tin tức - sự kiện

GIÀN NÉN KHÍ TRUNG TÂM MỎ BẠCH HỔ

9/20/2015 7:20:51 PM

Trong bài viết nhỏ “Fast-track, công trình đưa sớm khí vào bờ”, chúng tôi có đề cập đến Dự án “Hệ thống thu gom và vận chuyển khí Bạch Hổ-Thủ Đức”, được chia thành các dự án thành phần:


-         Đường ống Bạch Hổ-Bà Rịa hay công trình sớm đưa khí vào bờ (fast-track);

-         Đường ống Bà Rịa-Phú Mỹ;

-         Đường ống Phú Mỹ-Thành phố Hồ Chí Minh;

-         Giàn nén khí Trung tâm mỏ Bạch Hổ;

-         Nhà máy xử lý khí Dinh Cố;

-         Kho cảng Thị Vải.

Ngay sau khi Dự án thành phần thứ nhất hoàn thành, do nhu cầu gay gắt về năng lượng điện thời kỳ 1995-1996, Chính phủ đã quyết định giao cho Tổng Công ty dầu khí VN triển khai dự án nâng mức cung cấp lên 2 triệu m3 khí/ngày để đảm bảo nhiên liệu cho Nhà máy điện Phú Mỹ 2.1 sẽ đưa vào vận hành năm 1997, mà kết quả là sự ra đời của giàn nén khí Nhỏ (XNKT các CT Khí, Vietsovpetro).

Tuy nhiên, giải pháp dùng áp suất vỉa và sử dụng giàn nén khí nhỏ đưa khí vào bờ là các giải pháp tạm thời với sản lượng khí cung cấp có hạn. Giải pháp chính theo thiết kế tổng thể là xây dựng giàn nén khí trung tâm tại mỏ Bạch Hổ, vừa nén khí để vận chuyển vào bờ, vừa nén khí cho khai thác dầu bằng phương pháp gaslift. Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam đã giao cho XNLD “Vietsovpetro” trực tiếp quản lý Dự án và vận hành (sau này) trên cơ sở thiết kế tổng thể của SNC-Lavalin (Canada).

Công trình giàn nén khí Trung tâm được thực hiện theo hình thức đấu thầu EPC (Engineering, Procuremant and Construction) quốc tế; trúng thầu là Tổ hợp nhà thầu Bouygues offshore (Pháp) và Samsung Heavy Industries (Hàn Quốc), Nhà tư vấn Fluor Daniel (Mỹ) và Nhà giám định DNV (Det Norske Veritas, Na Uy). Engineers India Limited (New Delhi, India) là Nhà tư vấn thiết kế cho Samsung Heavy Industries.

Theo thiết kế tổng thể của EIL, giàn nén khí trung tâm có 5 tổ máy nén khí với tổng công suất 8,1 tỷ m3 khí/năm. Hệ thống thiết bị bao gồm:

-         5 tổ máy nén khí ly tâm cao áp (đến 125 bar.) do hãng Dresser-Rand (Mỹ) chế tạo, công suất nén một máy 1,62 triệu m3/ngày-đêm, được dẫn động bằng tuốc-bin khí (gas turbine) Mars-100 do hãng Solar (Mỹ) chế tạo, công suất 15.000Hp/máy, vòng quay đến 10.000 vòng/phút, sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên (đồng hành).

-         1 máy nén khí piston thấp áp (LP compressor) do hãng Nuovo Pignone (Italia) chế tạo, công suất 420.000 m3 /ngày-đêm với áp suất đầu ra 10 bar, dẫn động bằng động cơ điện 6,3 kV, công suất 1,2 MW và được điều khiển bằng PLC của hãng Siemen S5 (Đức).

-         Tổ hợp máy phát điện gồm ba máy công suất 2,8MW/máy, dẫn động bằng gas turbine Centaur 40 do hãng Solar (Mỹ) chế tạo;

-         Toàn bộ thiết bị điện hiện đại, có cấp độ chống nổ cao do hãng ABB (Thụy Điển) chế tạo.

Hệ thống công nghệ, hệ thống thiết bị nén và động lực chính (trừ LP compressor) được điều khiển tự động bằng PLC (Programmable Logic Controller) của hãng Allen Bradley (Mỹ).

Đầu tháng 6 năm 1996, lễ khởi công xây lắp (first-cut) khối thượng tầng (top-side) giàn nén khí Trung tâm (GNTT) được tổ chức tại Koje shipyard (Hàn Quốc). Sau gần 10 tháng thi công, hạ tuần tháng 3 năm 1997, top-side GNTT (có tổng trọng lượng 7500 tấn) hạ thủy và được tàu kéo về Việt Nam. Cùng thời gian đó, tại mỏ Bạch Hổ, chân đế GNTT cũng được hạ thủy an toàn cạnh giàn Bơm ép vỉa (PPD-40.000).

Picture 

Giàn nén khí Trung tâm tại Koje shipyard (Hàn Quốc) 

Sau 3 tuần trên biển, khối thượng tầng về đến Việt Nam. Ngày 15/4/1997 top-side khổng lồ của GNTT được tàu cẩu Herremac (Hà Lan, lớn nhất thế giới vào thời điểm ấy, sức nâng 15.000 tấn) đặt lên chân đế chỉ bằng một lần nâng (single lift). 

Picture
 

Tàu cẩu Herremac đặt topside GNTT lên chân đế

Ảnh: Hoàng Chương


 

Ngày 31/7/1997 giàn nén khí trung tâm first gas và tháng 8/1997 công trình nén khí có công nghệ hiện đại thuộc hàng đầu thế giới (đương thời) trên mỏ Bạch Hổ chính thức đi vào hoạt động góp phần đưa hệ thống khí Bạch Hổ đạt công suất thiết kế. 

Sau gần 18 năm hoạt động (8/1997-5/2015), giàn nén khí Trung tâm đã đạt sản lượng gần 36,5 tỷ m3 khí thành phẩm. Trong đó, chuyển về bờ hơn 28 tỷ m3 ; cung cấp gần 7 tỷ m3 khí gaslift phục vụ cho khai thác dầu (của Vietsovpetro và VRJ) và gần 1,5 tỷ m3 khí nhiên liệu phục vụ cho các giàn công nghệ trung tâm mỏ Bạch Hổ. Cho đến nay, GNTT vẫn được ghi nhận là một công trình có kết cấu gọn, đẹp, hợp lý với hệ thống thiết bị hiện đại và đồng bộ; được vận hành tuyệt đối an toàn bởi một tập thể lao động quốc tế có truyền thống lao động sáng tạo, đảm bảo cho giàn luôn ở tình trạng kỹ thuật hoàn hảo và khai thác đúng công suất thiết kế.

 

 

Nguyễn Xuân Lanh

(bài viết có sử dụng tư liệu từ “Lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam”, NXB Chính trị quốc gia, 2011)

Tin nổi bật