tin tức - sự kiện

Giới thiệu sách “Không bao giờ là thất bại, tất cả là thử thách”

10/30/2017 10:48:26 PM

​Chung Ju Yung – cố chủ tịch Tập đoàn Hyundai Hàn Quốc – một con người rất đỗi giản dị và bình thường nhưng nuôi trong mình hoài bão và ước mơ to lớn. Tự truyện “Không bao giờ là thất bại, tất cả là thử thách” của ông kể về những thăng trầm trong hành trình biến hoài bão, ước mơ thành hiện thực. 


​   “Không bao giờ là thất bại, tất cả là thử thách” là cuốn tự truyện kể về quá trình trở thành Chủ tịch Hyundai từ con trai một người nông dân. Chung Ju Yung với xuất thân nhà nghèo, đông em, chỉ học hết cấp 1, không có vốn, nhưng bằng ý chí và nghị lực phi thường của mình đã trở thành người sáng lập Tập đoàn Hyundai hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ sản xuất xe, đóng tàu, làm đường cao tốc, làm bến cảng, làm cầu, sản xuất xi măng và tham gia vào hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn.

cbg1.jpg 

   Chung Ju Yung sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, quanh năm suốt tháng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, nhưng cuộc sống luôn thiếu trước, hụt sau, phải ăn cơm với khoai, ăn cháo vỏ đậu. Với trách nhiệm là người con trai cả, anh luôn được cha khuyên phải làm việc chăm chỉ để mua đất rồi dựng vợ gả chồng cho các em.

   Trong thâm tâm của một đứa trẻ, anh đã cảm nhận được sự cực khổ của việc làm nông quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, mà thành quả mang lại thì quá ít ỏi. Tuy còn nhỏ nhưng anh rất ham học sách như Tam Quốc Chí, Napoleon và thường đi mượn sách báo để đọc. Anh rất thích Napoleon vì cũng xuất thân bất lợi nhưng sau đó bằng sự nỗ lực của mình đã trở thành hoàng đế nước Pháp. Một lần, anh đọc được câu chuyện về một anh nông dân tự đọc sách và đã lên Seoul thi đậu vào trường luật, sau này trở thành một luật sư nổi tiếng.

   Anh cho rằng câu chuyện đó là thật và cũng tìm các sách đó để học rồi có ý định lên Seoul để thi vào trường luật. Anh đã nhiều lần rủ bạn bỏ nhà ra đi để thực hiện ước mơ đổi đời của mình.

   Lần thứ nhất bỏ nhà đi, một ngày nọ, anh đang làm công nhân công trình thì bị cha anh lên bắt về. Lần thứ hai, anh trộm tiền bán bò của cha lên Seoul và đang học tại trường kế toán dang dở thì lại bị cha lên bắt về. Cha khuyên anh vì trách nhiệm với gia đình. Ông nói rằng rất nhiều người đã lên Seoul nhưng chẳng được mấy người thành công, người thì sa đọa, người thì mất hết của cải, và dù anh học xong trường kế toán đi làm công ăn lương thì cũng ích gì, chẳng lẽ anh là con trai cả mà bỏ đi để các em anh trở thành ăn mày hết. Vì lời của cha, anh không cầm lòng được và khi nghĩ đến cảnh các em làm ăn mày, những giọt nước mắt của cha, anh lại theo cha anh về làm ruộng.

   Lần thứ ba, sau một năm mất mùa đói kém, anh lại quyết tâm ra đi. Lần này anh không trộm tiền, anh ăn bớt tiền bán củi, gom góp số tiền ít ỏi để làm lộ phí. Anh tiếp tục lên Seoul làm nhiều công việc lao động khác nhau, nhưng kết quả chẳng tích lũy được tiền và cũng chẳng học hỏi được gì.

   Trong thời gian rảnh rỗi, anh vẫn đi tìm việc mới và vận may đã bắt đầu mỉm cười với anh khi anh được nhận vào làm cho tiệm gạo Thương Nhất Kinh Hội. Anh chăm chỉ học chuyên chở gạo và trong thời gian ngắn đã trở thành người vận chuyển gạo tốt nhất tiệm. Anh áp dụng những kiến thức kế toán đã học để sắp xếp gạo trong kho cho hợp lý để chỉ cần nhìn vào là biết trong kho còn bao nhiêu, rồi gạo cũ sẽ được bán trước, gạo mới sẽ được bán sau.

   Anh đã tạo được niềm tin lớn cho ông chủ và những đối tác của cửa hàng gạo. Ai cũng công nhận rằng anh là một người chịu khó và có uy tín. Nhưng người con của chủ cửa hàng gạo thì lại ăn chơi đàn đúm và phá của. Quá chán nản, ông chủ tiệm gạo đã để lại cửa hàng gạo cho anh quản lý để về quê an dưỡng.

   Và thế là, chỉ bằng một tài sản duy nhất là uy tín anh đã trở thành chủ của cửa hàng gạo. Sau một vài năm, anh về quê lấy vợ và biếu cha anh một số tiền lớn để mua đất rồi lại tiếp tục trở lại Seoul để gây dựng sự nghiệp.

   Khi trở lại Seoul, anh được một người quen cũ mách nước về việc mở tiệm sửa chữa ô tô, anh đã mạnh dạn vay thêm tiền để mở xưởng. Với bao nhiêu khó khăn thử thách, trong đó có việc bị cản trở bởi lực lượng quản lý trị an khu vực, anh đã phải kiên trì thuyết phục hàng tháng trời mới được cho mở xưởng.

   Ít lâu sau, xưởng bị hỏa hoạn phải đền bù thiệt hại cho khách hàng. Thế là anh lại tiếp tục đi vay tiền để kinh doanh. Tiệm sửa chữa ô tô của anh vì biết đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết nên hầu như xe hơi hư hỏng đều đổ dồn vào hết tiệm của anh. Trong một thời gian ngắn anh đã trả hết cả vốn lẫn lời. Cũng trong thời gian này, anh cũng làm việc như mọi công nhân trong xưởng sửa chữa ô tô nên đã nắm được cấu tạo và nguyên tắc hoạt động của xe hơi.

   Một lần thấy được lợi nhuận lớn của các ông chủ xây dựng, Chung Ju Yung đã mạnh dạn mở thêm Công ty xây dựng cơ bản Hyundai. Nhờ có em làm phiên dịch cho sỹ quan Mỹ nên ông đã nhận được nhiều công trình xây dựng của quân đội Mỹ.

   Sau khi kết thúc chiến tranh 2 miền Triều Tiên ông đã trúng thầu các công trình lớn của Hàn Quốc như xây cầu, xây đường cao tốc, xây đập thủy lợi. Ông làm việc rất táo bạo, liều lĩnh, bất chấp sự ngăn cản của các em, các nhà khoa học và cấp dưới. Ông khéo léo sử dụng người tài, người có học thức, rồi dần lấn sang các lĩnh vực lớn hơn như xây cảng biển tại Ả Rập, đóng tàu, chế tạo ô tô, xây nhà máy xi măng, ngành bán dẫn…xây dựng lên Tập đoàn Hyundai lớn mạnh như ngày nay.

   Trong thời gian đó, ông đã nhận một công trình phục hồi cầu. Công trình này đã làm cho Hyundai xíu phá sản vì sự trượt giá khủng khiếp của đồng tiền và sự tăng giá chóng mặt của nhân công. Công ty ông lỗ nặng, ông đã phải đi vay nặng lãi, phải bán nhà cửa đất đai, bằng mọi giá phải hoàn thành cây cầu để giữ uy tín của bản thân. Vì công trình này mà ông đã phải trả nợ 20 năm sau mới hết.

   Chính quyết định giữ uy tín chứ không bỏ dở công trình, ông đã nhận được sự tín nhiệm của chính quyền và tiếp tục được tin tưởng giao những công trình tái thiết Hàn Quốc khác sau chiến tranh.

   Còn rất nhiều khó khăn mà ông phải vượt qua trong việc vay vốn ngân hàng Anh để mở xưởng đóng tàu khi chưa có khách hàng. Rồi việc ông kiếm ra người dám đặt ông đóng tàu, ngay cả khi xưởng đóng tàu của ông chưa được vay vốn, chưa được xây dựng. Những khó khăn khi xây dựng cảng biển tại Ả Rập. Những phản đối của giới chức nhà nước, của các công ty Nhật khi ông dám đề xuất xây đập bằng sỏi đá. Những khó khăn này không thể nói hết ra được. Nỗ lực ý chí của ông biến cái không thể thành có thể, nó vượt ra khỏi mọi sự tính toán, lý luận thông thường của các nhà Khoa học, để sau đó ông được nhận hàng loạt bằng tiến sĩ danh dự của các trường đại học uy tín tại Hàn Quốc như bằng tiến sĩ kinh tế, khoa học, văn chương.

   Tự truyện “Không bao giờ là thất bại, tất cả là thử thách” đã đem lại hy vọng và động lực cho biết bao người dám thực hiện ước mơ khởi nghiệp. Đó là cuốn sách đáng xem hàng đầu nếu bạn có ước mơ khởi nghiệp, làm giàu.

Oanh Vũ sưu tầm và tổng hợp

Tin nổi bật





Tin nội bộ
  • ​Đón Tết ở giàn khoan
  • 2/26/2024 8:00:32 PM












    Tin nội bộ
  • Thư chúc mừng năm mới năm 2024
  • 12/28/2023 11:36:22 PM