Văn lo vận nước, Văn thành Võ
Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn.
Khi bài viết của tôi về đoàn CCB và CBCNV XN
Khí thăm Nghĩa Trang Liệt sỹ Trường Sơn post lên trang mạng này, mấy người bạn
đã gọi điện hỏi: “Sao, ra viếng Nghĩa trang TS thì có ra viếng mộ Đại tướng
Giáp không?”. Tất nhiên rồi, sao mà không ra viếng Đại tướng được: các liệt sỹ Trường Sơn là những người anh em, những
người đồng đội của chúng ta, còn Đại tướng
là Anh Cả của QĐND VN, sao có thể không viếng thăm ông được. Chỉ có điều, cái cảm
xúc sau khi viếng mộ ông cứ dâng lên trong tôi như mạch nước ngầm trong lòng đất
mà ngôn ngữ của tôi thì như một cái chậu nhỏ xíu, không chứa nổi, nên cứ tràn
ra, tràn ra, không sao mà viết được.
Cái cảm xúc đó dường như bắt đầu từ
hình ảnh một người đang đứng trước một nhóm người trong rừng (theo số liệu là 34 người), chân đất,
quần áo, mũ nón lôi thôi, dăm khẩu súng thô sơ, … đến những quân đoàn ào ạt tiến
lên cắm cờ trên hầm Đờ Cát tại Điện Biên Phủ, cho đến những sư đoàn quân tinh
huệ với hàng ngàm xe tăng, thiết giáp và máy bay hùng dũng tiến về giải phóng
Sài Gòn. Cái cảm xúc đó như hòa trộn với
nhau trước hình ảnh một người thầy giáo dạy sử (trườngtư thục Thăng Long) đến một
đại tướng quân đang duyệt binh trong ngày chiến thắng rồi như lắng đọng lại trước
hình ảnh hàng vạn người xếp hàng tiễn đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng tại Hà
nội và hàng ngàn vòng hoa phủ kín ngôi mộ bằng đất của ông ở Vũng Chùa ngày ông
đi vào bất tử.
Vũng Chùa - Đảo Yến nơi đất mẹ Quảng Bình đã được Đại tướng
chọn làm nơi an nghỉ cuối cùng của mình. Đây là khu vực có khung cảnh thiên
nhiên kỳ vĩ, hoang sơ, lưng tựa núi Thọ Sơn, mặt hướng ra biển Đông hùng vĩ với
nhiều đảo nhỏ như hòn La, hòn Gió, hòn Nồm (đảo Yến). Phần mộ đại tướng Võ
Nguyên Giáp nằm tại Mũi Rồng – mũi đất vươn ra biển, đối diện với đảo Yến. Khu
mộ Đại tướng được 1 Tiểu đội thuộc Đội cảnh vệ đồn biên phòng 184 (Bộ đội Biên
phòng tỉnh Quảng Bình) thay phiên nhau canh gác 24/24h. Lực lượng cảnh vệ được
chia làm 3 điểm chốt: một điểm tiếp nhận, ghi chép đón khách; một điểm theo
dõi, hướng dẫn khách vào viếng và một điểm hướng dẫn thắp hương tại mộ Đại tướng.
Đoàn
CCB và CBCNV XNK tới viếng mộ ông phải sắp hàng khá lâu, bởi vì mỗi ngày có hàng nghìn lượt khách đến thắp hương, viếng mộ
Đại tướng, đặc biệt vào những dịp lễ tết hay cuối tuần.
Chúng tôi mang theo một vòng hoa nhỏ, nhưng các chiến sỹ bảo vệ khu mộ ông
không cho đưa lên mộ, vì theo nguyện vọng
của ông lúc còn sống cũng như của gia đình, khu mộ không nhận bất cứ vòng hoa
hay điếu phúng nào.
Dọc con đường lên viếng mộ Đại tướng có 103 bậc thang bằng
gỗ, 103 cây hoa mai và 103 cây hoa ban Điện Biên tượng trưng cho 103 tuổi của Đại
tướng. 103 tuổi đời, 36 năm cầm quân (1944-1980) ông đã lần lượt đọ sức và đánh
thắng 10 đại tướng của Pháp và Mỹ (4 Pháp và 6 Mỹ), chưa kể đến nhiều
viên đại tướng của chính quyền Việt Nam Cộng hoà. Các tướng lĩnh Mỹ khi nhắc đến
ông vẫn thường gọi ông là "Đại tướng 5 sao", William Westmoreland gọi
ông là "Tướng huyền thoại" (Legendary Giap)... Năm 1984, Tân Bách
khoa toàn thư Anh quốc (The new Encyclopedia Britannica), một trong những bách
khoa thư đồ sộ nhất thế giới đã bình chọn Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong
10 vị tướng kiệt xuất của thế giới. Đồng thời ông là " một tổng tư lệnh
biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi
chiến binh”. Tiêu chí chiến thắng của ông không coi “trận thắng chết nhiều người là trận thắng đẹp”.
Khi ông mất, hàng chục chính phủ các nước đã gửi điện
chia buồn. Tổng thống Uruguay, Jose Mujica gọi ông là "vị tướng huyền thoại", người đã
dành cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh chống áp bức và "gieo niềm tin
rằng yếu tố con người chính là chìa khóa của thắng lợi". T]ổng thống Algérie - Abdelaziz Bouteflika -
gọi ông là người anh hùng quân đội của nền độc lập Việt Nam, là nhà chiến lược
vĩ đại đã khiến cho thực dân Pháp phải kinh hoàng ở Điện Biên Phủ, và tên tuổi
ông "sẽ vẫn mãi khắc sâu trong ký ức của nhân dân Algeria".
Còn chúng tôi, cũng như hàng triệu người Việt nam
khác, khi dâng hương trước ngôi mộ đơn sơ của ông, chúng tôi có cảm giác ông
như người nhà, như người anh cả thật sự, lúc sống cũng như lúc chết, luôn bao bọc,
che chở cho chúng tôi, cho các chiến sỹ QĐND Việt nam và nhân dân Việt nam
trong bất kỳ tình huống nào. Ông sẽ mãi mãi được coi như là một “vị thánh của
lòng dân” như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã viết:
“Thánh Gióng về Trời. Thánh Giáp về quê,
Vì Dân Nước Người trở thành Bất Tử,
Thành Núi, thành Mây, thành Ruộng, Đồng, Sông, Bể,
Thành tượng hình chữ S
trấn biển Đông.
Thành Đền thờ trong mỗi tấm lòng Dân,
Thành Ngọn đuốc soi đường đêm tăm tối,
Thành Mặt trời cho trần gian nắng mới,
Thành Mặt trăng vành vạnh tấm gương vàng…”
Bài viết và Hình ảnh: Lê Đình Chung