Trong dòng người ấy, có những cựu chiến
binh đi thăm phần mộ các đồng đội, có người vợ đi viếng mộ chồng, những người
con đến bên mộ cha và cả khách thập phương đến nghĩa trang chỉ mong thắp một
nén tâm hương thành kính tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự
do của Tổ quốc. Và hòa trong dòng người ấy, có chúng tôi, những CCB và CBCNV
thuộc XNKT các CT Khí, LD Vietsovpetro.
Xuất phát từ Thị trấn Đồng Hới, đi trên
con đường Trường Sơn năm xưa, chúng tôi lại nhớ đến những câu thơ oai hùng của
nhà thơ Tố Hữu trong thời kỳ chiến tranh thống nhất đất nước:
“Xẻ dọc Trường Sơn
đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy
tương lai”.
“Trường Sơn vượt
núi băng rừng,
Xe đi trăm ngả, chiến
công bốn mùa”.
Chúng tôi như còn nhìn thấy hình ảnh những
cô gái thanh niên xung phong làm cọc tiêu cho xe qua ngầm, qua suối, qua các trọng
điểm trên đường Trường Sơn:
“Mấy năm rồi chạy trên tuyến Trường Sơn,
Có đêm nào như đêm nay nhớ mãi,
Những cọc tiêu là những cô em gái,
Thanh thản đứng bên đường trọng điểm xe lên”.
(Cái điểm sáng ấy - Trần Nhật Thu)
Đường Trường Sơn năm xưa là đường ra trận,
là con đường rất gian khổ, khốc liệt mà chúng ta đã đổi từng thước đường, từng cung
đường bằng biết bao nhiêu xương máu của bộ đội, thanh niên xung phong ngã xuống.
Nơi này, đế quốc Mỹ rải thảm B52, phun chất độc điôxin để hủy diệt màu xanh,
bom đạn dày đặc, chi chít: “Vết đạn cày lên vết đạn/ Hố bom chồng lên hố
bom/ Đất nào đất đỏ hơn/ Cây nào cây sống nổi/ Tưởng con chim cũng không bay
qua khỏi/ Cá chết trôi nổi, trắng cả dòng” (Nơi đây là túi bom - Vương Linh). Nơi
đây, sự sống chỉ được tính từng phút, từng giây, nhưng những người bám trụ
ở đây vẫn thanh thản, hồn nhiên trong điếu thuốc, tiếng cười: “Ở đây sống
tính từng giây/ Vẫn say từng giấc ngủ ngày bom rơi/ Ngủ rồi, thức dậy, thêm
vui/ Rít say điếu thuốc, tiếng cười giòn tan. (Nơi đây là túi bom - Vương Linh).
Trên con đường Trường Sơn, lớp lớp bộ đội,
thanh niên xung phong, các thế hệ người Việt Nam ra trận, sẵn sàng dũng cảm hy
sinh, hướng về miền Nam với niềm tin sắt đá là giải phóng quê hương, thống nhất
đất nước.
Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn hiện nay là
nơi yên nghỉ của hơn 10.000 liệt sỹ là những cô gái, chàng trai vừa đôi mươi,
mười tám đã anh dũng hy sinh trong 6.000 ngày đêm khai mở, giữ vững và phát triển
con đường Trường Sơn. Nghĩa trang có diện tích 140.000m², nằm trên 3 quả đồi ở
cạnh thượng nguồn sông Bến Hải, ranh giới phân đôi đất nước thời chiến tranh.
Phần đất mộ được phân thành 10 khu vực
chính theo địa phương: Hà Nội, Bình Trị Thiên, Hà Nam Ninh, Hà Sơn Bình, Hải
Hưng, Thái Bình, Hà Bắc, Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Vĩnh Phú, Hải Phòng,
Cao Bằng, Hoàng Liên Sơn, Hà Tiên… nơi liệt sĩ sinh ra và một khu dành cho 68
liệt sĩ khuyết danh “Không
một tấm hình, không một dòng địa chỉ/ Anh chẳng để lại gì cho riêng anh trước
lúc lên đường, ...”.
Khu tưởng niệm nằm ở trung tâm trên một ngọn
đồi cao hơn 32m từ dưới cổng đi lên. Ở đây có 6 bức phù điêu được chạm khắc
trên đá nguyên khối, khắc họa những hình ảnh tiêu biểu của các binh chủng hợp
thành của bộ đội Trường Sơn, với khẩu hiệu: “Mở đường mà tiến – Đánh địch mà
đi”. Ở giữa khu trung tâm của nghĩa trang là Đài tưởng niệm bằng đá trắng cao
vút uy nghi. Phía sau tượng đài là cây bồ đề cao lớn ôm lấy tượng đài và che
mát quanh năm. Đường đi trong nghĩa trang được lát đá, gạch xem kẽ là những vườn
hoa hay bóng cây râm mát. Mỗi khu mộ của các tỉnh, thành… đều có nhà tưởng niệm
với kiến trúc mang hình ảnh các vùng quê. Trong Nghĩa trang còn có Đại Hồng
chung đặt tại tháp chuông do các tổ chức và cá nhân phát nguyện đúc và hiến
cúng. Trên thân chuông có khắc lời đề từ của Giáo sư Anh hùng Lao động Vũ
Khiêu:
“Bát ngát Trường Sơn hồn liệt sĩ
Dạt dào Đông Hải khí anh linh
Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí
Muôn dặm non sông nặng nghĩa tình".
Khi thăn Nghĩa trang Trường Sơn, chúng tôi
được nghe câu chuyện về cây bồ đề tại nghĩa trang: khi chuẩn bị khánh thành
Nghĩa trang, ban quản trang bất ngờ phát hiện một cây bồ đề cao khoảng 20cm mọc
lên ngay sau đài tưởng niệm. Từ đó đa số mọi người cho rằng cây bồ đề này được
sinh ra từ lòng Phật, mọc tự nhiên. Cây bồ đề này lớn rất nhanh, ôm lấy tượng
đài chính, quanh năm tươi tốt, cành lá xum xuê. Với tuổi đời ước khoảng 40 năm,
cây bồ đề này to lớn hơn nhiều so với những cây thường thấy cùng năm tuổi ở những
nơi khác. Hiện nay, cây cao khoảng 25 mét, tán rộng với nhiều nhánh to lớn, rợp
bóng mát quanh năm. Cây bồ đề ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn được xem là “tài
sản” thiên nhiên ban tặng danh cho các Anh hùng Liệt sĩ đã hi sinh vì độc lập
dân tộc, là “phúc ấm” cho Tổ quốc và nhân dân, là điềm lành ở chốn thiêng liêng
này.
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, con đường Trường Sơn gắn với
“Câu chuyện thần thoại Đông Dương” là “con rồng nghìn cây, chặt xong lại mọc”,
“con đường thần thánh biến hóa y như được đức Phật chí tôn phù hộ độ trì”, ngày
nay đã trở thành Đại lộ Hồ Chí Minh nối liền Nam Bắc. Con đường và con người
Trường Sơn năm ấy, bây giờ đã trở thành huyền thoại và sống mãi với dân tộc Việt
Nam. Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn
không chỉ là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sỹ mà còn là biểu tượng của tinh
thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Đồng thời để là nơi để các gia đình liệt sỹ, các đoàn đại biểu của Đảng, Nhà nước,
các địa phương, người dân VN và bạn bè quốc tế đến thăm viếng nghĩa trang theo
truyền thống của dân tộc Việt Nam: Uống nước nhớ nguồn – Ăn quả nhớ kẻ trồng
cây.
Trong nghi lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Trường
Sơn do Ban quản lý nghĩa trang tổ chức cho đoàn chúng tôi, anh em chúng tôi đặt
vòng hoa, dâng hương và kính tặng các anh một món quà đơn sơ, giản dị: những
gói thuốc lá như lúc các anh còn sống để các anh chia sẻ với nhau một hơi thuốc
trước giờ xuất kích, xung phong, …. Trong phút lặng lẽ nghiêng mình trước Đài
tưởng niệm, chúng tôi như nghe âm vang điệp khúc “Hát mãi khúc quân hành” của
các anh lan trong núi rừng điệp trùng Trường Sơn hùng vĩ: “Mãi mãi lòng chúng ta, ca bài ca người lính, …”
Cuối cùng, thay cho lời kêt bài viết về chuyến đi viếng thăm
Nghĩa trang Trường Sơn, tôi xin trích dẫn 2 câu thơ sau của nhà thơ Tố Hữu:
Trường Sơn, Đông nắng Tây mưa,
Ai chưa đến đó như chưa rõ mình”
(Nước
non ngàn dặm - Tố Hữu).
Bài
và ảnh: Lê Đình Chung