tin tức - sự kiện

Giới thiệu sách – Bảy thói quen để thành đạt

12/11/2017 6:22:47 PM

​Nếu bạn là người quan tâm đến thể loại sách giáo dục hướng tới sự thành công toàn vẹn thì tôi chắc chắn rằng bạn đã đọc quyển sách này: The 7 Habits Of Highly Effective People – Bảy Thói Quen Để Thành Đạt Của Stephen R. Covey, đây thực sự là một quyển sách giúp chúng ta tự rèn luyện về tính cách, khả năng lãnh đạo, và cách đối mặt những vấn đề trong cuộc sống để hướng đến sự thành công.​


    Rõ ràng, mỗi chúng ta từ sâu trong tâm khảm luôn khao khát sự thành công nhưng nếu không nhận thức được bản chất của sự thành công mà cứ theo đuổi trong mù quáng thì thật vô nghĩa và uổng phí cuộc đời. Thành công không phải là đạt được một chức vụ, một công việc với mức lương hậu hĩnh mà bao người khác mơ ước, mà thành công chính là nắm giữ được vận mệnh của mình.

    Cá nhân tôi thấy, tên quyển sách rất hay “Bảy thói quen để thành đạt" chứ không phải là “Bảy phương pháp để thành đạt", “Bảy công thức để thành đạt". Vì sao thế? Vì gieo ý nghĩ gặt hành động, gieo hành động gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách và gieo tính cách sẽ gặt lấy vận mệnh! Thói quen trở thành yếu tố quan trọng nhất quyết định tính cách của bạn từ đó ảnh hưởng rất lớn vận mệnh của một con người.

    Lấy tôi làm ví dụ, Tôi có thói quen thức dậy lúc 5h15 sáng, từ 5h45 đến 6h15 tôi sắp xếp kế hoạch của một ngày làm việc, kiểm tra tiến bộ những hạng mục mà tôi đang làm, điều chỉnh một tiêu ngắn hạn nếu cần,…những điều này giúp tôi hoàn thành được mục tiêu, hướng tôi đến với những giá trị mà tôi đang tìm. Nếu như tôi thức dậy lúc 7h và 7h30 tôi phải di chuyển đến chỗ làm thì chắc chắn một ngày làm việc của tôi sẽ không do tôi nắm giữ, nó trở nên vô nghĩa. Hay nói gọn lại, thói quen dậy sớm mà tôi đã gieo trồng giúp tôi nắm giữ được những giá trị quan trọng, đó chính nắm được một phần của vận mệnh.

    Nói đến đây chắc các bạn đọc nghĩ là trong bảy thói quen sẽ có thói quen dậy sớm! Không phải đâu, bảy thói quen ấy rất quen thuộc và rất có thể bạn đã có một vài trong số chúng. Dưới đây là bảy thói quen với những trải nghiệm của chính tôi:

    1. Thói quen thứ nhất: Luôn chủ động

    Với thói quen này, thay vì tôi chỉ đơn thuần nộp hồ sơ cho nhà tuyển dụng rồi ở nhà chờ đợi, cầu nguyện mình được tuyển thì tôi chủ động gọi đến văn phòng và hỏi cụ thể những yêu cầu kỹ năng, tôi bài tỏ trực tiếp rằng tôi đang cần một công việc và tôi hoàn toàn có thể đáp ứng được công việc trong chuẩn kiến thức của tôi. Sau bốn lần điện thoại đến ba văn phòng tôi đã có công việc đầu tiên (mà chưa gửi 1 CV nào, tôi chủ động xin phỏng vấn ngắn qua điện thoại), thú vị phải không?

    2. Thói quen thứ hai: Bắt đầu từ mục tiêu đã được xác định

    Sau mấy tháng với ổn định trong công việc. Tất cả những hành động của tôi bắt đầu để thực hiện một mục tiêu xác định: tự do về thời gian. Tuy nhiên mãi đến giờ tôi vẫn đang ở những bước đầu, vẫn chưa thoát khỏi được công việc toàn thời gian, nhưng tôi đã dành một khoản thời gian không nhỏ cho đam mê của mình.

7tq1.png 

    3. Thói quen thứ ba: Ưu tiên cho điều quan trọng nhất

    Tôi đam mê viết truyện. Điều quan trọng nhất để viết được một quyển truyện ngắn chính là phải bắt đầu viết. Nên tôi tìm đến những trang tuyển cộng tác viên viết bài về những lĩnh vực mà tôi có kinh nghiệm: kỹ năng sống, sức khoẻ dược phẩm,… để rèn câu chữ, tích luỹ kiến thức. Khả năng rất lớn sau này tôi sẽ viết web nên đây cũng là một trải nghiệm.

    Đồng thời, với kiến thức về đông y sẵn có, tôi rất mong muốn mình có được một bằng cấp về đông Y (bằng lương Y tương đương với Y Sĩ Y học cổ truyền) để sau này có thể tự do dùng dược liệu sẵn có trong tự nhiên chữa bệnh cho mọi người bằng Đông Y. Để học và lấy được tấm bằng này, tôi cần một số tiền khá lớn so với hiện tại. Nên tôi cần tăng thu nhập và tiếp kiệm ngay bây giờ.​

7tq2.png 

    4. Thói quen thứ tư: Tư duy cùng thắng  

    Điều mà trang web nhận được là bài viết chất, hoàn toàn độc nhất trên mạng. Điều mà tôi nhận được là những kỹ năng viết, và một ít tiền công. Đây chính là cùng thắng đấy! Hơn nữa, khi tôi bắt đầu viết blog của tôi, tôi có thể tạo sự liên kết với những trang blog cùng giá trị khác để tạo thêm nhiều giá trị, kiến thức và tài liệu tham khảo cho bạn đọc.

    Như đã nói, tôi bắt đầu cộng tác viết bài cho các trang web, một trong những trang đó là viết về kỹ năng sống. Tôi yêu cầu ở chính tôi là bài viết phải tự do tôi viết hoàn toàn, tôi luôn nhắc mình tôi là một Writer (tác giả) chứ không phải một spinwriter (copy rồi chỉnh sửa câu chữ). Đồng thời tôi yêu cầu ở người quản lý web phải đánh giá bài viết của tôi cặn kẽ, chỉ ra những chỗ câu chữ tôi cần điều chỉnh.

    5. Thói quen thứ năm: Lắng nghe và thấu hiểu

    Lắng nghe, nói dễ mà làm thật sự khó! Thường thì chúng ta không lắng nghe chỉ để nghe mà chúng ta cố ý lắng nghe để rồi sau đó đưa ra nhận xét, ý kiến của mình.

    Tôi thật xấu hổ khi phải nói rằng: tôi thật sự chưa từng lắng nghe một ai cả, đôi lúc tôi hiểu những điều họ bài tỏ nhưng không những tôi không cảm thông cho họ mà còn đưa ra những ý kiến rất cá nhân của mình. Quyển sách đã nhắc nhở tôi rất rõ điều này, tôi nhận thấy đây thực sự là một bài học lớn, có lẽ phải mất rất lâu nữa tôi mới có thể có thói quen này!

    6. Thói quen thứ sáu: Đồng tâm hiệp lực

    Tôi còn nhớ khi còn học môn Hoá học ứng dụng. Chúng tôi được giao phải tạo ra một sản phẩm chăm sóc cơ thể (body care). Tôi làm trưởng nhóm và chọn làm kem đánh răng Dentie (một nhãn hiệu kem đánh răng dành cho người thực dưỡng của Nhật). Nhóm của tôi đã thất bại nhiều lần, nhưng nhờ sự đồng tâm hiệp lực của các thành viên: tìm hiểu về đánh siêu âm, đo chỉ số độ nhớt, phối trộn bằng máy khuấy từ, nghiên cứu điều chỉnh tỉ lệ nước,… Chúng tôi đã hoàn thành được sản phẩm trước ngày báo cáo và cả nhóm được điểm A. Đồng tâm hiệu lực liên quan rất nhiều đến tư duy cùng thắng, chúng tôi cùng chung sức và cùng đạt được điểm cao, thật là thú vị đúng không?

    7. Thói quen thứ bảy: Rèn giũa bản thân​

7tq3.png 

    Đây có lẽ là thói quen quan trọng nhất. Rèn giũa bản thân là việc thực hiện một cách liên tục 6 thói quen phía trên để tạo được tâm thế cân bằng trong nhiều tình huống. Biểu đồ trên cho thấy: Sự rèn giũa bản thân không phải để trở nên độc lập mà sự rèn giũa bản thân tạo nên những thói quen để cân bằng và hội nhập trong công việc và cuộc sống.

    Một ví dụ đơn giản, chúng ta đã biết, kẻ thù của lười biếng chính là kỷ luật. Nếu như sự rèn giũa bản thân trở thành một thói quen thật sự thì những thói quen tốt khác sẽ dành được hình thành. Khi có có mục tiêu xác định, ưu tiên cho những việc quan trọng nhất và tư duy cùng thắng thì không còn lý do gì để bạn lười biếng. Hồi thời sinh viên tôi đã rèn luyện những thói quen nhỏ: thức dậy sớm, làm việc đúng giờ đúng hẹn, hoà nhập với mọi người,… Với những thói quen tốt giúp tôi tự tin và thấy mình trưởng thành hơn. Sự rèn giũa bản thân là một dấu hiệu cho thấy bạn đã trưởng thành.

    Tôi xin phép được hỏi quý bạn đọc: Bạn đã có những thói quen nào trong 7 thói quen trên? Thú thật, từ khi đọc quyển sách đến bây giờ tôi (khoảng hai năm) tôi mới chỉ tạo cho mình được hai thói quen: Luôn chủ động và ưu tiên cho điều quan trọng nhất. Còn 5 thói quen còn lại, tôi nghĩ chúng vẫn âm thầm được tạo lập bên trong tôi và chờ ngày để biểu hiện rõ rệt!

    Cái mà chúng ta thường mắc phải chính là chỉ thấy được lợi ích trước mắt mà không thấy được lợi ích lâu dài. Bảy thói quen này đã giúp tôi tạo sự cân bằng giữ việc thoả mãn những yêu cầu trước mắt (về tiền lương, vui chơi) và các tiềm năng sau này (đầu tư vào bản thân, viết lách, phát triển khả năng ngoại ngữ). Theo trải nghiệm của tôi, khi bạn tạo được những thói quen tốt này, bạn sẽ tránh được những tư duy tiêu cực như trốn tránh trách nhiệm, mất niềm tin vào công việc hiện tại hay lạc hướng đi không biết cuộc sống sẽ về đâu,… Vì khi bạn thực hành các nguyên tắc càng nhiều thì bạn càng làm chủ cuộc sống, hay ít nhất là làm chủ trong công việc.

    Tôi đã gặp rất nhiều khó khăn sau khi tốt nghiệp, nhất là về chọn một công việc cố định hay sống một cách sống khác?! Thú thật, dù ra trường rồi nhưng tôi vẫn mang những suy nghĩ như còn hồi sinh viên, nên với suy nghĩ này tôi không cách nào tìm được cho mình một công việc phù hợp. Quyển sách đã giúp tôi nhận ra rằng: Nếu muốn thay đổi tình hình hiện tại, trước tiên tôi phải thay đổi bản thân mình, và để thay đổi bản thân mình một cách hiệu quả thì tôi phải bắt đầu thay đổi nhận thức của tôi một cách triệt để, mà thay đổi nhận thức bắt đầu từ những thói quen tốt! Tôi bắt đầu không so sánh tôi với những bạn cùng học, không so sánh công việc tôi đang làm với công việc của các bạn tôi,… Chỉ bao nhiêu điều đây thôi cũng làm cho tôi nhẹ nhõm hơn rất nhiều!

   Lời kết:

    Một tấm bản đồ không phải là kho báu, nó chỉ là ảnh chụp của một vùng lãnh thổ mà có các con đường dẫn đến kho báu. Bạn có thể dựa vào nó để đi tìm kho báu. Cũng đúng như vậy, quyển sách này không phải là thành công mà nó hướng dẫn bạn từng thói quen một để tiến đến với thành công! Tôi đọc quyển sách và bắt đầu có những thói quen tốt, gieo thói quen sẽ gặt tính cách, gieo tính cách sẽ gặt vận mệnh. Còn bạn thì sao?

    Chúc bạn một ngày gieo thói quen thành công!​

Sưu tầm​​

Tin nổi bật













Tin nội bộ
  • ​Đón Tết ở giàn khoan
  • 2/26/2024 8:00:32 PM