ 40 trở lên, tuổi bình quân của toàn ngành vào khoảng 34,5 tuổi. Sự phân bổ độ tuổi hiện tại vừa đảm bảo kinh nghiệm được tích lũy của người lao động, vừa có khả năng tiếp nhận các công nghệ và kỹ năng mới. Chính vì vậy, PVN đã xây dựng được đội ngũ những người làm dầu khí hùng hậu, có trình độ cao, từng bước làm chủ các hoạt động dầu khí ở trong và ngoài nước. Với trình độ quản lý, tay nghề ngày càng được nâng cao, nguồn nhân lực của Tập đoàn đã có thể đảm nhận việc quản lý, vận hành các dự án thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí trong và ngoài nước như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Điện Cà Mau, Nhơn Trạch, Đạm Cà Mau, Nhiệt điện Vũng Áng, Xơ sợi Đình Vũ...
Trong bối cảnh giá dầu suy giảm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người lao động dầu khí. Để ổn định đội ngũ người lao động đáng quý của ngành, lãnh đạo PVN, các đơn vị thành viên, Công đoàn Dầu khí Việt Nam luôn thống nhất hành động là phải thực hiện đảm bảo đầy đủ quyền lợi đối với người lao động. Mặt khác, trên nguyên tắc tự nguyện, đồng cam cộng khổ, lãnh đạo các đơn vị thành viên sẽ triển khai hỗ trợ người lao động về mọi mặt, tạo môi trường tốt nhất để người lao động yên tâm làm việc, sáng tạo.
Tập trung lực lượng, phát triển nguồn nhân lực
Cuộc khủng hoảng giá dầu đang ảnh hưởng rất lớn đến các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ. Dễ thấy nhất và việc hàng loạt các đơn vị khâu đầu của ngành Dầu khí phải thắt lưng buộc bụng, dừng giãn tiến độ nhiều dự án. Từ đó kéo theo hàng loạt các mỏ dầu phải hạn chế khai thác, doanh nghiệp khâu dịch vụ dầu khí thiếu việc làm. Trước tình trạng đó, nhiều tập đoàn dầu khí đa quốc gia nhanh chóng giảm nhân công, sa thải nhân viên để cân bằng áp lực tài chính. Đây là biện pháp dễ nhận thấy nhất và cũng dễ làm nhất, nhưng đối với ngành Dầu khí Việt Nam, một ngành đang trên đà phát triển và hội nhập quốc tế thì lại có sự lựa chọn thứ 2 đó là cơ cấu lại đội ngũ lao động bằng cách nâng cao kiến thức chuyên môn, tìm các giải pháp lao động sáng tạo, tiết kiệm chi phí.
Trong năm qua, PVN đã đưa ra 3 giải pháp đột phá: Đột phá về khoa học công nghệ, đột phá về cơ chế quản lý, đột phá về phát triển nguồn nhân lực, trong đó lấy đột phá phát triển nguồn nhân lực là trọng tâm. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển, PVN đã triển khai chiến lược đào tạo cụ thể trong giai đoạn 2016-2020. Các giải pháp chủ yếu là tăng cường đào tạo chuyên sâu ngắn hạn và dài hạn (trình độ thạc sĩ, tiến sĩ) với nhiều hình thức khác nhau; chú trọng đào tạo chuyên gia ở các lĩnh vực chuyên môn; tập trung đào tạo thạc sĩ chuyên sâu ở các đơn vị sản xuất kinh doanh, đào tạo tiến sĩ ở các đơn vị nghiên cứu khoa học…
Đồng thời, PVN tích cực đẩy mạnh thực hiện kế hoạch triển khai chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực với việc xây dựng chương trình đào tạo chi tiết chuyên sâu, chuyên gia trong lĩnh vực địa chất, tìm kiếm thăm dò, khai thác... trên cơ sở đó phối hợp với các đơn vị thành viên như Viện Dầu khí, Trường đại học Dầu khí, Trường cao đẳng Nghề Dầu khí… PVN cũng yêu cầu các đơn vị cần chuẩn bị nhân lực, bồi dưỡng chuyên môn, ngoại ngữ cho cán bộ để sẵn sàng tham gia các chương trình đào tạo chuyên sâu, dài hạn.
Phát biểu tại hội nghị về tổ chức nhân sự trong quá trình tái cấu trúc cuối năm 2015, Chủ tịch HĐTV PVN Nguyễn Quốc Khánh đã đánh giá cao công tác tổ chức cán bộ, đổi mới doanh nghiệp đến những khó khăn thách thức trong quá trình tái cấu trúc. Chủ tịch HĐTV PVN Nguyễn Quốc Khánh khẳng định: “Trong bối cảnh nhiều khó khăn và thách thức đối với ngành Dầu khí, Tập đoàn sẽ tiếp tục rà soát và đổi mới công tác nhân sự, công tác cán bộ, xây dựng và phát triển đội ngũ chuyên gia thuộc các lĩnh vực cốt lõi, xây dựng cơ chế chính sách để giữ chân người tài. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra các công tác này để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc theo hướng tập trung dân chủ, xây dựng hệ thống công tác quản trị doanh nghiệp và công tác nhân sự đạt chuẩn quốc tế.
Tiếp tục làm tốt công tác tư tưởng, nâng cao chất lượng và tính hiệu quả trong công tác tái cấu trúc doanh nghiệp theo lộ trình đã đề ra. Thực hiện tốt chế độ chính sách và xây dựng hệ thống thang bảng lương theo quy định mới của Nhà nước, đặc biệt chú trọng hệ thống thang bảng lương chuyên gia mang tính đặc thù của ngành Dầu khí. Bên cạnh đó, tăng cường công tác đào tạo của mỗi đơn vị, gắn đào tạo với thực tiễn, đặc biệt là công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án của Tập đoàn.
Chúng ta phải khẩn trương, quyết liệt xốc lại đội ngũ để công tác nhân sự và đào tạo ngày càng phát triển thì Tập đoàn mới vượt qua mọi khó khăn thách thức, nhanh chóng trưởng thành để có khả năng cạnh tranh với nguồn nhân lực chất lượng cao của nhiều tập đoàn dầu khí trong khu vực”.
Có thể nói, việc lựa chọn nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực ngay vào thời điểm giá dầu suy giảm chính là bước chuẩn bị cực kỳ quan trọng và đầy dũng cảm của lãnh đạo PVN và các đơn vị thành viên. Đây là sự tập trung lực lượng, sẵn sàng nắm bắt cơ hội để vươn lên mạnh mẽ ngay khi giá dầu phục hồi. Cơ hội để PVN phát triển vượt bậc, vươn tầm ra thế giới sẽ không còn xa.
Tùng Dương
Nguồn:Năng lượng Mới số 506