tin tức - sự kiện

Côn đảo - Tìm về và cảm nhận

9/5/2016 6:42:04 PM
Hưởng ứng phong trào "Hướng về biển đảo quê hương" và nhân kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9 (1945-2016), từ ngày 16 đến ngày 18 tháng 8 năm 2016.Chi bộ GNR cùng với Công đoàn và Đoàn thanh niên trên giàn​ tổ chức chuyến về nguồn kết hợp khóa đào tạo nội bộ​

Hưởng ứng phong trào "Hướng về biển đảo quê hương" và nhân kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9 (1945-2016), từ ngày 16 đến ngày 18 tháng 8 năm 2016

Chi bộ GNR cùng với Công đoàn và Đoàn thanh niên trên giàn tổ chức chuyến về nguồn kết hợp khóa đào tạo nội bộ và du lịch ngoại khóa cho CBCNV GNR, MKC, CCP tại Côn Đảo, một địa danh lịch sử nổi tiếng của tỉnh Bà rịa-Vũng Tàu. Với du khách Việt Nam, Côn Đảo là điểm du lịch về nguồn cần phải đến, như một tâm nguyện trong đời mỗi người. Với du khách nước ngoài, hệ thống nhà tù Côn Đảo, rừng rậm nguyên sinh cũng xứng đáng là nơi để khám phá. Vẻ hoang sơ, thuần khiết cùng với nhiều thắng cảnh đẹp, bãi biển thơ mộng do thiên nhiên ban tặng của Côn Đảo luôn có sức hấp dẫn, lôi cuốn mọi du khách gần xa đến với Côn Đảo.

                                                           Côn Đảo mênh mông giữa biển trời

                                                           Trùng dương vỗ nhịp sóng xa khơi

                                                             (Côn Lôn bất khuất - Nguyễn Minh Trung)

   Ngày đầu tiên, cũng như hầu hết du khách Việt Nam khi mới đặt chân đến Côn Đảo, ngay buổi chiều đoàn chúng tôi đi tham quan các di tích lịch sử nổi tiếng đã được xếp hạng di tích đặc biệt cấp quốc gia như: Nhà Chúa Đảo, Trại tù Phú Hải, Chuồng cọp Pháp… mà trước đây được gọi là "địa ngục trần gian", nơi giam cầm hàng chục lượt vạn chiến sĩ cách mạng Việt Nam và đồng bào yêu nước, trong đó có hơn 2 vạn người yêu nước đã ngã xuống tại đây. Sau đó đoàn đã đến viếng Nghĩa trang Hàng Dương là nơi yên nghỉ của hàng vạn người yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ, kéo dài suốt 113 năm (1862-1975) tồn tại của nhà tù Côn Đảo. Nghĩa trang Hàng Dương có mộ phần của nhiều chiến sĩ cách mạng, trong đó có các chiến sĩ tiêu biểu như: cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn An Ninh, nữ anh hùng, liệt sĩ Võ Thị Sáu… 

                                                           Nghĩa địa Hàng Dương vùi chôn bao số phận

                                                           Hết lớp này lớp khác dập lên trên

                                                           Mặt phẳng lỳ không mô đất nhô lên

                                                           Không bia mộ và không tên, không tuổi…

                                                                          (Côn Đảo và những truyền thuyết)

   Sân hành lễ nằm ở trung tâm nghĩa trang với biểu tượng của một tháp bút đỏ máu viết lên trời xanh. Đó là lời tố cáo tội ác phi nhân tính của bè lũ thực dân, đế quốc. Đó cũng là bản anh hùng ca về khí tiết cách mạng của những người cộng sản Việt Nam. Cũng tại nơi đây có tượng đài "Trao áo". Tượng đài được tái tạo từ câu chuyện "Chết còn cởi áo cho nhau". Biểu tượng trao áo không chỉ là câu chuyện nói về sự gian khổ, về tình đồng chí thắm thiết nhường lại cho nhau manh áo trước lúc đi xa, mà còn là sự truyền lửa, truyền hơi ấm khí tiết người chiến sỹ cộng sản cho nhau, dặn nhau giữ khí tiết, đấu tranh cho đến ngày toàn thắng.

Cởi manh áo tù trao lại anh em

Lời trăng trối của anh là tấm áo…

Gửi lại anh chút lửa ấm cuối cùng

Lửa vẹn nguyên mà áo anh thì rách…

Manh áo tù gói niềm tin lặng lẽ

Đồng đội cầm lên thấy đỏ màu cờ.

                                    (Cởi áo - Anh Ngọc)

Buổi tối, mọi người tự do nghỉ ngơi hoặc tản bộ ngắm Cầu tàu 914 một địa danh lịch sử nổi tiếng, nơi đây có 914 người tù nhân đã mất trong việc xây dựng cầu tàu. Dấu ấn sâu lắng nhất đọng lại ở di tích lịch sử này trong hơn một thế kỷ qua được chọn là những phiến đá ngổn ngang, sắp lớp. Những tảng đá đó đã đè nát bao nhiêu thân tù khi họ đưa nó từ núi Chúa về đây. Cái thời đau thương ấy như vẫn còn âm vang trong từng phiến đá và có câu trường hận của tù nhân : "Côn Lôn ơi, viên đá mạng người....".

Chênh vênh đá tắm máu người

Biển xao sóng vỗ trao lời nước non

Đường vào địa ngục trần gian

Dẫu trong nỗi chết giữ tròn hiếu trung.

                                                   (Cầu tàu)

   Ngày hôm sau, theo kế hoạch lớp học "Cơ bản về công nghệ xử lý và vận chuyển khí" được tổ chức cho CBCNV GNR, MKC, CCP đúng với chương trình, nội dung đào tạo đã được Lãnh đạo XNK phê duyệt dưới sự giảng dạy của Giáo viên Hà Quốc Việt, giàn trưởng GNR. Tất cả CBCNV trong đoàn đều tham dự lớp học đầy đủ.

   Buổi sáng ngày thứ 3, đoàn đi một vòng quanh đảo và tham quan một số thắng cảnh của Côn Đảo. Trên đường đi mọi người được chiêm ngưỡng các thắng cảnh như Mũi Cá Mập (Có hình tượng giống Hàm Cá Mập), đỉnh Tình Yêu là chóp núi có hình tượng của đôi trai gái đang tâm tình, họ trao nhau những tình cảm sâu sắc, thể hiện cho một mối tình bền chặt dài lâu mà thiên nhiên đã ban tặng cho Côn Đảo. Đoàn đến thăm cảng bến Đầm là cảng lớn nhất và là kinh tế chính của Côn Đảo, Viếng chùa Núi Một hay còn gọi là Vân Sơn Tự, từ nơi đây có thể ngắm toàn cảnh đẹp Côn Đảo từ trên cao, tiếp tục đoàn tham quan và tắm biển bãi Đầm Trầu, một trong những bãi tắm đẹp của Côn Đảo…

   Buổi chiều, đoàn đi Chợ Côn Đảo để tham quan và mua sắm quà lưu niệm trước khi trở về đất liền, kết thúc một hành trình với nhiều khám phá thú vị cùng với những cảm xúc dâng trào, lắng đọng trong tâm trí của mỗi thành viên trong đoàn, cảm giác bồi hồi, xúc động qua từng lời kể của thuyết minh viên khi tham quan các nhà tù, chuồng cọp trên đảo, nơi được coi là "Địa ngục trần gian".

Núi Côn Lôn được pha bằng máu

Đất Côn Lôn năm sáu lớp xương người

Mỗi bước chân che lấp một cuộc đời

Mỗi tảng đá là một trời đau khổ…

                        (Côn Đảo và những truyền thuyết)

Kể sao cho hết được những tội ác dã man của chủ nghĩa thực dân, đế quốc đối với các tù nhân là những chiến sĩ Cách mạng và đồng bào yêu nước Việt Nam. Mỗi viên gạch, cục đá nơi đây đều như thấm đẫm máu xương của người chiến sĩ Cách mạng Việt Nam và cũng chính nơi đây đã trở thành cái nôi tôi luyện ý chí kiên cường, bất khuất, là trường học cách mạng của những người cộng sản và những người yêu nước Việt Nam. Tất cả mọi thành viên trong đoàn, ai cũng xúc động và lặng người khi tận mắt nhìn thấy nơi giam cầm các chiến sĩ cách mạng bằng một hệ thống các nhà tù cùng với các dụng cụ tra tấn tù nhân hết sức dã man của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hình ảnh những phòng giam tập thể với cùm sắt, dây kẽm gai, xà lim đá ngột ngạt, chuồng cọp, hầm xay lúa... với những đòn tra tấn dã man như: Rắc vôi bột, tạt nước để thân thể người tù lở loét, đến cách thức tắm nước lạnh, dơ bẩn vào mùa đông hay như ngâm thân thể người tù dưới hầm phân bò…và những câu chuyện mà thuyết minh viên đã kể cho chúng tôi nghe đều phải rùng mình, căm phẫn.

Tội ác ngàn năm còn nhớ mãi

Hận thù vạn kiếp vẫn không nguôi

Kiên trung bất khuất đâu lùi bước

Ánh đuốc Côn Lôn mãi sáng ngời.

         (Côn Lôn bất khuất - Nguyễn Minh Trung)

   Có đến nơi đây và tận mắt chứng kiến sự tàn bạo, dã man của thực dân, đế quốc chúng ta mới cảm nhận hết được ý chí quật cường của những chiến sỹ cách mạng mà từ trước đến nay chúng ta mới chỉ được nghe và thấy qua sách báo, tranh ảnh. Có tận mắt chứng kiến chúng ta cũng thấy rõ nét hơn về tình người, tình đồng chí, về sự chịu đựng, hy sinh… của các chiến sỹ Cách mạng khi bị giam cầm, tra tấn... Chính tinh thần và dũng khí đó đã hun đúc nên những giá trị cao quý và truyền lại để tạo sức mạnh và niềm tin vững chắc cho thế hệ chúng ta hôm nay.

   Đến với "Côn Đảo huyền thoại", nơi được mệnh danh là vùng đất linh thiêng, "bàn thờ của Tổ quốc" được tận mắt chứng kiến những chứng tích một thời của nơi được gọi là "địa ngục trần gian" đã để lại trong mỗi thành viên của Đoàn những cảm xúc, niềm xúc động dâng trào, niềm tự hào và sự chiêm nghiệm về lý tưởng sống, tình yêu quê hương đất nước và tự hào là phần tử của một dân tộc kiên cường…Chúng ta đến đây với tất cả tấm lòng biết ơn sâu nặng và vô cùng khâm phục đối với biết bao đồng chí, đồng bào chỉ bằng khối óc, trái tim và lòng dũng cảm mà đã hiên ngang đương đầu với những gông cùm, xiềng xích, ngục tù với những ngón đòn tra tấn tàn khốc của kẻ thù, đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc Việt Nam. Chúng ta, những đoàn viên, thanh niên, những đảng viên thế hệ sau tiếp bước Cha Anh, xin nguyện đem trí tuệ và tình yêu trọn vẹn của mình hiến dâng cho Đảng, cho nhân dân, cho một Việt Nam tiến bộ và bền vững. Lời hứa ấy âu cũng là một nén tâm hương xin kính cẩn nghiêng mình dâng lên hàng vạn anh linh những anh hùng liệt sĩ và đồng bào yêu nước vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất Côn Đảo đau thương mà bất khuất này.

   Được sự quan tâm và hỗ trợ tích cực từ phía Đảng ủy, công đoàn & đoàn thanh niên XNK, chi bộ GNR, công đoàn, đoàn thanh niên GNR đã tổ chức thành công một chuyến về nguồn mang đầy tính nhân văn và bổ ích. Chuyến hành trình về Côn Đảo là bài học lịch sử hết sức quý báu để thế hệ trẻ hôm nay càng thêm trân trọng sự hy sinh của cha ông, thấy rõ hơn trách nhiệm của mình đối với quê hương đất nước. Trong thời gian tới, chi bộ GNR sẽ tiếp tục tổ chức những chuyến về nguồn đầy ý nghĩa như vậy đến những địa danh lịch sử khác trên mọi nhiền Tổ Quốc, qua đó nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, giáo dục tinh thần yêu quê hương đất nước, tự hào về những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam.

 Một vài hình ảnh trong chuyến đi:

 

Biểu tượng tháp bút đỏ tại sân hành lễ Nghĩa trang Hàng Dương

 

​Chụp ảnh lưu niệm trước cổng Nghĩa trang Hàng Dương  

 

Đoàn dâng hương tại Nghĩa trang Hàng Dương và mộ Liệt sỹ Võ Thị Sáu  

Bên mộ Liệt sỹ Võ Thị Sáu 

 

 

 

Hình ảnh "Địa ngục trần gian": Trại tù Phú Hải và Chuồng Cọp Pháp 

                                                                      ​   Bài & ảnh : Chi bộ Giàn nén Rồng

 

Tin nổi bật





Tin nội bộ
  • ​Đón Tết ở giàn khoan
  • 2/26/2024 8:00:32 PM












    Tin nội bộ
  • Thư chúc mừng năm mới năm 2024
  • 12/28/2023 11:36:22 PM