tin tức - sự kiện

VIETSOVPETRO GAS – 23 NĂM VỮNG VÀNG VƯƠN TỚI! (15/08/1995 – 15/08/2018)

8/13/2018 4:55:35 AM

​Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa Việt Nam cần rất nhiều nguồn năng lượng để phục vụ cho tiến trình phát triển của đất nước. 


​   Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa Việt Nam cần rất nhiều nguồn năng lượng để phục vụ cho tiến trình phát triển của đất nước. Nhu cầu sử dụng năng lượng ở Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng cùng với sự tăng trưởng mạnh về kinh tế - xã hội trong bối cảnh chung của thế giới và khu vực. Trong đó, khí đốt hiện đang đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

   Xí nghiệp Khai thác các công trình khí thuộc Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (gọi tắt là Vietsovpetro Gas) là đơn vị đầu tiên trong ngành Dầu khí Việt Nam tiếp nhận, quản lý và vận hành giàn nén khí trên biển với các trang thiết bị hiện đại nhất trong khu vực.Tính đến nay, Vietsovpetro Gas đã trải qua 23 năm hoạt động, vận hành liên tục, an toàn tuyệt đối các công trình khí ngoài khơi; hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ thu gom, xử lý và nén khí về bờ. Vietsovpetro Gas không chỉ góp phần quan trọng vào sự phát triển vững mạnh của Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế to lớn cho đất nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

l1.jpg

Xí nghiệp Khai thác các công trình khí – Vietsovpetro Gas.

    1.Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân

    Vietsovpetro Gas – 23 năm hình thành và phát triển, 23 năm – một chặng đường tuy vất vả nhưng nhiều vinh quang, tuy gian nan nhưng lắm đỗi tự hào. Một quá trình dài cùng với sự đóng góp nhiệt huyết của nhiều thế hệ, nhiều cá nhân để tạo nên một Vietsovpetro Gas phát triển vững bền.

   Ngược dòng thời gian, chúng ta cùng quay lại với xuất phát điểm hình thành nên Xí nghiệp Khai thác các công trình khí ngày nay:

   Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro bắt đầu khai thác mỏ dầu Bạch Hổ từ ngày 26/6/1986. Song song với quá trình khai thác dầu là toàn bộ khí đồng hành được tách ra (với hệ số khí/dầu bình quân là 150 m3/tấn). Tại thời điểm này, lượng khí đồng hành đó hoàn toàn bị đốt bỏ vì Vietsovpetro chưa có điều kiện thu gom và vận chuyển vào bờ sử dụng.

   Đến ngày 23/4/1995, Vietsovpetro  khai thác chạm mốc 30 triệu tấn dầu từ mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng. Với một phép tính đơn giản: 30.000.000 x 150 sẽ cho thấy sự lãng phí khủng khiếp khi phải đốt bỏ một lượng khí thiên nhiên khổng lồ ngoài khơi, cụ thể là khoảng 4,5 tỷ m3! Thêm vào đó, tại khu vực bể Cửu Long đã phát hiện nhiều cấu tạo có triển vọng chứa dầu khí lớn (ngoài mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng), vì vậy nếu không có biện pháp sớm thu gom và sử dụng khí đồng hành, thì chính sự gia tăng khai thác dầu này sẽ dẫn đến lượng khí đồng hành phải đốt bỏ ngày càng lớn, gây lãng phí rất lớn tài nguyên quốc gia và làm ô nhiễm môi trường.

   Trước tình hình đó, ngày 07/7/1988 Bộ Chính trị TW Đảng Cộng Sản Việt Nam đã có Nghị quyết số 15-NQ/TW, trong đó nhấn mạnh: “Nhanh chóng lập phương án trước năm 1995 sử dụng khí đồng hành mỏ Bạch Hổ và các mỏ khác để sản xuất phân đạm, phát điện và phục vụ đời sống nhân dân”. Và ngày 15/08/1995 trên cơ sở quyết định số 1948/DK-TĐ-TDKT ngày 24/07/1995 của Tổng Công ty Dầu mỏ khí đốt Việt Nam và Quyết định số 799 ngày 14/08/1995 của Liên hiệp Kinh tế đối ngoại Zarubezneft, Tổng Giám đốc Xí nghiệp Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro ra quyết định số 497 thành lập Xí nghiệp Quản lý và Khai thác các công trình Khí.

   Việc vận chuyển khí về bờ cung cấp cho các nhà máy điện giúp tăng hiệu quả kinh tế của các nhà máy điện lên gấp hàng chục lần so với việc chạy bằng dầu diesel. Đặc biệt, trong bối cảnh những năm 90, đất nước gặp nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu dầu, nên việc vận chuyển khí về bờ không chỉ tiết kiệm được lượng lớn ngoại tệ để mua dầu mà còn tạo đà cho nền kinh tế Việt Nam phát triển.

   Đến năm 2000, Xí nghiệp Quản lý và Khai thác các công trình khí chính thức được đổi tên thành Xí nghiệp Khai thác các công trình khí (Vietsovpetro Gas). Từ đây, vượt qua bao thử thách, Xí nghiệp Khai thác các công trình khí đã có những bước phát triển vượt bậc, đóng góp đáng kể vào quá trình hình thành và xây dựng nên một nền công nghiệp khí hùng mạnh như hôm nay.

   2.Những cột mốc đáng nhớ

   Được triển khai trong quá trình Việt Nam mở cửa hội nhập với thế giới, các dự án xây dựng của Vietsovpetro Gas đều phải đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính, công nghệ và kinh nghiệm.Bên cạnh đó, việc thi công các công trình ngoài biển thường rất phức tạp do chịu ảnh hưởng lớn về các điều kiện địa chất, thời tiếtđã làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình. Tuy nhiên, với mục tiêu phát triển vững mạnh nền công nghiệp khí cũng như tận dụng nguồn khí đồng hành để bù đắp sự thiếu hụt nguồn năng lượng quốc gia, Vietsovpetro Gas đã nỗ lực bằng mọi giải pháp, triển khai tất cả các dự án để sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Vietsovpetro Gas đã có những mốc son chói lọi đánh dấu hành trình phát triển của mình và cho đến nay, thành công nối tiếp thành công, các cột mốc ấy cứ tiếp bước đi lên ghi lại một trang sử đỏ tô điểm thêm cho quá trình xây dựng và phát triển của Vietsovpetro Gas:

·        Ngày 03/05/1995 – đưa dòng khí đồng hành đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ về bờ.

·        Ngày 28/02/1997 – Giàn nén khí Nhỏ được đưa vào vận hành với công suất 1,3 triệu m3 khí/ngày, cung cấp khí gaslift phục vụ cho các giếng khai thác bằng phương pháp gaslift. Đảm bảo đầy đủ khí nhiên liệu cho nhà máy điện Bà Rịa và điện đạm Phú Mỹ.

·        Ngày 31/07/1997 – Giàn nén khí Trung tâm được đưa vào vận hành, nâng sản lượng khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ lên 50 triệu m3 khí/ngày-đêm, cung cấp đầy đủ nhiên liệu cho  các nhà máy điện Bà Rịa, Phú Mỹ và các hộ tiêu thụ. Đồng thời đảm nhận nhiệm vụ cung cấp khí gaslift, gia tăng sản lượng khai thác dầu của Vietsovpetro.

·        Ngày 29/11/2010 – dự án Giàn nén khí mỏ Rồng được đưa vào hoạt động an toàn, trước kế hoạch 5 tháng 22 ngày, tiết kiệm cho nhà nước gần 420 tỷ đồng.

·        Ngày 17/07/2015 – Lắp thành công máy nén số 6 trên giàn nén khí trung tâm, tăng công suất thu gom khí từ mỏ Sư tử trắng (Cửu Long JOC) đưa về bờ.

·        Ngày 25/05/2016 – Tổngsản lượng thu gom, xử lý, nén và vận chuyển về bờ đạt 30 tỷ m3 khí.

·        Ngày 27/02/2017– Cán mốc 10 tỷ m3 khí trong công tác thu gom, xử lý và vận chuyển khí từ các JOC về bờ.

·        Ngày 24/05/2017 – Tổ máy số 6 lắp đặt trên giàn nén khí trung tâm đạt 1 tỷ m3 khí nén đầu tiên.

·        Ngày 27/06/2017 – Giàn nén khí Rồng đạt mốc 2 tỷ m3 khí hoán đổi.

·        Ngày 01/10/2017, tổng sản lượng khí nén Gaslift và về bờ đạt mốc 50 tỷ m3.

 ​Tác giả: Quỳnh Như  

(còn tiếp)   

Tin nổi bật













Tin nội bộ
  • ​Đón Tết ở giàn khoan
  • 2/26/2024 8:00:32 PM