tin tức - sự kiện

HÀNH TRÌNH VỀ VỚI CÔN ĐẢO-MẢNH ĐẤT THIÊNG LIÊNG CỦA TỔ QUỐC

7/17/2016 5:19:37 PM
   ​Với mục đích thực hiện các hoạt động về nguồn, giúp CBCNV xí nghiệp khai thác các công trình Khí có điều kiện giao lưu,thăm các địa điểm di tích lịch sử nằm trên địa bàn Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu,
 

Đồng thời nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, giáo dục tinh thần yêu quê hương đất nước, tự hào về những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, Công đoàn xí nghiệp khai thác các công trình khí Vietsopetro đã tổ chức chuyến đi về nguồn tại Huyện Côn đảo, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Chuyến đi kéo dài 2 ngày (từ ngày 6/7 đến ngày 8/7/2016) nhưng đã để lại trong các thành viên trong đoàn rất nhiều cảm xúc khó tả về vùng đất Côn Đảo, miền đất thiêng liêng của tổ quốc.

Chuyến đi có sự tham gia của đồng chí Trần Đức Quang- Trưởng ban tuyên giáo, Bí thư chi bộ của Đảng bộ xí nghiệp khai thác các công trình Khí và các CĐV trong Xí nghiệp. Đáp máy bay xuống Côn Đảo vào sáng ngày 6/7, ấn tượng đầu tiên đối với đoàn đó là không khí nơi đây, thật trong lành, yên bình và thiêng liêng khó tả, thật khó có thể tin nổi với cảnh vật non xanh nước biếc nơi đây lại một thời được ví như “địa ngục trần gian”, chính điều đó khiến cho ai khi tới đây cũng háo hức muốn khám phá.

Trên đường về khách sạn, Đoàn được hướng dẫn viên giới thiệu tổng quan về Côn Đảo, về vị trí địa lý, đặc điểm, khí hậu, con người, lịch sử của mảnh đất này.

Chiều ngày 6/7/2016, cả Đoàn có một ngày ngược dòng lịch sử về quá khứ, Đoàn thăm quan bảo tàng Côn Đảo, nơi đang lưu giữ những hiện vật và hình ảnh khắc nghiệt của 2 nhà Tù tại Côn đảo thời Pháp và Mỹ. Có lẽ đây là kỉ niệm đáng nhớ nhất trong long mọi người, bởi giữa bộn bề của cuộc sống hiện tại, khó có ai có thể hình dung được rằng để đánh đổi cuộc sống hòa bình cho dân tộc, biết bao anh hùng liệt sĩ nơi đây đã phải trải qua khó khăn gian khổ và hi sinh anh dũng như vậy. Qua những hiện vật còn lưu giữ và khung cảnh nhà tù Côn Đảo được phục dựng, đoàn tham quan có thể tái hiện lại lịch sử thời kì kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, thấu hiểu một phần những hi sinh gian khổ của các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống.

Thăm bảo tàng Côn Đảo với gần 2000 tư liệu, các hiện vật được trưng bày theo 4 chủ đề lớn gồm phản ánh các tội ác của chế độ thực dân và đế quốc đồng thời thể hiện rõ Côn Đảo là một trận tuyến, một trường học đấu tranh cách mạng của các chiến sĩ Cộng sản và những người yêu nước Việt Nam trong suốt quá trình bị thực dân, đế quốc xâm lược; phản ánh về tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước Việt Nam trong suốt hơn 100 nămnhư: đồng chí Tôn Đức Thắng, đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Lê Hồng Phong, Nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, Liệt sĩ – Anh hùng lực lượng vũ trang Lưu Chí Hiếu... và hàng ngàn các gương liệt sĩ khác.

Condao.jpg

Bảo tàng Côn Đảo


Tiếp theo, Đoàn vào thăm trại tù Phú Hải (trại giam đầu tiên được xây dựng tại Côn Đảo), nơi có truyền thuyết về hầm xay lúa, và Cầu tàu 914, nơi ghi dấu chân lưu đày đầu tiên của hàng chục vạn người tù lên đảo.

Trại Phú Hải gồm 10 phòng tập thể, 1 phòng giam tù đặc biệt, 20 xà lim (hầm đá), Khu lao động khổ sai đập đá, hầm xay lúa, vừa là nơi làm khổ sai (xay lúa) vừa là nơi đày ải nghiệt ngã đối với tù nhân. Ngoài ra còn có các công trình phụ như: Câu lạc bộ, phòng hớt tóc, nhà bếp, nhà ăn, giảng đường, nhà nguyện, phòng trật tự…

Nhiều lớp tù nhân từ thời Cần Vương, Văn thân chống Pháp như: chí sĩ Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn, Phan Chu Trinh…đến nhiều chiến sĩ cách mạng như: Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng…đến thế hệ sinh viên học sinh xuống đường chống Mĩ – Thiệu bị bắt đều trải qua những năm tháng lao tù ở đây.

Đây cũng là nơi Chi bộ cộng sản đầu tiên trong nhà tù Côn Đảo được ra đời cuối năm 1932, sau phát triển thành Đảo ủy Côn Đảo.

Trong chuyến đi này, nhiều điều khiến mọi người trong đoàn thấy ấn tượng, nhưng có lẽ điều đáng nhớ nhất là được nghe và chứng kiến Chuồng Cọp Côn Đảo - nơi giam cầm những người con yêu nước hàng ngày bị tra tấn bởi những đòn doi, những hình thức dã man khó có thể tưởng tượng được, nó khiến cho mọi người thêm cảm phục về sự hi sinh, kiên chung, sự cam chịu bền bỉ ghê gớm của những người con cách mạng. Thăm Chuồng cọp Pháp và Mỹ chúng ta sẽ thấy được  những điều ấy.

Theo lời kể của hướng dẫn viên, Chuồng cọp là tên gọi khu trại giam do Pháp,Việt Nam Cộng hòa xây dựng để giam giữ những nhân vật tù chính trị cao cấp của Việt Minh, quân Giải phóng và những người tham gia chống Pháp, Mỹ trong những năm chiến tranh.

Khu chuồng cọp do Pháp xây dựng dùng để giam giữ những tử tù, tù chính trị những người phản đối sự caitrị của người Pháp, những tù nhân nguy hiểm, cứng đầu nhất

Theo chân hướng dẫn viên, cả đoàn lần lượt được tham quan khoảng 120 phòng biệt giam, bên trên có song sắt kiên cố và có hành lang ở giữa dành cho cai ngục, trật tự đi lại kiểm soát, hành hạ người tù như ném vôi bột, dội nước bẩn.

Còn một phòng giam mới nghe có vẻ thơ mộng – Phòng tắm nắng khiến cho cả đoàn không khỏi tò mò, nhưng đó chính là hệ thống 60 phòng giam không có mái che được gọi là Phòng tắm nắng (chia làm 4 dãy, mỗi dãy 15 phòng).Phòng tắm nắng là nơi dùng để hành hạ phơi nắng, phơi mưa người tù hoặc là lôi người tù ra đó để đánh đập tra tấn.

Tận mắt chứng kiến những chuồng cọp trật hẹp, ẩm thấp tối tăm mới thấy hết được sự cực khổ của những tù nhân đã phải sống trong cảnh “địa ngục” nơi đây.

Tuy nhiên, điều mà có lẽ cả đoàn và cá nhân tôi cảm thấy bàng hoàng đó là những đòn tra tấn tù nhân qua lời kể của hướng dẫn viên và chứng kiến những khung cảnh được phục dựng lại. Những tù nhân nơi đây bị tra tấn theo mùa: Mùa nắng thì bị nhốt 6-10 người trong 1 buồng giam dội nước sôi làm phỏng da, vết thương lâu ngày ăn sâu,nhiễm trùng đau đớn. Mùa mưa thì chỉ giam từ 1-2 tù nhân, và tra tấn bằng cách dội nước lạnh liên tục, cai ngục dùng xào nhọn chọc thẳng xuống. Tù nhân bị giam ở chuồng cọp không có phút giây nào được yên ổn, lúc nào cũng phải căng óc ra để đối phó với những cai ngục trật tự.

Hay những đòn tra tấn: phơi nắng 1 tuần không cho ăn uống, uống nước bồn cầu, xúc miệng bằng nước tiểu vì cai ngục không phát nước uống trong 4-5 ngày.

Rồi những hình thức dã man nhất tưởng như chỉ có ở thời trung cổ, trong đó điển hình là việc dùng đinh đóng vào gối, dùng gỗ để đào răng, đun trên chảo nóng đau đớn cho đến chết.

Có đặt chân tới nơi đây mới thấy được hết những nỗi thống khổ ấy.Nó khiến cả đoàn cứ ám ảnh mãi sau chuyến đi và càng cảm thấy trân trọng hơn những gì mình đang có trong cuộc sống thực tại.

Condao1.jpg

Hầm xay lúa


Condao2.jpg

Khu chuồng cọp Pháp


​​Đoàn tham quan tiếp tục được ghé thăm Chuồng cọp Mĩ do Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa xây dựng còn có tên là trại Phú Bình bao gồm: 384 phòng biệt giam. Đây là kiểu nhà giam đặc biệt bằng bê tông, không có bệ nằm, người tù bị cùm chân và phải nằm dưới nền xi măng ẩm thấp, mỗi phòng giam chỉ rộng 4m2, điều kiện vệ sinh và ăn uống rất kém, lại thường xuyên bị tra tấn để hỏi cung.

Condao3.jpg

Trại giam Phú Bình (Chuồng cọp Mĩ)

​​​Khu này dành cho những tù binh quan trọng không chịu khai báo, với mục đích dùng sự khổ ải để khuất phục ý chí của tù nhân.Để tránh bị dư luận phản đối, khu "chuồng cọp" được Mỹ xây biệt lập và được giữ bí mật, trong một thời gian dài không ai ở bên ngoài biết đến sự tồn tại của khu "chuồng cọp" này vì có 1-2 lối nhỏ dẫn vào chuồng cọp, bọn cai ngục đưa tù nhân vào chuồng cọp bằng cách đánh cho ngất xỉu hoặc đưa vào một đường, đưa ra  một đường để tù nhân không xác định được vị trí.


 Vừa chứng kiến khung cảnh phục dựng lại chuồng cọp Mĩ, vừa nghe lời kể của hướng dẫn viên về lời tường thuật của một nhà báo người Mỹ khi được chứng kiến cuộc sống cực khổ của tù nhân nơi đây trong thời gian Mĩ cầm quyền: "Tại đây hình ảnh của các tù nhân trong lồng đã khắc sâu trong tâm trí tôi, tôi nhớ rõ mùi hôi thối khủng khiếp do tiêu chảy và và các vết thương lở loét ở mắt cá chân các tù nhân do xiềng xích cắt vào." Vậy mới thấy được cuộc sống cực khổ, sự kiên cường ghê gớm của những người Cộng sản lúc bấy giờ.


Buổi chiều ngày 6/7, Đoàn đến viếng nghĩa trang Hàng Dương. Nghĩa trang Hàng Dương hiện ra trước mắt với bạt ngàn mộ nằm nhấp nhô bên những hàng dương xanh mát. Sau khi dâng hương hoa tại đài tưởng niệm, Đoàn đã thắp hương mộ đồng chí Lê Hồng phong, Nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, chị Võ Thị Sáu, anh hùng lực lượng vũ trang, liệt sỹ Lưu Chí Hiếu và nhiều mộ khác.​​​

Condao4.jpg

Đoàn dâng hương nghĩa trang Hàng Dương


Viếng mộ chị Võ Thị Sáu, khi đứng trước mộ Chị, nhìn bức di ảnh được tạc bằng đá trắng, với hình ảnh lá cờ Đảng và cờ Tổ Quốc đang tung bay, sự trắng trong, khí phách dũng cảm của người con gái miền Đất đỏ hiện ra rõ ràng hơn bao giờ hết. Hình ảnh Chị Sáu khi mới 16 tuổi đã làm bao kẻ thù run sợ và hy sinh anh dũng khi tuổi đời chưa tròn 19 tuổi đã làm nhiều thành viên trong Đoàn phải khâm phục. Sau khi thắp hương,Đoàn đã dành một phút mặc niệm Chị.


Đường đi và về trên 4 km nhưng dường như gần hơn sau những trải nghiệm đầy ý nghĩa của Đoàn.Dọc đường đi, Đoàn còn nhìn thấy rất nhiều nấm mộ vô danh đơn sơ, lạnh lẽo.Tất cả họ đều đã hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ Quốc khi tuổi đời còn rất trẻ.Có lẽ vì vậy, nên dù đã về chiều, các thành viên trong Đoàn, ai  cũng mong muốn đi xa hơn nữa để thắp lên nấm mộ liệt sỹ những nén hương trầm, làm ấm lòng các anh chị. Đây cũng là cách để Đoàn thể hiện lòng biết ơn trước sự hy sinh dũng cảm của những liệt sĩ thầm lặng.


Đoàn tiếp tục đến viếng Miếu Bà Phi Yến,thứ phi của vua Nguyễn Ánh. Tới Côn Đảo, chúng ta không chỉ được sống lại những năm tháng lịch sử hào hùng, sự hi sinh thầm lặng của những người chiến sĩ cách mạng, mà Côn Đảo còn là địa điểm du lịch lý tưởng với nhiều địa điểm đẹp và mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách trong đoàn.


Ngày thứ hai của chuyến tham quan,đoàn được ghé bãi biển Đầm Trầu – một trong những bãi tắm hoang sơ và đẹp nhất Côn Đảo. Từ đường chính, đi bộ theo đường mòn khoảng 1,5km là đến bãi tắm. Trên đường đi, cả đoàn dừng chân thắp nhang tại Miếu Cậu - nơi thờ hoàng tử Cải, con trai của chúa Nguyễn Ánh và bà Hoàng Phi Yến, Đến bãi Đầm Trầu, tắm biển, chụp hình, tham gia các trò chơi trên biển.

Condao5.jpg

Đoàn chụp hình lưu niệm bãi tắm Đầm Trầu

 

Hai ngày trải nghiệm với rất nhiều điểm đến tham quan tại các di tích lịch sử và những cảnh vật thiên nhiên, văn hóa tại Côn Đảo, nhưng các thành viên trong Đoàn vẫn mong muốn khám phá nhiều hơn nữa.


Sáng ngày 8/7/2016, Đoàn rời Côn Đảo về Thành phố Vũng Tàu, khép lại một chuyến thăm quan về miền đất thiêng đầy ý nghĩa và bổ ích. Mỗi thành viên khi tạm biệt Côn Đảo đều mang theo nhiều cảm xúc và những kỷ niệm đẹp. Thật sự, chỉ khi đặt chân đến Côn Đảo, chúng ta mới cảm nhận hết được sự hy sinh, mất mát lớn lao cũng như sự chịu đựng, dũng cảm phi thường của các thế hệ đi trước.

 

Khi trở về, chắc hẳn tự tâm mỗi người đều tự nhủ mình cần phải lao động hăng say hơn, sống tốt hơn, có trách nhiệm hơn, luôn phấn đấu là những con người năng động, sáng tạo, đoàn kết, hội nhập và phát triển để không phụ công ơn của các Anh hùng liệt sỹ đã cho chúng ta có được cuộc sống hòa bình hôm nay.

Hi vọng chúng tôi sẽ được ghé thăm những địa điểm ý nghĩa như Côn Đảo để hiểu và yêu thêm giá trị truyền thống lịch sử của dân tộc.

 

Bài viết và Hình ảnh: Vũ Thanh Bình


7/11/2016 8:05:59 PM
  • NGHĨA TRANG TRƯỜNG SƠN, AI CHƯA ĐẾN ĐÓ.....
    7/11/2016 8:05:59 PM

  • 6/29/2016 11:24:14 PM
  • FAMILY DAY 2016 – NGÀY HỘI GIA ĐÌNH XÍ NGHIỆP KHÍ
    6/29/2016 11:24:14 PM

  • 6/23/2016 1:53:51 AM
  • KHÁM PHÁ ĐẤT NƯỚC CHÙA THÁP
    6/23/2016 1:53:51 AM

  • 6/9/2016 7:24:00 PM
  • THẾ HỆ ĐẢNG VIÊN THỜI KỲ MỚI
    6/9/2016 7:24:00 PM

  • 6/7/2016 1:42:21 AM
  • RỰC SÁNG BIỂN ĐÔNG - SOI DÒNG ĐẤT NƯỚC
    6/7/2016 1:42:21 AM

  • Tin nổi bật