Ngược dòng thời gian 20 năm về trước, sau khi công trình sớm đưa
khí vào bờ (fast-track) hoàn thành, bảo đảm cung cấp 1 triệu m3 khí
nhiên liệu/ngày cho Nhà máy điện Bà Rịa, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Tổng
Công ty Dầu khí Việt Nam tổ chức thực hiện dự án nâng mức cung cấp lên 2 triệu
m3 khí/ngày để đảm bảo nhiên liệu cho Nhà máy điện Phú Mỹ 2.1 sẽ đưa
vào vận hành năm 1997. Công trình 2-3 triệu m3 khí/ngày bao gồm: việc
lắp đặt hệ thống thu gom khí nội mỏ, xây dựng giàn nén khí nhỏ cạnh MSP-4 và
bộ phận trộn khí (injector) trên giàn ống đứng (Riser Platform) gần MSP-2 của mỏ
Bạch Hổ ngoài khơi; xây dựng đường ống trên bờ Bà Rịa-Phú Mỹ và trạm phân phối
khí Phú Mỹ trên đất liền.
Để bảo đảm công trình đạt chất lượng quốc tế, hoàn thành với tiến
độ nhanh, kịp cung cấp 2 triệu m3 khí/ngày-đêm cho các nhà máy điện
Bà Rịa, Phú Mỹ vào đầu năm 1997, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam đã được Chính phủ
cho áp dụng một số cơ chế đặc biệt về mặt chỉ đạo, điều hành và tài chính. Về
nhà thầu xây dựng công trình, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam được chỉ định: XNLD
“Vietsovpetro” là nhà thầu xây dựng hệ thống thu gom, xử lý, nén khí trên mỏ Bạch Hổ bổ sung
nhằm bảo đảm lưu lượng của hệ thống lên 2 triệu m3 khí/ngày-đêm;
Công ty Thiết kế và Xây dựng dầu khí cùng với đơn vị xây dựng của Bộ Xây dựng
là nhà thầu lắp đặt đường ống khí Bà Rịa-Phú Mỹ và trạm phân phối khí tại Phú Mỹ,
tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Các chuyên gia Italia cùng đón Tết Nguyên Đán với CBCNV GNN, 06/02/1997
Giàn nén khí Nhỏ đã ra đời trong hoàn cảnh ấy.
Ngày 01/3/1996 giàn nén
khí Nhỏ được thành lập, Tổng Giám đốc XNLD “Vietsovpetro” đã bổ nhiệm ông Nikolai
Felicovich Yasinsky làm Giàn trưởng (QĐ 134-K/R), ông Trần Văn Vĩnh (hiện là
Chánh Kỹ sư Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro) làm Giàn phó.
Giàn nén khí Nhỏ (GNN) được xây dựng cạnh giàn khai thác dầu số
4 (MSP-4), trên chân đế cũ dự kiến cho giàn công nghệ trung tâm số 1 do Liên
danh nhà thầu Kolon-Siitech Niji (Italia) thiết kế; toàn bộ công tác mua sắm
thiết bị và xây lắp do XNLD “Vietsovpetro” tự thực hiện.
Hệ thống thiết bị bao gồm:
§ 4 tổ máy: sử dụng máy nén piston của hãng Nuovo Pignone (Italia)
và động cơ khí Waukesha (USA); công suất nén mỗi tổ máy là 492.000 m3/ngày-đêm
với áp suất 100 bar.
§ Hệ thống điều khiển công nghệ dùng PLC (Programmable Logic
Control) của hãng Siemen (version S5), thuộc loại hiện đại và tiến tiến lúc bấy
giờ.
Sau hơn một năm thiết kế, mua sắm thiết bị và xây lắp, ngày 28
tháng 2 năm 1997, giàn nén khí Nhỏ đã nhận dòng khí đầu tiên (first gas) an
toàn và sẵn sàng đi vào hoạt động.
Giàn nén khí Nhỏ, với tư cách là công trình đầu nguồn
(up-stream) đã góp phần quyết định vào sự thành công ngoài mong đợi của Dự án
cung cấp 2 triệu m3 khí/ngày-đêm của Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam.
Cuối tháng 3/1997, dự án cung cấp 2 triệu m3
khí/ngày-đêm hoàn thành đã cung cấp khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ đầy đủ và kịp
thời cho các nhà máy điện Bà Rịa và Phú Mỹ 2.1 vận hành ổn định, đảm bảo tổng
công suất gần 900MW.
Từ cuối năm 1997, sau khi giàn nén khí Trung tâm đi vào hoạt động
ổn định, đảm bảo nhiệm vụ cung cấp khí về bờ, giàn nén khí Nhỏ thực hiện nhiệm
vụ chính là cung cấp khí gaslift cho mỏ Bạch Hổ. Từ đó đến nay, giàn nén khí Nhỏ
hoạt động tuyệt đối an toàn, khai thác tối đa năng lực thiết bị, thường xuyên đảm
bảo 100% công suất thiết kế, góp phần xứng đáng vào việc cung cấp nguồn khí
gaslift chất lượng, gia tăng đáng kể sản lượng dầu khai thác của Vietsovpetro.
Toàn cảnh giàn nén khí Nhỏ, phía xa là MSP-6 (ảnh chụp
từ MSP-4).
Nguyễn Xuân Lanh
(bài
viết có sử dụng tư liệu từ “Lịch sử ngành Dầu khí ViệtNam”, NXB Chính trị quốc
gia, 2011)