Là một nhà vuông có hai mái, lợp ngói, ở giữa đặt một tấm bia đá cao 3m, ngang 1,7m, dày 0,25m, nặng 3,7 tấn. Tấm bia đá này được lấy từ khối đá nặng 18 tấn ở Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) và được các nghệ nhân đẽo gọt, chạm khắc những hoa văn độc đáo của dân tộc.
Tấm bia đá khắc bài thơ của Viễn Phương, đây được xem là bảng hùng ca về đất và người Củ Chi vực dậy lòng tự hào dân tộc, tự hào về quá khứ hào hùng của cha anh. Bản hùng ca giáo dục thế hệ trẻ với ngôn từ giàu sức biểu cảm, hào hùng và là một trong những bài văn bia được rất nhiều du khách khi đến nơi đều ghi chép lại.
Đoàn chi bộ Giàn Nén Khí Trung Tâm Xí Nghiệp Khí trước cổng Tam Quan
Kiến trúc mang dáng dấp đền đài cổ của Việt Nam. Điện thờ bố trí theo hình chữ U: trung tâm là bàn thờ tổ quốc trang nghiêm được bố trí theo kiểu đình Việt Nam. Chính giữa có tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, phía trên ghi: “Vì nước quên mình”; “Tổ quốc ghi công”; “Đời đời ghi nhớ”.
Tả, hữu là hai hương án thờ các bậc tiền hiền tiên liệt và đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh, chưa tìm được tên. Hai bên là 2 bức tượng rùa đội hạc oai nghiêm và linh thiêng.
Dọc theo các bậc tường bên trái là tên liệt sĩ khối dân chính Đảng, các bậc tường bên phải là tên liệt sĩ lực lượng võ trang. Đây được xem là nơi ghi danh sách các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, hy sinh vì đất nước cùng tụ hội về đây.
Có tất cả 44.752 tên anh hùng liệt sĩ được tạc tại gian chính điện cùng phối thờ (Trong đó có: 43.777 liệt sĩ, 11 vị lãnh đạo Đảng CSVN, 42 vị Anh Hùng LLVT, 975 Bà mẹ VN Anh Hùng )."Số Liệu tính đến thời điểm: 14/12/2012"
Tháp chính đền Bến Dược
hể hiện cho sự vươn lên đỉnh cao trong tương lai.
Tháp có 9 tầng cao 39m, trên vách tháp có nhiều hoa văn, phù điêu thể hiện cuộc sống và chiến đấu của nhân dân Củ Chi Đất thép thành đồng.
Hoa viên
Hoa viên rộng lớn là nơi sinh hoạt dã ngoại, và là không gian xanh của khu di tích.
Tượng đài sông Bến Dược
Tượng đài cao 16m, nặng 243 tấn, được làm bằng đá granit đặt giữa vườn hoa mặt hướng ra sông Sài Gòn. Biểu tượng được thể hiện qua hình tượng một giọt nước mắt, khái quát về sự đau thương mất mát của bao thế hệ người Việt Nam đã chiến đấu hy sinh để giữ gìn đất nước.
4. THĂM VÀ TÌM HIỂU KHU ĐỊA ĐẠO CỦ CHI:
Địa đạo Củ Chi là một di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng cách TP.HCM 70km về phía Tây Bắc. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo, có một hệ thống đường hầm nằm sâu trong lòng đất, nhiều tầng, nhiều ngõ ngách như mạng nhện, dài trên 200km, có nơi ăn ở, hội họp và chiến đấu…
Địa đạo Củ Chi là cách gọi chung của các hệ thống địa đạo khác nhau, được hình thành từ khoảng thời gian 1946-1948, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Thời gian này, quân dân hai xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An đã đào những đoạn hầm ngắn, cấu trúc đơn giản dùng để ẩn nấp, cất giấu tài liệu, vũ khí.
Trong thời gian 1961–1965, các xã phía Bắc Củ Chi đã hoàn thành tuyến địa đạo trục gọi là "xương sống", sau đó các đoàn thể, cơ quan, đơn vị phát triển địa đạo nhánh ăn thông với tuyến trục hình thành những địa đạo liên hoàn giữa các ấp, các xã và các vùng. Bên trên mặt đất, quân dân Củ Chi còn đào cả một vành đai giao thông hào chằng chịt nối kết với địa đạo, lúc này địa đạo chiến đấu cũng được đào chia thành nhiều tầng, nhiều ngõ ngách. Ngoài ra, bên trên địa đạo còn có rất nhiều ụ chiến đấu, bãi mìn, hố đinh, hầm chông... được bố trí thành các cụm liên hoàn tạo ra trận địa vững chắc trong thế trận chiến tranh du kích, gọi là xã chiến đấu.
Đến năm 1965, có khoảng 200 km địa đạo đã được đào. Về quy mô, hệ thống địa đạo có tổng chiều dài toàn tuyến là trên 200 km, với 3 tầng sâu khác nhau, tầng trên cách mặt đất khoảng 3 m, tầng giữa cách mặt đất khoảng 6 m, tầng dưới cùng sâu hơn 12 m. Lúc này, địa đạo không chỉ còn là nơi trú ẩn mà đã trở thành nơi sinh sống, cứu thương, hội họp, kho chứa vũ khí...
5. THĂM VÀ TẶNG QUÀ 5 GIA ĐÌNH CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG TẠI HUYỆN CỦ CHI – TP. HCM:
Đoàn đã thăm hỏi và tặng quà 5 gia đình CCCM huyện Củ chi bệnh tật thường xuyên là bà Nguyễn Thị Trộn sinh năm 1943 là vợ của liệt sỹ; bà Phạm Thị Lặc sinh năm 1927 là mẹ 2 liệt sỹ; bà Bùi Thị Nại sinh năm 1939 là vợ của liệt sỹ; bà Nguyễn Thị Nhỏ sinh năm 1925 là vợ của liệt sỹ. Và đặc biệt đoàn thăm và tặng quà gia đình bà Huỳnh Thị Huân sinh năm 1934 là vợ của liệt sỹ thì khi đoàn đến thăm thì bà đã ra đi 2 ngày trước.
Thăm và tặng quà bà Phạm Thị Lặc sinh năm 1927 là mẹ 2 liệt sỹ
6. THĂM KHU DI TÍCH LỊCH SỬ RỪNG SÁC – CẦN GIỜ:
Chiến khu Rừng Sác nằm ở phía Đông Nam thành phố, là một vùng rừng đước, chà là ngập mặn rộng đến 600 hecta, phía Bắc là khu lòng chảo Nhơn Trạch, phía Đông là quốc lộ 15, phía Tây là sông Soài Rạp, phía Nam kéo dài sát biển Đông. Rừng Sác là nơi tập hợp của hàng trăm sông rạch lớn nhỏ, chằng chịt ngang dọc ngoằn ngoèo như mạng nhện, tạo nên những đảo triều xúp nổi giữa mênh mông nước (diện tích mặt sông rạch chiếm 1/4 diện tích toàn Rừng Sác).
Quan trọng nhất trong toàn bộ hệ thống sông rạch ở Rừng Sác là sông Lòng Tàu - tên gọi gộp nhiều đoạn sông dài 45km nối biển Đông ở cửa biển Gành Rái lên ngã ba sông Đồng Tranh, sông Nhà Bè vào Cảng Sài Gòn. Sông rạch, đảo triều, rừng cây làm cho Rừng Sác trở thành một khu vực cực kỳ hiểm trở, một “trận đồ bát quái”.
Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, đặc khu rừng Sác (Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh) được coi là “căn cứ nổi” của bộ đội đặc công, nơi đây đã diễn ra hơn nghìn trận đánh xuất quỷ nhập thần khiến quân địch vô cùng khiếp sợ. Đồng thời, rừng Sác còn là địa danh gắn liền với tên tuổi và ý chí ngoan cường, dũng cảm của một thế hệ bộ đội đặc công ...
Với địa thế đặc thù hiểm trở ấy, rừng Sác trở thành một “đầm lầy tử địa” nằm sát “sân sau” thủ phủ Việt Nam cộng hòa, buộc tổng hành dinh Sài Gòn phải đặc biệt quan tâm, liên tục tung quân càn quét. Năm 1963, tại căn cứ rừng Sác chính thức thành lập trạm tiếp nhận hàng quân sự từ ngoài Bắc chuyển vào.
Một năm sau, Bộ tham mưu Miền đã cử một phân đội cắm chốt tại đây để tiện làm nhiệm vụ, sau đó phối hợp với đội công binh thuỷ hình thành đoàn 125. Tháng 1/1966, do yêu cầu tác chiến và biên chế lực lượng tăng lên, đoàn 125 đổi phiên hiệu thành Trung đoàn 43, bao gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và các cơ quan dân, chính, đảng của 10 xã bao quanh địa bàn rừng Sác.
Từ đây đặc khu rừng Sác có nhiệm vụ chủ yếu là án ngữ đường thủy chiến lược Lòng Tàu, phá hủy các kho tàng, bến bãi của địch (trong đó có thành Tuy Hạ) và bảo vệ bàn đạp cho lực lượng tiếp tế của ta.
Trải qua nhiều trận đánh lớn nhỏ cả thất bại và thành công, rút kinh nghiệm quy mô tác chiến, tháng 6/1966 đặc khu rừng Sác được Bộ chỉ huy Miền quyết định chuyển hướng từ hợp quân sang chuyên môn hóa mang phiên hiệu mới là “Đoàn 10 đặc công rừng Sác” để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng đánh vào đầu não quân địch.
Áp dụng chiến thuật đặc công nước bí mật, nhỏ lẻ, thọc sâu, chắc thắng Đoàn 10 đặc công rừng Sác đã làm nên bao chiến công hiển hách, lịch sử còn ghi. Những dấu tích trong trận Lôi Giang, Giàn Xây, Vàm Sát, Đồng Tròn... như một biểu tượng minh chứng cho nghệ thuật tác chiến độc đáo và tinh thần dũng cảm của những chàng trai trẻ mình trần dầm nước tìm diệt quân thù.
Bất chấp rừng thiêng nước độc, thuồng luồng, cá sấu rình rập, tính mạng hiểm nguy họ vẫn bám trụ kiên cường suốt 9 năm (1966-1975) đạn bom cày xới, chất độc ngập tràn trong kế hoạch “khống chế mặt nước” của quân đội Mỹ. 9 năm với hơn 1000 trận đánh tiêu diệt hàng trăm tầu, xuồng, phương tiện chiến tranh, loại khỏi vòng chiến đấu gần 1 vạn tên địch, đặc khu rừng Sác mãi là niềm tự hào của quân và dân miền Đông Nam bộ, nơi “tiếp lửa” truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay.
Bức tượng đài tưởng niệm vong linh 860 chiến sỹ đặc công rừng Sác vẫn còn đó, uy nghi lẫm liệt cùng những dòng chữ tạc vào thời gian mãi trường tồn uy danh rừng Sác: “LòngTàu, Tuy Hạ, Nhà Bè đó/ Khói lửa ngút trời sử sách ghi”.
Rừng Sác - địa danh đã ghi nhiều dấu ấn lịch sử trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Gần 40 năm sau chiến tranh, chiến khu rừng Sác đã được tạo dựng thành một điểm tham quan hấp dẫn có giá trị lịch sử và giáo dục về truyền thống chiến đấu anh dũng của quân dân Nam bộ.
Mọi thứ ở đây vẫn còn rất nguyên sinh: hàng đước, hàng dừa nước cùng nhiều loại sinh vật phong phú, không gian trong lành, yên tĩnh và thanh bình cùng những điều tuyệt vời nhất mà thiên nhiên ban tặng.
Trên chiếc ca-nô len lỏi vào những con rạch nhỏ, đoàn chúng tôi nghe những âm thanh của thiên nhiên, muôn thú. Dưới tán lá đước, thỉnh thoảng, nhiều chú cá thòi lòi lại nhảy vọt trên mặt nước rồi nhanh như cắt lao trở lại; đàn khỉ hoang hơn 1.000 con cùng nhiều loài chim chóc, có cả những loài có tên trong sách đỏ sống trên Đảo Khỉ…
Vào rừng sâu hơn, chúng tôi đến với nhà Bảo tàng Cần Giờ, Căn cứ Cách mạng Rừng Sác để thấy hết những chiến công vang dội của quân và dân nơi đây trong lịch sử hào hùng của dân tộc.
Đài tưởng niệm liệt sĩ rừng Sác nằm ở trung tâm khu căn cứ, biểu tượng cho uy danh và lòng quả cảm của các chiến sĩ đặc công rừng Sác.
Trong 9 năm sống và chiến đấu tại đây, 860 anh hùng, liệt sĩ đã làm nên những chiến tích anh hùng và ngã xuống mảnh đất này khi tuổi mới đôi mươi nhưng chỉ một phần ba trong số họ có mộ chí.
Ấn tượng hơn cả là những bức tượng “sống” về các chiến sĩ đặc công rừng Sác được tạo dựng ở đây.
Góc này là cảnh họ đang trình bày phương án và hạ quyết tâm tập kích phá hủy kho xăng Nhà Bè; nơi kia một nhóm chiến sĩ đang chuẩn bị vũ khí chiến đấu; một nhóm chiến sĩ quần nhau với cá sấu dưới lạch sâu. Ở bìa rừng, chỉ huy đang giao nhiệm vụ và tiễn đưa các chiến sĩ ra trận. Bên bể nước mưa hứng từ ngọn cây, o du kích nhỏ đang chưng cất nước ngọt từ nước mặn theo kiểu nấu rượu…
NGUYỄN TIẾN QUANG